Qua đó, chiều 17/10, về việc ô nhiễm nguồn nước sạch cung cấp cho Hà Nội tại nhà máy nước sạch sông Đà ở Hoà Bình, đại diện Sở Tài nguyên Môi trường Hòa Bình cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin về vụ việc, ngay trong sáng 14/10, đơn vị đã trực tiếp xuống khu vực nghi bị đổ trộm dầu thải, các suối dẫn nước và làm việc với Công ty về thông tin báo chí nêu.
Tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Đăng Khoa, Phó Giám đốc Nhà máy nước sạch sông Đà cho biết, hiện Công ty đang dồn toàn lực để sản xuất nước phục vụ nhân dân và khắc phục sự cố nên thời gian tới sẽ họp xem xét cụ thể đối với các công nhân, cán bộ ứng trực khi xảy ra sự cố.
Ông Khoa thông tin: “Việc này chúng tôi sẽ ngồi lại để xem xét thực tại, khi có kết luận chính thức chúng tôi sẽ thông tin. Về thiệt hại thì chúng tôi là đơn vị thiệt hại nhất, mong Công an tỉnh Hoà Bình sớm tìm ra thủ phạm”.
|
Ông Bùi Đăng Khoa, Phó Giám đốc Nhà máy nước sạch sông Đà. |
Trước ý kiến này của ông Khoa, PV chất vấn "chẳng lẽ, hàng triệu người dân Hà Nội không thiệt hại bằng nhà máy và chưa hề thấy đơn vị có một lời xin lỗi nào đối với người dân", nói về việc này, ông Khoa cho rằng, những vấn đề này, tại cuộc họp báo của Thành ủy Hà Nội đã trả lời và không nêu lại.
Trong khi đó, ngày 8/10, tức một ngày trước khi người dân các quận huyện tại Hà Nội phát hiện nước có mùi lạ, cán bộ của Công ty cổ phần đầu tư nước sạch (Viwasupco) đã phát hiện thực trạng đổ trộm dầu thải.
Thế nhưng Công ty đã không có bất kỳ báo cáo nào với cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình cũng như thành phố Hà Nội. Đồng thời, công ty Viwasupco cũng không có hành động ngăn chặn ô nhiễm nguồn nước theo quy định, dẫn đến nguồn dầu này đa chảy vào nguồn nước thông qua hệ thống xử lý nước của nhà máy, rồi chảy vào hệ thống phân phối đến người dân các quận huyện: Hoài Đức, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Hà Đông.
|
Nguồn nước sông đà bị nhiễm dầu. |
Là một trong những khu vực phải dùng nước bẩn, một cư dân tại khu đô thị Linh Đàm, quận Hoàng Mai cho biết: "Trong những ngày vừa qua cuộc sống của gia đình tôi bị đảo lộn, từ tiền, bạn thời gian, sức khỏe cũng bị gián đoạn và giảm sút".
Cư dân này cũng cho hay: "Hôm qua tôi có nghe trên báo đài về việc ông Phó Giám đốc Nhà máy nước sạch sông Đà nói Công ty của ông ý là bị thiệt hại nặng nhất. Tuy nhiên, người dân chúng tôi không những thiệt hại về tiền bạc mà còn thiệt hại về sức khỏe. Nói về sức khỏe không phải nó phát bệnh ngay mà về lâu về dài thì mới phát bệnh liên quan tới tính mạng con người. Mong muốn của chúng tôi cơ quan chức năng phải cung cấp nước và phải đảm bảo sạch cho chúng tôi để ổn định cuộc sống".
Ông Nhuận cũng là một cư dân tại khu đô thị Linh Đàm cho hay: "Trong những ngày mất nước chúng tôi rất vất vả ngày nào cũng phải mang những xô, chậu to rồi đi xếp hàng để lấy nước. Mong làm sao cấp cấp chính quyền xử lý thế nào cho dân đỡ vất vả".
Nói về việc có suy nghĩ gì Phó Giám đốc Nhà máy nước sạch sông Đà rằng về thiệt hại Công ty là thiệt hại nặng nhất, ông Nhuận bày tỏ quan điểm: "Về vấn đề này 2 bên đều thiệt hại, chúng tôi thiệt hại nặng nhất là ăn nước bẩn dẫn đến ảnh hưởng tới sức khỏe. Công ty cũng thiệt hại nhưng chỉ thiệt hại về kinh tế mà thôi".
|
Người dân ở khu đô thị Linh Đàm chật vật mang xô, chậu đi lấy nước sạch. |
Tại khu vực chung cư Gemek (An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội), trong những ngày mất nước hàng trăm hộ dân mang theo xô, chậu để nhận lượng nước sạch đầu tiên kể từ sau khi sự cố nước có mùi lạ xảy ra. Hàng dài người dân xếp thành 2 hàng nối nhau kéo dài hàng chục mét dưới xe chở nước sạch của Công ty nước sạch Hà Nội.
Bày tỏ sự lo lắng và bất tiện khi nước sinh hoạt có mùi lạ, chị Hoàng Thu Hương (35 tuổi) một cư dân ở chung cư Gemek cho hay, việc không có nước sạch để dùng khiến nhiều hoạt động trong gia đình bị xáo trộn. Mấy ngày trước đây, khi dùng nước từ đường ống do Công ty nước sạch sông Đà cung cấp có mùi rất khét, sử dụng vào bị ngứa và có cảm giác buồn nôn. Chị cho biết trong suốt gần 1 tuần qua, gia đình chị phải mua nhiều bình nước lọc ở bên ngoài về dùng. Đặc biệt, gia đình có con nhỏ nên việc sinh hoạt khá bất tiện.
Gia Đạt