Mới đây, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã ký Công điện phòng, chống và ứng phó với cháy rừng gửi Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH); Cục Cảnh sát Giao thông; Cục Trang bị và Kho vận; Cục Hậu cần; Cục Kế hoạch và Tài chính; Cục Y tế và Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động; Văn phòng Bộ Công an và Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc TW.
Công điện nêu rõ, những ngày gần đây, đã liên tiếp xảy ra các vụ cháy rừng gây thiệt hại lớn về rừng, môi trường sinh thái, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân trên địa bàn các địa phương bị ảnh hưởng bởi thời tiết nắng nóng, nhất là tại các tỉnh Ninh Bình, Hà Tĩnh, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng...
|
Đại tướng Tô Lâm ký công điện chỉ đạo khẩn điều tra làm rõ trách nhiệm để xảy ra cháy rừng. |
Trước tình hình trên, các lực lượng Công an nhân dân, đặc biệt là lực lượng Cảnh sát PCCC của Bộ và các địa phương đã phối hợp với chính quyền các cấp cùng nhân dân tập trung công tác phòng, chống cháy rừng và tích cực tham gia chữa cháy, không để cháy lan sang các khu vực khác, bảo đảm tính mạng và tài sản của nhà nước và nhân dân. Lãnh đạo Bộ Công an biểu dương tinh thần dũng cảm, khắc phục khó khăn của lực lượng Công an các đơn vị, địa phương trong công tác PCCC thời gian qua.
Theo dự báo tình hình thời tiết nắng nóng tiếp tục còn kéo dài, khả năng gây cháy có nguy cơ cao và diện rộng, Bộ Công an yêu cầu các các đơn vị khẩn trương chỉ đạo triển khai một số nhiệm vụ.
Cụ thể, tham mưu cho Ủy ban nhân dân các cấp chỉ đạo các Sở, ngành thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý về công tác PCCC rừng; bố trí lực lượng canh phòng, kiểm soát chặt chẽ người vào những khu vực rừng có nguy cơ cháy cao; yêu cầu chủ rừng tăng cường công tác tự kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ nguồn lửa, nguồn nhiệt; kịp thời thông báo và phối hợp với các lực lượng chức năng xử lý những diễn biến bất thường ngay từ giai đoạn đầu.
Phối hợp với lực lượng Kiểm lâm, Quân đội và các đơn vị liên quan bố trí lực lượng và huy động phương tiện để xử lý các tình huống cháy rừng theo phương châm 4 tại chỗ, không để cháy lan rộng.
Tăng cường lực lượng thường trực 24/24 giờ, bảo đảm điều kiện hậu cần và phương tiện phục vụ chữa cháy, đặc biệt là các phương tiện chữa cháy cơ động. Trong quá trình tham gia chữa cháy rừng, nếu cần chi viện lực lượng và phương tiện, các địa phương lân cận các tỉnh miền Trung hỗ trợ lực lượng chữa cháy cho các tỉnh đang xảy ra cháy rừng như Hà Tĩnh, Thừa Thiên - Huế... Cục Cảnh sát PCCC và CNCH huy động lực lượng, phương tiện, hóa chất, có phương án tổng thể hỗ trợ Công an các địa phương.
Các địa phương có rừng bị cháy, khẩn trương phối hợp với các đơn vị có liên quan khắc phục hậu quả, giúp nhân dân nhanh chóng ổn định cuộc sống. Bảo đảm an toàn cho nhân dân và cán bộ, chiến sĩ tham gia PCCC. Điều tra làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về PCCC để xảy ra cháy rừng.
Mời quý vị xem video: Nạn cháy rừng hoành hành ở Châu Âu. Nguồn video: VTC14
Trước đó, ngày 29/6, Thủ tướng đã có công điện khẩn phòng chống cháy rừng gửi đến các bộ, ngành T.Ư và chính quyền địa phương các tỉnh Ninh Bình và khu vực Trung bộ.
Nội dung công điện yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư khẩn trương chỉ đạo, triển khai các biện pháp cấp bách tăng cường phòng chống cháy rừng. Các địa phương phải phân công lực lượng ứng trực 24/24 giờ trong suốt mùa khô; bố trí các điểm chốt chặn, tuần tra canh gác ở những khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng, kiểm soát chặt chẽ người ra vào những khu vực rừng có nguy cơ cháy rừng cao; kịp thời phát hiện điểm cháy, huy động các lực lượng tham gia khống chế và dập tắt cháy rừng trong thời gian ngắn nhất, không để xảy ra cháy lớn. Đặc biệt, phải có phương án và sẵn sàng thực hiện sơ tán dân khi cần thiết; chủ động di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Trong thời gian này, cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn kiểm soát việc sử dụng lửa trong rừng và gần rừng của người dân, nhất là việc đốt nương làm rẫy; tạm dừng các hoạt động xử lý thực bì bằng dùng lửa và những hành vi dùng lửa khác có nguy cơ gây cháy rừng.
Đối với các vụ cháy rừng đã xảy ra, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương chỉ đạo cơ quan chức năng điều tra làm rõ nguyên nhân, đối tượng vi phạm để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, và xử lý trách nhiệm quản lý của người đứng đầu khi để xảy ra cháy rừng.
Kiến Thức đã đưa tin, từ 27 - 29/6, tại các tỉnh Ninh Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh và Thừa Thiên - Huế liên tiếp xảy ra 17 vụ cháy rừng lớn. Nguyên nhân được cho là do thời tiết nắng nóng đặc biệt gay gắt với nhiệt độ trên 40 độ C khiến các vụ cháy rừng liên tiếp xảy ra trong những ngày qua.
Gần nhất, nắng nóng, gió Lào thổi mạnh khiến đám cháy rừng tại dãy núi Hồng Lĩnh, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh lan rộng, chính quyền huy động hơn 1.000 người dập lửa, di dời khẩn cấp 80 hộ dân. Trong 2 ngày, xảy ra 7 vụ cháy rừng ở khắp địa bàn các huyện: Kỳ Anh, Hương Khê, Nghi Xuân, Hương Sơn, Can Lộc và Đức Thọ, thiêu rụi tổng cộng 59 ha rừng.
Hải Ninh