Câu chuyện bổ nhiệm cán bộ tại Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk tiếp tục gây xôn xao dư luận khi mới đây một nữ Phó phòng Hành chính thuộc đơn vị này được cho là chưa có bằng cấp 3.
Đáng chú ý, theo một lãnh đạo của Văn phòng Tỉnh ủy cho biết, liên quan đến bà B. T. T. - Phó phòng Hành chính - Quản trị, Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk, chưa có bằng cấp 3 thì người này đã làm giải trình về vụ việc. Theo giải trình tự viết, bà T. đã xác nhận bà chỉ học đến lớp 11.
Hiện Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk đã thành lập tổ công tác gồm 5 người để tiến hành xác minh làm rõ các vấn đề liên quan đến bằng cấp của nữ Phó phòng Hành chính - Quản trị và các vấn đề như việc nữ Phó phòng này dùng bằng cấp gì để thăng tiến cũng sẽ được làm rõ.
Tuy nhiên, liên quan vụ việc này rõ ràng công tác cán bộ tại Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk có vấn đề khi các nữ cán bộ dù không đủ tiêu chuẩn, gian dối hồ sơ, khai man bằng cấp vẫn được cất nhắc bổ nhiệm, thăng quan mờ ám.
|
Bà Trần Thị Ngọc Thảo (Trần Thị Ngọc Ái Sa). |
Bởi đến nay, dư luận vẫn chưa hết bức xúc với trường hợp bà Trần Thị Ngọc Thảo (tức Trần Thị Ngọc Thêm) - một nữ nhân viên chỉ học xong cấp hai nhưng mượn bằng cấp 3 của chị gái Trần Thị Ngọc Ái Sa để đi học trung cấp, học liên thông lên đại học và hiện nay đã học đến thạc sĩ.
Đồng thời, kê khai lý lịch cán bộ công chức không trung thực để từ một nhân viên xí nghiệp được tuyển dụng làm nhân viên nhà khách Tỉnh uỷ Đắk Lắk rồi làm kế toán, phụ trách kế toán, kế toán trưởng Nhà khách Tỉnh ủy Đắk Lắk và thời gian gần đây thăng tiến từ nhân viên kế toán,lên phó phòng và Trưởng phòng Quản trị, Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk. Đồng thời được kết nạp Đảng vào năm 2013.
Việc bà Trần Thị Ngọc Thảo mượn bằng cấp để được tuyển dụng, bổ nhiệm, thăng tiến là hành vi khai man, không trung thực trong kê khai lý lịch Đảng, lý lịch cán bộ. Tuy nhiên, nếu bà Thảo (Ái Sa) có tội một thì những người giới thiệu bà Ái Sa vào Đảng, cân nhắc, đề bạt bổ nhiệm có tội gấp nhiều lần.
Đáng chú ý, trong hơn 10 năm qua sự việc mới được phát hiện khi bà Trần Thị Ngọc Thảo đã thăng tiến qua 3 đời Chánh Văn phòng Tỉnh ủy. Theo đó, thời điểm bà Sa (bà Thảo) được kết nạp Đảng năm 2013, ông Bùi Văn Bang khi đó là Chánh văn phòng Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy văn phòng. Thời kỳ này ông Trần Xuân Bảy (hiện làm Giám đốc Nhà khách tỉnh Đắk Lắk giữ chức Trưởng phòng Hành chính, quản trị (thuộc Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk), kiêm Bí thư chi bộ. Do vậy, nếu bà Sa (Thảo) được bổ nhiệm phó phòng năm 2013, thì ông Bảy là trưởng phòng, Bí thư chi bộ phòng Hành chính, quản trị; ông Bùi Văn Bang là Bí thư Đảng ủy Văn phòng, là những người giới thiệu, bổ nhiệm.
Đặc biệt, năm 2016, bà Trần Thị Ngọc Ái Sa được bổ nhiệm trưởng phòng, thời điểm này ông Bạch Văn Mạnh làm Chánh văn phòng sẽ là người bổ nhiệm.
Thực tế, ông Bạch Văn Mạnh - Giám đốc Sở Nội vụ hiện nay (nguyên Chánh văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk) người đã ký quyết định bổ nhiệm bà Trần Thị Ngọc Ái Sa lên Trưởng phòng Quản trị.
