Liên quan một số nghệ sĩ nổi tiếng như Đàm Vĩnh Hưng, Ngô Thanh Vân, Cát Phượng phát ngôn sai sự thật về dịch virus corona trên mạng xã hội, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 5/2, Cục trưởng Cục phát thanh truyền hình (Bộ Thông tin và Truyền thông) Nguyễn Thanh Lâm cho biết, Sở TT&TT TP.HCM cũng quyết tâm xử lý trường hợp các nghệ sĩ thông tin sai mà dư luận và cơ quan báo chí phát hiện được, làm rõ trách nhiệm về tung và phát tán tin giả.
Mới đây, Sở TT&TT TP.HCM thông báo đã vào cuộc chấn chỉnh và xử lý với với ba nghệ sĩ gồm Ngô Thanh Vân, Đàm Vĩnh Hưng, Cát Phượng khi có hành vi đưa tin sai về dịch virus corona. Theo đó, Sở đã mời 3 nghệ sĩ Đàm Vĩnh Hưng, Cát Phượng, Ngô Thanh Vân đến làm việc.
Trao đổi với báo chí, Phó Giám đốc Sở TT&TT TP HCM Từ Lương cho biết, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng do lý do khách quan nên đề nghị dời buổi làm việc với Sở sang ngày 11/2. Đối với diễn viên Ngô Thanh Vân, Sở sẽ làm việc vào ngày 6/2 và nghệ sĩ Cát Phượng là ngày 10/2.
Theo ông Từ Lương, nghệ sĩ vốn là những người có tầm ảnh hưởng xã hội, được khán giả thần tượng, yêu mến nên mỗi phát ngôn, bài viết của mình cần cẩn trọng. Trong tình hình dịch bệnh diễn biến khó lường, nghệ sĩ nếu đưa ra những phát ngôn không đúng sẽ khiến dư luận càng hoang mang hơn. Qua các cuộc điện thoại, các nghệ sĩ này đã có có thái độ hợp tác, nhận thức về hậu quả đã gây ra khi đăng tải những thông tin không chính xác về tình hình dịch bệnh trên mạng xã hội.
|
Sở TT&TT TP HCM sẽ làm việc với các nghệ sĩ để làm rõ hành vi đưa tin sai sự thật về dịch virus Corona. Ảnh: Zing. |
Trước đó, ngày 26/1, trên trang Fanpage Đàm Vĩnh Hưng chia sẻ thông tin không đúng về hai bệnh nhân người Trung Quốc điều trị tại bệnh viện Chợ Rẫy. Cụ thể, trên fanpage của nam ca sĩ cho rằng "hai người Trung Quốc bị nhiễm virus corona đã chết tại Chợ Rẫy".
Dù sau đó, thông tin này đã bị gỡ bỏ nhưng dư luận có nhiều ý kiến chỉ trích bởi việc thông tin không đúng về dịch bệnh do virus Corona sẽ gây hoang mang đối với người dân.
Đáng chú ý, cùng ngày, nghệ sĩ Cát Phượng cũng chia sẻ link bài về hai bệnh nhân chữa trị ở bệnh viện Chợ Rẫy kèm dòng dự đoán: "Biết nói gì đây? Làm ơn nghĩ cho dân trước cũng là nghĩ cho chính bản thân mình. Dịch bệnh đã đến Q.1, rồi sẽ lan tràn đến Q.3, Q.5, Q.7...".
Sáng 31/1, diễn viên Ngô Thanh Vân đã cập nhật trạng thái trên fanpage của mình về tình trạng hãng hàng không vẫn có chuyến bay từ Vũ Hán về Việt Nam giữa đại dịch virus corona. Tuy nhiên, thời điểm xuất hiện thông tin trên, Cục Hàng không Việt Nam đã dừng cấp phép các chuyến bay từ Việt Nam đi Vũ Hán và ngược lại. Khi bị dư luận phản ứng, Ngô Thanh Vân đã gỡ bỏ dòng trạng thái và đưa ra lời xin lỗi: "Mình chỉ sốt ruột lo lắng cho tình trạng chung của sức khỏe mọi người. Xin lỗi vì sự sai lầm này".
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, hành vi đưa tin sai sự thật trên mạng xã hội, gây hoang mang dư luận là hành vi vi phạm pháp luật.
Cụ thể vi phạm điều 8 của Luật an ninh mạng. Do vậy, tùy thuộc vào tính chất mức độ nghiêm trọng của hành vi, tùy thuộc vào hậu quả của sự việc mà hành vi vi phạm này có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định pháp luật.
Hiện nay ở Việt Nam đã công bố tình trạng bệnh dịch do virus nCoV gây ra, theo đó Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm quy định về thông tin, truyền thông, về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cả cá nhân, trong việc phòng và chống dịch.
Trong thời điểm dịch bệnh xảy ra, việc quản lý thông tin, đưa tin về dịch bệnh một cách chính xác là hết sức quan trọng, tránh hoang mang trong cộng đồng và đảm bảo những thông tin chính xác phục vụ cho công tác phòng và chống dịch. Hành vi đưa tin xuyên tạc, sai sự thật về dịch bệnh có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc phòng và chống dịch, gây hoang mang trong quần chúng nhân dân, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân bởi vậy nhiều trường hợp vi phạm có thể xử lý hình sự.
