Dân dựng lều chặn cổng CCN: Thiệt hại hàng chục tỷ, trách nhiệm của ai?

Google News

(Kiến Thức) - Dân chặn cổng CCN để phản ánh về việc xả thải ra môi trường khi CCN chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung trong ngày 25 và 26/6. Vụ việc trên khiến các doanh nghiệp bị thiệt hại nặng nề. Trách nhiệm thuộc về ai?

Thông tin mới nhất vụ việc hàng trăm hộ dân xã Lương Điền (huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương) dựng lều, căng dây chặn cổng Cụm công nghiệp Lương Điền trong các ngày 25 và 26/6, mới đây gần chục doanh nghiệp đã có đơn trình báo gửi UBND tỉnh Hải Dương, Công an tỉnh Hải Dương, UBND huyện Cẩm Giàng và Công an huyện Cẩm Giàng về thiệt hại của các doanh nghiệp do phải ngừng sản xuất. Dư luận đặt ra câu hỏi về trách nhiệm trong vụ việc dân dựng lều chặn cổng Cụm công nghiệp Lương Điền thuộc về cá nhân, tổ chức nào?
Thiệt hại hơn chục tỷ đồng do không thể sản xuất
Cụm công nghiệp Lương Điền (xã Lương Điền, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương) hiện đang có 12 công ty vào đầu tư, trong đó có 9 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất ổn định tạo việc làm cho hàng ngàn lao động.
Tuy nhiên, chiều ngày 24/6, một số người dân đã tự ý dựng lều bạt tại vị trí cổng chính của CCN Lương Điền. Trong ngày 25 và 26/6, hàng trăm người dân đã tự ý làm rào chắn bịt kín các tuyến đường ra vào, ngăn cấm hoàn toàn người lao động và các phương tiện vận tải vào trong cụm công nghiệp Lương Điền.
Hậu quả, 3.627 công nhân các công ty trong cụm công nghiệp không thể vào nhà máy để sản xuất các doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động với số tiền thiệt hại lên tới gần 6,6 tỷ/ngày.
Dan dung leu chan cong CCN: Thiet hai hang chuc ty, trach nhiem cua ai?
Người dân chặn cổng cụm công nghiệp khiến các công ty bị thiệt hại. 
Cụ thể, theo đơn trình báo của Công ty TNHH Giày Ngọc Hưng, do sự cản trở của người dân, 2.790 lao động của công ty không vào được nhà máy để làm việc, ước tính thiệt hại khoảng hơn 450 triệu đồng/ngày.
Ngoài ra, 3 xe container chờ xuất hàng với 32.000 đôi giầy đã không thể vận chuyển để xuất hàng.
Công ty CP dược Hadu 79 cũng bị thiệt hại do việc người dân chặn cổng CCN khi 40 công nhân phải nghỉ làm, thiệt hại 12 triệu/ngày. Công ty phải dừng hoạt động sản xuất không tạo ra sản phẩm thiệt hại 100 triệu đồng/ngày. Thiệt hại ô tô vận tải là 5 triệu đồng/ngày và thiệt hại do không giao hàng đúng tiến độ là 3 triệu/ngày.
Tương tự, Công ty CP Thương mại và sản xuất Haka cũng bị thiệt hại khi 22 công nhân phải nghỉ việc trong thời gian trên thiệt hại 7,8 triệu/ngày. Việc dừng sản xuất cũng khiến công ty thiệt hại 65 triệu đồng/ngày, thiệt hại do ô tô không hoạt động là 8 triệu đồng/ngày, thiệt hại do không giao hàng đúng tiến độ là 16 triệu đồng/ngày.
Đặc biệt, công ty TNHH Vina Sekyo bị thiệt hại lớn với số tiền 1 tỷ đồng/ngày do 65 công nhân phải nghỉ việc; thiệt hại 2 tỷ đồng/ngày do phải dừng hoạt động sản xuất và 1 tỷ đồng/ngày do không giao hàng đúng tiến độ.
Dan dung leu chan cong CCN: Thiet hai hang chuc ty, trach nhiem cua ai?-Hinh-2
 Việc người dân chặn cổng CCN do bức xúc về việc xả thải ra môi trường.
Công ty CP Dây và cáp điện Thượng Đình bị thiệt hại khoảng hơn 1,8 tỷ đồng gồm thiệt hại 315 triệu đồng/ngày do 693 công nhân phải nghỉ việc; 1,45 tỷ đồng do dừng sản xuất không tạo ra sản phẩm và 30 triệu đồng do giao hàng không đúng tiến độ.