Ông Bạch Văn Mạnh cũng là người bổ nhiệm bà B.T.T lên Phó phòng Quản trị. Tuy nhiên, trước đó 2 người này đã công tác ở đây lâu rồi, và đã được đưa vào quy trình đề bạt từ trước.
Từ việc bổ nhiệm bà Ái Sa đến việc bổ nhiệm bà B.T.T cho thấy, công tác phát triển Đảng viên vẫn còn nhiều bất cập, lỗ hổng trong việc nhận xét, thẩm tra, xác minh lý lịch của người xin vào Đảng, cũng như trong sinh hoạt đảng.
Đồng thời, dù trình tự bổ nhiệm cán bộ, công chức lãnh đạo ở đây rõ ràng cũng có vấn đề. Không ai có thể ngờ, các quy chế, quy định bổ nhiệm cán bộ, công chức lãnh đạo được coi là chặt chẽ nghiêm ngặt mà một cán bộ, công chức muốn được đề bạt, bổ nhiệm, ngoài việc đạt tiêu chuẩn chung của cán bộ, công chức và tiêu chuẩn cụ thể của từng chức danh bổ nhiệm theo quy định của Đảng và Nhà nước còn phải có đầy đủ hồ sơ cá nhân được cơ quan chức năng có thẩm quyền xác minh rõ ràng.
Thế nhưng, bà Ái Sa (Trần Thị Ngọc Thảo) và bà B.T.T đã dễ dàng qua mặt hàng loạt cơ quan chức năng dù chưa leo cao nhưng đã “chui sâu” khi giữ chức vụ lãnh đạo cấp phòng của một cơ quan trọng yếu như Văn phòng Tỉnh ủy.
Điều đó cho thấy, công tác cán bộ ở địa phương còn nhiều sơ hở và tồn tại một lỗ hổng lớn trong công tác cán bộ. Đáng chú ý, cả hai nữ cán bộ đều đang làm lãnh đạo cấp Phó, trưởng phòng một cơ quan quan trọng như Văn phòng Tỉnh ủy, đó là vị trí nắm nhiều thông tin quan trọng của tổ chức cấp tỉnh và cơ sở.
Dư luận vẫn đặt nhiều dấu hỏi về việc công tác bổ nhiệm cán bộ ở Văn phòng Tỉnh uỷ Đắk Lắk thực sự có vấn đề hay bà Ái Sa, bà T.T.T có người nào đó chống lưng, thậm chí “nâng đỡ không trong sáng" nên mới liên tiếp lọt qua mọi quy định nghiêm ngặt của Đảng, chính quyền trong việc bổ nhiệm cán bộ? Bổ nhiệm một nữ cán bộ sai quy định đã là có vấn đề, ở đây cả hai nữ cán bộ đều thăng quan mờ ám thì việc dư luận đặt ra câu hỏi về việc “nâng đỡ không trong sáng” cũng không có gì là lạ.
Dư luận cho rằng, Văn phòng Tỉnh uỷ Đắk Lắk và các cơ quan liên quan cần sớm vào cuộc làm rõ việc bổ nhiệm, nâng đỡ trên có động cơ bất thường hay không? Bà Sa và bà T. vì sao lại được cân nhắc bổ nhiệm khi thiếu tiêu chuẩn, gian dối hồ sơ, lý lịch…? Người nào đã giúp họ vượt qua những kẽ hở trong các quy định nghiêm ngặt của Đảng, chính quyền trong công tác cán bộ? Mục đích họ “nâng đỡ” các nhân viên, cán bộ trên là gì mà bất chấp các quy định của Đảng và chính quyền, trái với quy định của công tác cán bộ, của Luật công chức, viên chức...?
Đồng thời, qua vụ việc trên cần xem xét kỷ luật Ban Tổ chức Tỉnh ủy và cấp ủy cơ sở khi không làm tròn chức trách, nhiệm vụ trong công tác cán bộ, xử lý nghiêm các cá nhân có sai phạm theo quy định của Đảng, chính quyền và pháp luật.
Tâm Đức