Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, Trung tướng Khuất Duy Tiến sôi nổi nói về người trung đội trưởng trẻ dũng cảm Phùng Quang Thanh. Ông khẳng định ngay nếu không có trung đội của Phùng Quang Thanh chiến đấu bảo vệ khu vực chỉ huy Trung đoàn thì hoàn toàn có thể bị địch tập kích tiêu diệt và chính ông đã hy sinh. Những người lính ở chiến trường luôn coi tính mạng của đồng đội, của chỉ huy cao hơn sinh mạng của mình. Những tấm gương hy sinh vì đồng đội, vì Tổ quốc diễn ra hết sức tự nhiên và Phùng Quang Thanh chính là một trong những tấm gương tiêu biểu đó.
Khi được tuyên dương anh hùng, Phùng Quang Thanh là Thượng sĩ Trung đội trưởng Đại đội 9, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 64, Sư đoàn 320. Năm 1968, Phùng Quang Thanh tham gia chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị, làm nhiệm vụ trinh sát, nhiều lần cùng tổ vào căn cứ địch điều tra tình hình, giúp cấp trên chỉ huy chiến đấu thắng lợi. Tháng 2 và tháng 3 năm 1971, Phùng Quang Thanh tham gia chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, chỉ huy trung đội đánh hai trận đều đạt hiệu quả cao, góp phần cùng tiểu đoàn diệt gọn 1 tiểu đoàn và 1 đại đội địch, riêng Phùng Quang Thanh diệt 12 tên, bắt 1 tên, thu 1 súng. Ngày 10 tháng 2 năm 1971, Phùng Quang Thanh trực tiếp chỉ huy 1 tiểu đội chốt giữ Đồi Không Tên. Địch dùng một đại đội có máy bay yểm trợ, chia làm 2 mũi tiến công chốt.
Phùng Quang Thanh bình tĩnh chỉ huy tổ chờ địch vào gần mới nổ súng, diệt 38 tên, đẩy lùi địch ra xa, riêng Phùng Quang Thanh diệt 8 tên. Hai ngày sau địch tiến công lên chốt, Phùng Quang Thanh bị thương, cấp trên cho lui về tuyến sau nhưng đồng chí xin ở lại chiến đấu. Phùng Quang Thanh nhờ đồng đội lấy 17 quả lựu đạn cho vào túi đeo quanh người, nhờ y tá băng treo cánh tay trái cho đỡ vướng rồi dẫn đầu đơn vị xung phong đánh tạt sườn quân địch, phối hợp với đơn vị bạn diệt gọn 1 đại đội địch. Riêng trung đội do Phùng Quang Thanh chỉ huy diệt 37 tên, bắt sống 1 tên, thu 2 súng.
Không ai sinh ra chỉ để muốn sau này trở thành anh hùng. Chẳng người mẹ nào muốn con mình hy sinh. Những điều ấy mọi người lính đều biết, nhất là những người lính ở chiến trường đêm ngày giáp mặt với đạn bom, kề cận với cái chết càng thấu hiểu. Nhưng có những điều thiêng liêng hơn mạng sống của mỗi cá nhân, điều đó thuộc về nhân dân và Tổ quốc, thuộc về sự độc lập tự do thống nhất đất nước mà lớp lớp tổ tiên, cha anh ta đã đổ biết bao máu xương để có được. Điều đó những người lính trận luôn ghi nhớ sâu sắc ở trong tim.
|
Đại tướng Phùng Quang Thanh và Đại tướng Ngô Xuân Lịch thăm một đơn vị hải quân. Ảnh tác giả cung cấp. |
Vị tướng trận khi nhắc về những tháng ngày chỉ huy Trung đoàn 64 đánh địch trong chiến dịch Đường 9 - Nam Lào nhiều lúc nước mắt như chực rơi ra. Chiến tranh vô cùng khốc liệt. Những người lính Trung đoàn 64 anh hùng thay nhau ngã xuống khi tuổi đời mới mười tám đôi mươi để lại niềm tin và hy vọng cho người còn sống. Khuất Duy Tiến từng nói trong buổi ông được phong tặng anh hùng rằng, danh hiệu đó trước hết thuộc về những liệt sĩ đã hy sinh.
Dù cương nghị và vững vàng đến mấy, trước máu xương đồng đội, vị tướng trận cũng không khỏi buốt lòng tiếc xót những đồng đội đã không thấy được ngày toàn thắng. Ông càng tuyệt đối tin tưởng vào những người lính sẵn sàng lấy thân mình vì nước hy sinh. Khi Phùng Quang Thanh bị thương, băng quấn khắp người vẫn cầm súng dẫn đồng đội lao lên đánh địch đã gây xúc động mạnh với người Trung đoàn trưởng. Ngay sau trận đánh, chính ông cùng với Chính ủy Đặng Văn Trượng đã đề xuất phong tặng danh hiệu anh hùng cho người lính quả cảm Phùng Quang Thanh.
Mới đó mà đã gần 50 năm, gần một nửa thế kỷ trôi qua mà người Trung đoàn trưởng hôm nay mái đầu phơ trắng vẫn còn nhớ như in về người lính của mình. Ông nói với chúng tôi: “Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào mà Phùng Quang Thanh tham gia với cương vị Trung đội trưởng trong đội hình của Tiểu đoàn 9 là chiến dịch có vị trí quan trọng đặc biệt, bởi Đường 9 - Nam Lào là đường vận chuyển chiến lược bảo đảm hậu cần cho chiến trường miền Nam.
