Đại hội Đảng lần thứ XIII: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu 5 bài học kinh nghiệm quý báu

Google News

Tại phiên khai mạc Đại hội Đảng lần thứ XIII, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nêu một số bài học kinh nghiệm quý báu rút ra từ thực tiễn công cuộc đổi mới, nhất là 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.

Sáng 26/1, tại phiên khai mạc, Đại hội Đảng lần thứ XIII đã nghe Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, trình bày Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về các Văn kiện trình Đại hội.
Các văn kiện trình Đại hội có nhiều đổi mới về nội dung phương pháp
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định, Đại hội Đảng lần thứ XIII là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước.
Với các dấu mốc quan trọng được đề ra trong văn kiện trình Đại hội, Tổng bí thư khẳng định điều này có ý nghĩa định hướng và tầm nhìn chiến lược phát triển đất nước trong thời kỳ mới.
Dai hoi Dang lan thu XIII: Tong Bi thu, Chu tich nuoc neu 5 bai hoc kinh nghiem quy bau
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.
Trình bày báo cáo của Ban chấp hành Trung ương khóa XII về các văn kiện trình Đại hội XIII, Tổng bí thư nêu một số vấn đề chung, cơ bản, tập trung vào một số điểm nhấn quan trọng để Đại hội xem xét, quyết định.
Một là quá trình chuẩn bị các văn kiện. Theo đó, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã có kế hoạch chuẩn bị cho Đại hội XIII rất sớm. Ngay từ Hội nghị Trung ương 8, các tiểu ban chuẩn bị văn kiện đã thành lập và công tác nhân sự cho khóa XIII được triển khai. Công tác chuẩn bị văn kiện Đại hội được tiến hành công phu, chu đáo, bài bản, qua nhiều lần, nhiều vòng, có nhiều đổi mới quan trọng về nội dung, phương pháp.
Tham nhũng, tiêu cực, suy thoái trong Đảng được kiềm chế
Tổng kết nhiệm kỳ Đại hội XII và nhìn lại 35 năm đổi mới, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, 5 năm qua, nắm bắt thuận lợi, thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, nhất là tác động của dịch bệnh và thiên tai liên tiếp xảy ra, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã phát huy tinh thần yêu nước, đoàn kết, ý chí quyết tâm, bản lĩnh, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện, tạo nhiều dấu ấn nổi bật.
Trong đó, kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao, nhiều khó khăn, yếu kém năm trước được tập trung giải quyết và có kết quả bước đầu; các cân đối lớn của nền kinh tế tiếp tục được bảo đảm; kỷ luật, kỷ cương ngân sách được tăng cường; hiệu quả sử dụng ngân sách tăng lên…
Đặc biệt, theo Tổng bí thư, công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng được chú trọng, thực hiện trên toàn diện các mặt. Công tác kiểm tra, giám sát và đấu tranh phòng chống tham nhũng được triển khai quyết liệt, thực hiện bài bản nên có kết quả rõ rệt. Nhiều vụ án tham nhũng được xét xử nghiêm minh, tạo sức răn đe, cảnh tỉnh, được nhân dân ủng hộ. Tham nhũng, tiêu cực, suy thoái trong Đảng từng bước được kiềm chế và ngăn chặn.
Trước tình hình thế giới và khu vực có diễn biến nhanh chóng và phức tạp, người đứng đầu Đảng, Nhà nước cho biết Việt Nam đã tăng cường quốc phòng, xử lý thành công các tình huống, không để bị động, bất ngờ. Uy tín, vị thế của Đảng và Nhà nước, thế và lực của đất nước không ngừng được nâng cao trên trường quốc tế.
Trong diễn biến của dịch bệnh, khi kinh tế thế giới tăng trưởng âm, lãnh đạo Đảng, Nhà nước khẳng định Việt Nam vẫn tăng trưởng dương 2,91%, là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới. Việt Nam cũng kịp thời kiểm soát, ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 trong cộng đồng, từng bước khôi phục sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế.
“Việt Nam được thế giới ghi nhận, coi là điểm sáng trong thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch bệnh, vừa phục hồi, phát triển kinh tế và lo an sinh xã hội. Đó là chưa kể chúng ta dồn dập đối mặt với thiên tai, bão lũ”, ông nói.
Tổng bí thư cho rằng những kết quả tích cực đạt được trong nhiệm kỳ khóa XII đã tạo ra động lực, khí thế mới để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân vững vàng vượt qua thách thức trong giai đoạn mới.
Đạt được kết quả nêu trên có nhiều nguyên nhân, song Tổng bí thư nhấn mạnh nguyên nhân quan trọng nhất là nhờ ý chí, quyết tâm cao, sự nỗ lực, chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị.
Dai hoi Dang lan thu XIII: Tong Bi thu, Chu tich nuoc neu 5 bai hoc kinh nghiem quy bau-Hinh-2