Thời gian qua, không chỉ ba nghệ sĩ gồm Ngô Thanh Vân, Đàm Vĩnh Hưng, Cát Phượngmà cơ quan công an và thanh tra Sở TT&TT các địa phương đã tiến hành triệu tập nhiều người để làm rõ hành vi đăng tải thông tin thất thiệt trên mạng xã hội về dịch bệnh Corona để xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.
Nói về việc một số nghệ sĩ ủy quyền cho các luật sư để đại diện làm việc với Sở TT&TT, luật sư Đặng Văn Cường cho biết, đây là thủ tục giải quyết tin báo tố giác tội phạm, thủ tục giải quyết, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật có thể đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Bởi vậy người bị tố cáo, tố giác, bị xác minh không được quyền ủy quyền cho người khác thay mình thực hiện việc trình báo, khai báo với cơ quan chức năng.
Bởi theo quy định của pháp luật hiện hành thì người bị tố cáo, tố giác, bị kiến nghị khởi tố được quyền mời luật sư tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình ngay từ giai đoạn xác minh tin báo. Với quy định này, luật sư sẽ cùng với người bị tố cáo, tố giác làm việc với cơ quan chức năng chứ luật sư sẽ không thay mặt, nhận ủy quyền toàn bộ để làm việc với cơ quan chức năng được.
Việc ủy quyền chỉ có thể thực hiện ngoài tố tụng hoặc một số trường hợp trong tố tụng ở các vụ án dân sự, hành chính, kinh tế. Còn đối với người bị tố cáo, tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, với bị can, bị cáo thì không thể ủy quyền cho người khác thực hiện thay mình toàn bộ quyền và nghĩa vụ tố tụng.
|
Luật sư Đặng Văn Cường. |
Trong trường hợp người có hành vi vi phạm cố tình trốn tránh, cản trở hoạt động của cơ quan chức năng trong việc xác minh tin báo, không hợp tác, không phối hợp, thách thức, coi thường pháp luật thì các cơ quan chức năng vẫn có thể căn cứ vào các thông tin, tài liệu khác để xem xét xử lý. Với nội dung thông tin sai lệch, không đúng sự thật, với thái độ không hợp tác thì sự việc pháp lý sẽ càng nghiêm trọng.
Nếu kết quả xác minh của cơ quan chức năng cho thấy hành vi của những người này là đưa tin không đúng sự thật, thông tin bịa đặt, vu khống, tin đồn thất thiệt để thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc gây dư luận xấu làm giảm uy tín của Cơ quan, tổ chức, cá nhân thì hành vi này đủ căn cứ để xử lý hình sự Về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông theo điều 288 Bộ luật hình sự năm 2015, Người vi phạm sẽ phải đối mặt với chế tài hình sự là phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Trong trường hợp đủ căn cứ xử lý hình sự nhưng người vi phạm cố tình trốn tránh, không hợp tác với cơ quan điều tra thì cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án, khởi tố bị can và tiến hành lệnh truy nã theo quy định pháp luật.
Trong trường hợp hành vi chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà người vi phạm vẫn cố tình không hợp tác thì cơ quan chức năng căn cứ vào các thông tin, tài liệu thu thập được vẫn có thể xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm a, khoản 3, điều 64 Nghị định 174/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, tần số vô tuyến điện với mức phạt có thể lên đến 30.000.000 đồng.
Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, hành vi đưa tin sai sự thật sẽ gửi ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội bởi vậy những người đã có hành vi vi phạm nên chấp hành pháp luật, cần phải liên hệ, hẹn lịch làm việc với cơ quan điều tra hoặc cơ quan thanh tra để làm rõ sự việc.
Đồng thời cho biết, những người dùng mạng xã hội cũng cần được trang bị kiến thức, sự hiểu biết để phân biệt tin thật, tin giả, không nên vội vàng tin ngay vào một thông tin trên mạng xã hội khi thông tin này không được kiểm chứng. Thời công nghệ thông tin thì việc tìm kiếm một clip, một hình ảnh, việc chỉnh sửa, cắt gép hình ảnh, clip, thậm chí dàn dựng những sự việc để câu like rất dễ xảy ra.
Bởi vậy, trước những thông tin mới, sốc, chưa được kiểm chứng thì người dân cần bình tĩnh, kiểm chứng, xác minh lại thông tin này từ các trang web chính thống của Bộ y tế, của Chính phủ, của các cơ quan chức năng hoặc từ thông tin báo chí chính thống. Những thông tin từ cá nhân, mang tính chất cá nhân trên mạng xã hội đều là những thông tin chưa được kiểm chứng, chưa được xác thực, kể cả người đưa tin là “người của công chúng” .
"Những ca sĩ, người mẫu, những người có sức ảnh hưởng trong xã hội mà tung tin đồn, tin giả càng nguy hại hơn bởi rất dễ làm cho những người hâm mộ tin theo. Bởi vậy, với những người nổi tiếng mà tung tin thất thiệt trên mạng xã hội thì hành vi này sẽ tác động xấu, tiêu cực nhanh chóng tới xã hội, đồng thời hành vi vi phạm này phải bị xử lý nghiêm minh hơn những người dân bình thường khác.
Do vậy cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát để phát hiện xử lý các trường hợp vi phạm, kết hợp với tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, giáo dục nhận thức của người dân nâng cao kiến thức, ý thức trách nhiệm của mỗi công dân trong cộng đồng thì việc kiểm soát hành vi vi phạm, tội phạm trên không gian mạng sẽ tốt hơn", luật sư Cường cho hay.
>>> Mời độc giả xem video Ngồi tù vì tung tin giả về coronavirus lên mạng xã hội:
Tâm Đức