Tại phiên thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; báo cáo về công tác phòng, chống dịch COVID-19 sáng 8/11, nhiều ĐBQH đưa ra các đề xuất về biện pháp phòng chống dịch trong tình hình mới.
Một số cán bộ mắc "căn bệnh trầm kha"
Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) nhấn mạnh: "Tôi muốn một lần nữa khẳng định các biện pháp phòng, chống dịch thời gian qua, mặc dù có những việc chưa từng có trong tiền lệ, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm nhưng là hợp lý, phù hợp cho từng giai đoạn, bảo đảm yêu cầu chung với những nỗ lực, cố gắng vượt bậc, có sự đồng lòng, nhất trí của người dân đã giúp nhiều địa phương chuyển sang trạng thái bình thường mới".
Tuy nhiên, đại biểu cũng thẳng thắn chỉ rõ nhiều hạn chế liên quan đến việc thực thi công vụ trong công tác phòng, chống dịch ở cấp cơ sở.
Chính phủ đã có chỉ đạo thống nhất trên toàn quốc về lưu thông hàng hóa, giao thông vận tải, có sự quản lý, điều tiết của Chính phủ, kiên quyết không để ban hành giấy phép con, không được cát cứ, chia cắt. Tuy nhiên, tại một số thời điểm, vì quá lo lắng cho địa phương mình, có nơi đã đặt ra những yêu cầu cao hơn, vượt quá mức cần thiết, gây ra nhiều khó khăn, tạo bức xúc cho người dân và doanh nghiệp như: đặt ra giấy tờ không phù hợp để đi qua chốt kiểm soát, chưa tạo điều kiện cho người dân từ các thành phố lớn, khu công nghiệp được về quê tránh dịch...
|
Phiên họp sáng 8/11. |
Trong khi lãnh đạo Chính phủ sát sao chỉ đạo bám sát địa bàn, một bộ phận cán bộ cơ sở còn lơ là, chưa sâu sát, còn chủ quan, bị động trong phòng, chống dịch. "Đây có thể là căn bệnh trầm kha ở một số nơi nhưng đến thời kỳ dịch bệnh càng bộc lộ rõ hơn. Cá biệt có một số cán bộ địa phương đã có hành vi vi phạm quy định phòng, chống dịch như: đi đánh golf trong thời gian giãn cách xã hội, khi bị phát hiện khai báo không trung thực; có trường hợp xô xát giữa cán bộ, nhân viên lấy mẫu xét nghiệm hoặc có trường hợp cán bộ thi hành công vụ còn xa rời thực tế, chưa bám sát nhu cầu người dân" - đại biểu Phương Hoa dẫn chứng.
Muốn người dân chấp hành tốt các quy định phòng, chống dịch, trước hết cán bộ phải nêu gương, nghiêm túc chấp hành trước; nếu có sai phạm phải bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Nhấn mạnh điều này, đại biểu phân tích những bài học rút ra trong công tác phòng, chống dịch, đó là bất cứ việc gì cũng cần tạo sự đồng thuận của người dân. Nếu người dân chưa hiểu, cần giải thích, vận động, tuyên truyền, thuyết phục và trong những tình thế cấp thiết, khi vi phạm đến mức nghiêm trọng hơn đã có biện pháp xử lý hành chính, thậm chí xử lý hình sự. Chính quyền cơ sở cần tuyệt đối tránh việc xử lý và hành xử theo cảm tính bất chấp quy định của pháp luật.
Bài học thứ hai là việc đưa ra quyết sách, biện pháp phải cân nhắc trên cơ sở bảo đảm sức khỏe, tính mạng, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Bài học thứ ba, khi chính quyền đã đưa ra quyết sách đúng, hợp lòng dân, người dân luôn ủng hộ và chấp hành, kể cả những việc khó khăn, gây bất tiện cho cuộc sống hàng ngày của họ.
Trước tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến khó lường, đại biểu bày tỏ sự ủng hộ đối với quan điểm của Thủ tướng Chính phủ là phải thay đổi tư duy và cách chống dịch theo hướng quản lý rủi ro chứ không theo đuổi chính sách không COVID. Nhiều quốc gia trên thế giới cũng xác định cần thích ứng an toàn và lâu dài với COVID-19. Vì vậy, đại biểu cho rằng, trước mắt cần thực hiện nghiêm Nghị quyết số 128 của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Đồng thời cần khẩn trương hoàn thiện Chiến lược tổng thể ứng phó hiệu quả đại dịch COVID-19 trong tình hình mới.