Nếu địch chiếm được sẽ cắt đứt tuyến vận tải của ta. Đồng thời, tạo điều kiện cho chúng tiếp tục thực hiện kế hoạch Việt Nam hóa chiến tranh. Trung đội do Phùng Quang Thanh chỉ huy đã chiến đấu hết sức dũng cảm và tiêu diệt được phần lớn sinh lực địch. Quân ta đã tiêu diệt gọn tiểu đoàn dù số 3, tiểu đoàn hỗn hợp, sở chỉ huy của địch; bắt sống toàn bộ sĩ quan chỉ huy, trong đó có Đại tá Nguyễn Văn Thọ - Lữ trưởng Lữ đoàn dù 3 của quân ngụy Sài Gòn. Chiến thắng đã góp phần quyết định bẻ gãy xương sống của kế hoạch Việt Nam hóa chiến tranh của đế quốc Mỹ. Nhiều tấm gương chiến đấu dũng cảm mà tiêu biểu là Trung đội trưởng Phùng Quang Thanh đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng ngay sau khi kết thúc chiến dịch.
|
Đại tướng Phùng Quang Thanh với các cháu học sinh. Ảnh tác giả cung cấp.
|
Sau này, phát huy phẩm chất của người anh hùng, Phùng Quang Thanh tiếp tục trưởng thành trong chiến đấu, trong thời bình, hoàn thành xuất sắc mọi cương vị công tác, nhất là trên cương vị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Từ người chiến sĩ trên chiến trường trưởng thành đảm đương cương vị Bộ trưởng càng cho thấy sự trưởng thành, lớn mạnh không ngừng của quân đội ta”.
Khi đảm đương các cương vị công tác khác nhau, Phùng Quang Thanh vẫn luôn giữ được phẩm chất và bản lĩnh của người lính từng vào sinh ra tử. Ở cương vị nào, vẫn nguyên vẹn một Phùng Quang Thanh kiên cường, luôn sẵn sàng hy sinh vì đồng đội, luôn hướng tới cái đích lớn Tổ quốc và nhân dân. Công việc bộn bề, nhất là khi ông đảm đương cương vị Bộ trưởng thì vẫn luôn ở đó một tấm lòng trước sau như một với đồng chí đồng đội, với nhân dân.
Với người thủ trưởng cũ Khuất Duy Tiến, Phùng Quang Thanh luôn như một người em gắn bó với thế hệ cha anh. Vị Bộ trưởng học được ở đó đức tính khiêm nhường nhưng hết sức kiên cường của thế hệ đi trước đã từng trải qua mấy cuộc chiến tranh. Khuất Duy Tiến cùng thế hệ ông cũng tìm thấy ở lứa kế cận mình những phẩm chất tốt đẹp nhất mà người lính Cụ Hồ có được. Những người lính, không kể là Binh nhất, Binh nhì hay Trung tướng, Đại tướng đều luôn là "tường đồng, vách sắt" của nhân dân Việt Nam.
|
Đại tướng Phùng Quang Thanh chụp ảnh lưu niệm với Ban Giám hiệu Trường mầm non Thạch Đà B (Thạch Đà, Mê Linh, Hà Nội ngày 4-12-2018). Ảnh tác giả cung cấp. |
Trong quá trình công tác cũng như khi được nghỉ hưu (năm 2016), Đại tướng Phùng Quang Thanh luôn hướng về quê hương, nguồn cội, nơi mảnh đất Thạch Đà - Mê Linh - Hà Nội với những mái đình cổ rêu phong. Vốn là con liệt sĩ, vị tướng rất thấu hiểu tâm tư nguyện vọng của mỗi người dân quê hương.
Không giúp được gì nhiều nhưng trong khả năng của mình, người con Thạch Đà - Phùng Quang Thanh cũng đã có những đóng góp thật hữu ích. Từ con đường làng được tôn tạo, ngôi trường nhỏ ở vùng đất nông thôn chân chất dần khang trang đều đã có sự góp công sức của vị tướng họ Phùng.
Thư viện nhỏ ở quê được Đại tướng chăm chút, hỗ trợ sách báo hằng ngày các cụ già, em nhỏ tới tìm đọc ríu rít niềm vui đã cho thấy tấm lòng của người con - người lính - vị tướng mang trên mình bộ quân phục giản dị, thân thương. Trong mỗi việc đã và đang làm, dù lớn, dù nhỏ, Đại tướng Phùng Quang Thanh đều tâm niệm thực hiện bằng sự tin yêu trân trọng cũng là góp thêm sức lực, trí tuệ của những ngày tháng tuổi xế chiều.
Trò chuyện với chúng tôi, Trung tướng Khuất Duy Tiến năm nay đã bước sang tuổi chín mươi mốt vẫn rất xúc động khi nhắc về vị Bộ trưởng với một sự đồng cảm sâu sắc. Những việc đã làm được, những việc đang làm và cả những dự định lớn truyền lại cho thế thệ kế cận thì cũng luôn ở đó một tấm lòng với dân với nước, một tấm lòng chân thành với những người đã hy sinh và cả với những người đang sống hôm nay.
Hôm nay, tôi vô cùng đau xót, bàng hoàng nhận tin Đại tướng Phùng Quang Thanh vừa ra đi. Tôi ghi vội những dòng này như một nén tâm nhang tiễn biệt ông, cũng là mong muốn phần nào giúp bạn đọc, đồng chí, đồng đội và nhân dân hiểu thêm về Đại tướng Phùng Quang Thanh, một vị tướng luôn sống hết mình, trọn nghĩa vẹn tình với đồng chí, đồng đội.