Công ty TNHH Samchully Carbotech Việt Nam cũng bị thiệt hại gần 70 triệu đồng/ngày do sự việc trên.
Đáng chú ý, trong CCN hiện có 5 nhà đầu tư Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc chuyên sản xuất hàng xuất khẩu, việc cản trở sản xuất đã làm đình trệ hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp nước ngoài, ảnh hưởng xấu đến chính sách thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Trước thiệt hại của các doanh nghiệp nêu trên, dư luận đặt ra câu hỏi trách nhiệm thuộc về ai khiến các doanh nghiệp bị thiệt hại nặng nề?
Như Kiến Thức đã đưa tin, việc người người dân xã Lương đã tự ý dựng lều bạt tại vị trí cổng chính của CCN Lương Điền và ngăn cản các công nhân, phương tiện vận tải ra vào trong ngày 25 và 26/6 xuất phát từ việc lo lắng môi trường bị ảnh hưởng khi một số doanh nghiệp trong cụm công nghiệp xả thải ra môi trường, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân và gây lo lắng về sức khỏe với người dân địa phương.
Một trong những bức xúc của người dân là do hiện Cụm công nghiệp Lương Điền đã hoạt động nhiều năm tuy nhiên vẫn chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung.
Tại cuộc đối thoại với lãnh đạo UBND huyện Cẩm Giàng, Sở TNMT tỉnh Hải Dương, đại diện Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Trường Dương – chủ đầu tư, kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp Lương Điền, người dân địa phương cho rằng, Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Trường Dương chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung khiến người dân bức xúc nên hành động như trên.
Do vậy, người dân đề nghị lãnh đạo UBND huyện Cẩm Giàng phải làm rõ: Ai là người sai phạm đầu tiên? Ai là người sai phạm tiếp theo.
Dan dung leu chan cong CCN: Thiet hai hang chuc ty, trach nhiem cua ai?-Hinh-3
 Lãnh đạo UBND huyện Cẩm Giàng, Sở TNMT tỉnh Hải Dương đối thoại với người dân.
“Ví như Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Trường Dương sai mới dẫn đến việc này, nên đại diện công ty phải nhận trách nhiệm trước công dân. Nếu công ty không vi phạm thì bà con dựng lều bạt là sai”, người dân này cho biết.
Trao đổi với PV Kiến Thức, ông Nguyễn Văn Công – Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Giàng cho biết, bản thân ông đã khuyên người dân tháo dỡ lều bạt để công nhân vào nhà máy sản xuất.
Còn bên công an cho rằng, việc nào ra việc đó, việc người dân ra chặn cổng dựng lều bạt, tụ tập đông người là vi phạm, gây rối trật tự công cộng.
Nói về việc các doanh nghiệp có đơn trình báo về thiệt hại do bị chặn cổng không thể hoạt động sản xuất, ông Nguyễn Văn Công cho biết, huyện đã nhận được đơn trình báo. “Do đang xem xét nên không thể trả lời báo chí ngay được”, Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Giàng cho biết.
Liên quan vụ việc trên, có một chi tiết đáng chú ý, cuối năm 2018, Sở TN&MT tỉnh Hải Dương công bố kết luận thanh tra số 04 chỉ nhiều sai phạm còn tồn tại của Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Trường Dương – chủ đầu tư, kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp Lương Điền (xã Lương Điền, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương). Đáng chú ý, kết luận Thanh tra chỉ rõ, chưa đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải cụm công nghiệp trên diện tích 0,7 ha theo quy hoạch chi tiết đã được UBND tỉnh Hải Dương phê duyêt. 