Đại hội Đảng lần thứ XIII khai mạc sáng 26/1. 
5 bài học kinh nghiệm quý báu
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nêu một số bài học kinh nghiệm quý báu rút ra từ thực tiễn công cuộc đổi mới, nhất là 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.
Đây là cơ sở quan trọng để Đảng ta tiếp tục vận dụng, phát huy và phát triển sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, kiên định, vững vàng và tự tin khi bước vào nhiệm kỳ khóa XIII.
Một là, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng phải được triển khai quyết liệt, toàn diện, đồng bộ, thường xuyên, hiệu quả cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Kiên định, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh; nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; thường xuyên củng cố, tăng cường đoàn kết trong Đảng và hệ thống chính trị; thực hiện nghiêm các nguyên tắc xây dựng Đảng, thường xuyên đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng.
Cùng với đó, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, hoàn thiện; hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực. Tổng bí thư cũng lưu ý phải đẩy mạnh đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí.
“Công tác cán bộ phải thực sự là "then chốt của then chốt", tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược và người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; phát huy trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên theo phương châm chức vụ càng cao càng phải gương mẫu, nhất là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”, Tổng Bí thư nêu rõ.
Hai là, trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn quán triệt sâu sắc quan điểm "dân là gốc"; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng".
Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu. Thắt chặt mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng; củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa.
Ba là, trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện, phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, năng động, sáng tạo, tích cực; có bước đi phù hợp, phát huy mọi nguồn lực, động lực và tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa; kịp thời tháo gỡ các điểm nghẽn, vướng mắc; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu gắn liền với phát huy sức mạnh đồng bộ của cả hệ thống chính trị; phát huy dân chủ đi đôi với giữ vững kỷ cương; coi trọng tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận; thực hiện tốt sự phối hợp trong lãnh đạo, quản lý, điều hành; coi trọng chất lượng và hiệu quả thực tế; tạo đột phá để phát triển.
Bốn là, tập trung ưu tiên xây dựng đồng bộ thể chế phát triển, bảo đảm hài hòa giữa kiên định và đổi mới, kế thừa và phát triển; giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị, văn hóa, xã hội; giữa tuân theo các quy luật thị trường và bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa; giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, con người, giải quyết các vấn đề xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường; giữa phát triển kinh tế, xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh; giữa độc lập, tự chủ với hội nhập quốc tế; thực sự coi trọng, phát huy hiệu quả vai trò động lực của con người, văn hóa, của giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ trong phát triển đất nước.
Năm là, chủ động nghiên cứu, nắm bắt, dự báo đúng tình hình, tuyệt đối không được để bị động, bất ngờ. Kiên quyết, kiên trì bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc đi đôi với giữ vững môi trường hoà bình, ổn định an ninh, an toàn để phát triển đất nước. Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng trên cơ sở giữ vững độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường. Xử lý đúng đắn, hiệu quả mối quan hệ với các nước lớn và các nước láng giềng; đánh giá đúng xu thế, nắm bắt trúng thời cơ. Phát huy hiệu quả sức mạnh tổng hợp của đất nước kết hợp với sức mạnh của thời đại. Khai thác, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định năm bài học kinh nghiệm này là cơ sở quan trọng để Đảng ta tiếp tục vận dụng, phát huy và phát triển sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, giúp chúng ta kiên định, vững vàng và tự tin vượt qua những khó khăn, thách thức mới và nhiệm vụ nặng nề hơn khi bước vào nhiệm kỳ khoá XIII.
>>> Mời độc giả xem thêm video Kỳ vọng của người dân Đồng Tháp vào Đại hội XIII của Đảng

Nguồn: Truyền hình Đồng Tháp.

Hải Ninh