Theo đó, cần thực hiện 6 mục tiêu lớn gồm: 1 tăng 2 giảm 3 bảo đảm, cụ thể đó là: tăng tỷ lệ bao phủ vaccine, giảm tỷ lệ người mắc COVID-19, giảm tỷ lệ tử vong vì COVID-19; bảo đảm phục hồi kinh tế - xã hội gắn với tình hình kiểm soát dịch bệnh, bảo đảm tốt hơn an sinh xã hội, bảo đảm xử lý hiệu quả một số vấn đề mới phát sinh như sức khỏe, tinh thần của người dân, đặc biệt là đối với học sinh, sinh viên, tình trạng thiếu lương thực ở một bộ phận người dân nghèo, tình trạng gia tăng người vô gia cư tại một số thành phố lớn.
Phòng ngừa tiêu cực trong chống dịch
Đại biểu Bố Thị Xuân Linh (Bình Thuận) nhận định, công tác dự báo tình hình dịch COVID-19 có lúc chưa sát với thực tiễn. Công tác chỉ đạo, điều hành trong thời gian đầu của đợt dịch thứ tư có nơi còn lơ là, chủ quan, cứng nhắc, nhất là trong chỉ đạo, xử lý các tình huống cụ thể và đột xuất. Bên cạnh đó, hệ thống y tế còn bộc lộ những yếu kém, nhất là y tế tại cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu khi dịch xảy ra. Nhiều đối tượng khó khăn chưa nhận được gói hỗ trợ an sinh xã hội, thủ tục hỗ trợ còn bất cập, rườm rà và tiến độ giải ngân còn chậm...
|
Đại biểu Bố Thị Xuân Linh. |
Để khắc phục tình trạng trên, đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm đẩy mạnh các biện pháp phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, nghiên cứu tăng cường dự báo xu hướng dịch COVID-19; chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương kịp thời ban hành hướng dẫn thích ứng an toàn, linh hoạt, ứng phó với dịch COVID-19. Bên cạnh đó, tập trung nguồn lực đầu tư cho ngành Y tế, tăng cường năng lực của hệ thống y tế cơ sở nhằm thích ứng với dịch bệnh trong tình hình mới; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, nhân lực cho y tế cơ sở và rà soát, điều chỉnh các chính sách hỗ trợ cho lực lượng tham gia phòng, chống dịch.
Về chiến lược vắc xin, đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin trong nước, chủ động nguồn cung và tự chủ vắc xin để đảm bảo cung cấp cho người dân trong nước; chỉ đạo triển khai hiệu quả chiến lược, chiến dịch tiêm chủng vắc xin đảm bảo an toàn, khoa học, hiệu quả.
Đặc biệt, đại biểu lưu ý việc đánh giá hiệu quả các gói hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng do đại dịch COVID-19 để đề ra những giải pháp trong những năm tiếp theo; tiếp tục kiểm tra, giám sát việc tổ chức các hoạt động đảm bảo an sinh xã hội cho người dân tại các địa phương; kịp thời sửa đổi, bổ sung chính sách hỗ trợ lao động tự do, người dân có hoàn cảnh khó khăn để đảm bảo công bằng, không để sót và lọt đối tượng.
"Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực trong công tác đầu tư, mua sắm, chi phí cho phòng, chống dịch, các gói an sinh xã hội và cương quyết xử lý nghiêm, đúng theo quy định pháp luật các trường hợp phát hiện có sai phạm" - đại biểu Bố Thị Xuân Linh nhấn mạnh.
Đại biểu Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang) cho rằng, thực tiễn chống dịch ở cơ sở thời gian qua đã bộc lộ hạn chế của hệ thống y tế dự phòng, vừa yếu về đội ngũ lại thiếu trang thiết bị và nguồn lực triển khai nhiệm vụ. Chỉ xét riêng cho năng lực phòng, chống bệnh lây nhiễm trước đợt dịch COVID-19 bùng phát lần thứ tư, số Trung tâm Y tế dự phòng cấp tỉnh làm được xét nghiệm khẳng định virus SARS-CoV-2 rất hạn chế. Đến nay, phần lớn các Trung tâm Y tế tuyến huyện vẫn chưa có phòng xét nghiệm sinh học phân tử nên việc xét nghiệm đều dồn về tỉnh và thành phố, ảnh hưởng nhiều đến công tác phòng, chống dịch khi dịch ở mức độ bùng phát. Vì vậy, đại biểu đề nghị Quốc hội và Chính phủ cần dành nhiều nguồn lực hơn nữa để đầu tư cho hệ thống y tế dự phòng với phương châm "phòng bệnh hơn chữa bệnh".
Hiểu Lam