Tuy nhiên, trong phần kiến nghị, Thanh tra Sở TNMT tỉnh Hải Dương không kiến nghị cụ thể về việc doanh nghiệp phải xây dựng hệ thống xử lý nước thải cụm công nghiệp mà chỉ nêu chung chung: “Tập trung đầu tư xây dựng đầy đủ các công trình trên diện tích đất đã được bàn giao theo quy hoạch xây dựng chi tiết và dự án đầu tư đã được UBND tỉnh phê duyệt, chấp nhận.
Đến ngày 20/6, Sở TNMT Hải Dương có công văn số 1021 do ông Tạ Hồng Minh – Phó Giám đốc Sở TNMT ký gửi Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Trường Dương về việc đôn đốc cơ sở thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường của dự án.
Trong đó, nêu rõ, CCN Lương Điền vẫn chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung theo quy định để kiểm soát hoạt động xả thải của các doanh nghiệp.
Sở TNMT yêu cầu, Công ty Trường Dương rà soát lại hệ thống thoát nước thải của cụm công nghiệp Lương Điền và yêu cầu các doanh nghiệp đang đấu nối nước thải vào hệ thống thoát nước mưa của cụm công nghiệp phải đấu nối về hệ thống thoát nước thải của cụm công nghiệp theo quy định.
Đồng thời, triển khai xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung của cụm công nghiệp Lương Điền, đưa vào hoạt động trước ngày 31/12/2019.
Trong thời gian xây dựng hệ thống xử lý nước thải, Công ty phải thực hiện thu gom, chuyển giao hoặc thuê đơn vị có chức năng xử lý nước thải phát sinh đảm bảo đạt quy chuẩn cho phép mới được xả thải ra môi trường.
Công ty Trường Dương gây ô nhiễm nói gì?
Để làm rõ vấn đề liên quan vụ việc trên, ngày 28/6, PV Kiến Thức đã có buổi làm việc với ông Bùi Văn Đà – Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Trường Dương.
Tại buổi làm việc này, PV Kiến Thức đặt hàng loạt câu hỏi về việc trong kết luận thanh tra từ cuối năm 2018, Sở TNMT đã chỉ rõ việc công ty chưa đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải cụm công nghiệp, tuy nhiên đến nay vẫn chưa xây dựng. Vì sao có việc chậm trễ này?
Ngày 20/6, Sở TNMT Hải Dương tiếp tục có công văn đôn đốc thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường của dự án, việc này triển khai ra sao?
Trả lời PV, ông Bùi Văn Đà cho biết, hiện nay các công ty thứ cấp đã xử lý đạt chuẩn trước khi xả thải nên công ty rất yên tâm, nếu các công ty không xử lý thì Công ty Trường Dương sẽ phải xử lý ngay.
Tuy nhiên, theo lời ông Đà, hiện tại cụm công nghiệp hiện vẫn còn khoảng 4,5 công ty nhỏ thì không có nước thải sản xuất mà chỉ có nước thải sinh hoạt.
“Hiện nay công ty đang làm hệ thống thu gom và bể gom nước thải, trong trường hợp không đạt sẽ thuê đơn vị xử lý. Việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung theo lộ trình cam kết với dân đến 31/12 mới hoàn thành được”, ông Bùi Văn Đà cho biết.
Như vậy, sự chậm trễ xây dựng hệ thống xử lý nước thải tại CCN Lương Điền của Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Trường Dương, trong khi các cơ quan chức năng như UBND huyện Cẩm Giàng và Sở TNMT tỉnh Hải Dương chưa quyết liệt vào cuộc yêu cầu doanh nghiệp thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, xây dựng hệ thống nước thải cụm công nghiệp khiến người dân bức xúc chặn cổng cụm công nghiệp, gây thiệt hại đến hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp.
Dư luận đặt ra câu hỏi, UBND tỉnh Hải Dương cần có chỉ đạo làm rõ trách nhiệm liên quan sự việc trên và xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân theo quy định nếu có sai phạm.
Kiến Thức tiếp tục thông tin.
>>> Xem thêm video: Trục lợi từ dịch tả lợn châu Phi

Nguồn VTV


Hải Ninh