Đại biểu Quốc hội: Lái xe uống rượu bia gây tai nạn chết người là tội giết người

Google News

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa cho rằng uống rượu bia khi tham gia giao thông rồi gây tai nạn chết người là tội giết người chứ không phải là hành động bất khả kháng.

Trao đổi bên hàng lang kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Phạm Văn Hòa, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho rằng hành động uống rượu bia, sử dụng chất kích thích khi tham gia giao thông rồi gây tai nạn chết người là tội giết người chứ không phải là hành động bất khả kháng.
Theo ông Hòa, để loại bỏ tình trạng này, trước tiên cần phải có cách hình thức tuyên truyền, vận động để chính những người tham gia giao thông nhận thức được tác hại của rượu bia đối với bản thân, gia đình và xã hội.
Trong trường hợp nhiều tài xế vẫn bỏ ngoài tai các thông điệp truyên truyền, ông Hoà cho rằng cần phải có chế tài nghiêm minh trong xử phạt vi phạm.
Vị chuyên gia này đề xuất có thể là nâng mức xử phạt hành chính với các trường hợp vi phạm, phạt tù với mức án cao hơn.
"Nên giáo dục, truyên truyền, xử phạt hành chính, phân chia các mức xử phạt: xử phạt lần đầu, xử phạt lần hai hoặc tước bằng lái xe vĩnh viễn", ông Hòa đề xuất.
Dai bieu Quoc hoi: Lai xe uong ruou bia gay tai nan chet nguoi la toi giet nguoi
ĐBQH Phạm Văn Hoà cho rằng, tài xế uống rượu bia gây tai nạn chết người là hành vi giết người chứ không phải là hành động bất khả kháng. 
Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề Xã hội) cũng rất bức xúc khi hiện nay có nhiều vụ tai nạn giao thông thảm khốc do người lái xe uống bia rượu gây ra.
"Trong khi chờ Luật Phòng chống tác hại của rượu bia thì nên có một nghị quyết chuyên đề hoặc nghị quyết kinh tế xã hội để Chính phủ đề ra giải pháp ngăn chặn tình trạng uống rượu bia gây ra tai nạn giao thông đau lòng", đại biểu Bùi Sỹ Lợi nêu ý kiến.
Ông Lợi cho biết cũng rất muốn trong Luật Phòng chống tác hại của rượu bia, trong mục hành vi bị cấm thì cấm ngay người tham gia giao thông uống rượu bia.
"Nếu tham gia giao thông có nồng độ cồn là có thể bị xử phạt chứ không phải đến mức đo nồng độ", ông Lợi đề xuất.
Vị đại biểu này cho rằng Nghị quyết của Quốc hội sẽ có hiệu lực ngay khi nghị quyết được ban hành nên tác động vào xã hội nhanh hơn luật.
Nghị quyết Quốc hội cũng cần nêu rõ lộ trình để Chính phủ có căn cứ ra văn bản pháp quy, có giải pháp để triển khai thực hiện.
Theo SONG HY - PHẠM THỊNH/VTC