Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể xếp áp chót trong danh sách 48 chức danh được lấy phiếu tín nhiệm với 107 phiếu tín nhiệm thấp.
Dù biết rằng những người bị tín nhiệm thấp không hẳn là do các vấn đề phát sinh từ các quyết định của họ. Nhưng thực tế, ngành giao thông vận tải còn nhiều vấn đề khiến dư luận bức xúc như các dự án đường cao tốc nghìn tỷ vừa thông xe đã hỏng, nhiều dự án giao thông bị đội vốn, vấn đề BOT...
Tại phiên thảo luận sáng 26/10, nhiều đại biểu Quốc hội đã thẳng thắn đề cập đến những bất cập còn tồn tại của ngành Giao thông, vận tải.
Đại biểu Quốc hội điểm mặt hàng loạt dự án giao thông đội vốn
Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) cho biết, cử tri còn nhiều băn khoăn, lo lắng trước vấn nạn thất thoát lãng phí trong đầu tư công còn quá lớn.
“Nếu đầu nhiệm kỳ nhiều đại biểu Quốc hội lên tiếng phản ứng gay gắt về 12 dự án thua lỗ hàng nghìn tỷ do Bộ Công Thương quản lý thì đến giờ lại phát sinh thêm các dự án do Bộ Giao thông vận tải quản lý”, ông Nguyễn Hữu Cầu nói.
Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu lấy ví dụ, dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi hơn 34.000 tỷ vừa nghiệm thu thông xe chỉ sau vài trận mưa đã hỏng.
Trong khi đó, dự án đường sắt tuyến đô thị Cát Linh - Hà Đông, tổng mức đầu tư ban đầu là 8.769,97 tỷ đồng đã điều chỉnh tăng thêm 18.001,59 tỷ đồng, tăng 205,27%.Dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2013 nay quá 6 năm chưa kết thúc.
|
Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu. |
Dự án đường sắt đô thị tuyến Bến Thành - Suối Tiên do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đầu tư với tổng mức đầu tư ban đầu là 17.387,6 tỷ đồng đã điều chỉnh tăng thêm 47.325 tỷ đồng, tăng 272%, dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng cuối năm 2018 này nhưng đến nay chỉ hoàn thành 52% khối lượng công việc.
Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu dẫn giải thống kê của Kiểm toán nhà nước về việc Bộ Giao thông vận tải có 27/42 dự án điều chỉnh tăng thêm 1.222,352 tỷ đồng và 97,2 triệu đôla.
Ông Cầu nói: “ Nhưng tình trạng điều chỉnh tăng thêm cứ kéo dài thời gian thế này thì thất thoát lãng phí là nhiều vô kể. Cử tri đòi hỏi Chính phủ, Quốc hội cần xử lý nghiêm những sai phạm này, nếu không tới đây Nhà nước giao cho Bộ Giao thông vận tải quản lý xây dựng dự án sân bay Long Thành, đường cao tốc Bắc - Nam và nhiều công trình giao thông quan trọng của đất nước với tổng mức đầu tư hàng triệu tỷ đồng thì thất thoát rất lớn là điều khó tránh khỏi”.
Trong khi đó, Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hoà Bình) cho rằng, nhiều giải pháp được Chính phủ đưa ra còn chứa đựng những rủi ro lớn về chính sách pháp luật như các công trình đầu tư theo hình thức đối tác công - tư BT, BOT, BO đã làm nản lòng các nhà đầu tư và cũng gây lúng túng cho các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là các mệnh lệnh hành chính khi được đưa ra.
Đại biểu bức xúc bất cập BOT hầm Đèo Cả
Đại biểu Đinh Văn Nhã (Phú Yên) cho rằng, việc tổ chức thực hiện không nhất quán các cơ chế chính sách, các cam kết hợp đồng của một số cơ quan quản lý nhà nước đối với nhà đầu tư đã, đang và sẽ đem lại nhiều rủi ro về doanh thu, gây thiệt hại nghiêm trọng cho các nhà đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ theo hình thức BOT.
Để minh chứng rõ hơn về các bất cập nói trên, Đại biểu Đinh Văn Nhã đã đề cập đến một số rủi ro đang gây thiệt hại nghiêm trọng về tình hình tài chính của công ty cổ phần đầu tư đèo Cả, một doanh nghiệp trẻ của tỉnh Phú Yên, đang là nhà đầu tư BOT hầm đèo Cả bao gồm hầm đèo Cù Mông và mở rộng hầm đèo Hải Vân.
Theo đó, mức thu phí qua hầm đèo Cả chỉ được thu bằng mức phí đường bộ Quốc lộ 1 là thấp nhưng so suất đầu tư hầm đèo Cả với đầu tư hầm đường bộ, mức thu này được áp dụng kéo dài chậm đổi mới.
Thứ hai, phương án tài chính để hoàn vốn bù vào hai khoản mà công ty đã ứng cho ngân sách nhà nước 900 tỷ đồng để sửa chữa, mở rộng hầm đèo Hải Vân giai đoạn 1 và 300 tỷ đồng để chi vận hành hầm đèo Hải Vân từ năm 2016 đến nay không thực hiện được do không thể lập thêm trạm thu phí Nam Hải Vân theo cam kết hợp đồng.
|
Đại biểu Đinh Văn Nhã. |
Bởi trước đó Bộ Giao thông vận tải đã lập sai vị trí tại trạm thu phí Bắc đèo Hải Vân để hoàn vốn cho hầm đèo Phước Lượng Phú Gia. Điều này làm giảm nguồn thu rất lớn của công ty, đòi hỏi ngân sách nhà nước phải bố trí nguồn thanh toán vận hành đèo Hải Vân theo như đúng cam kết.
“Điều này dẫn đến phương án tài chính để hoàn vốn của dự án bị mất cân đối nghiêm trọng, có thể hụt hơn 4.000 tỷ đồng theo tính toán ban đầu do quy hoạch đường bộ cao cấp Bắc - Nam không được thực hiện trên địa bàn Phú Yên - Bình Định”, đại biểu Nhã nói.
Đáng chú ý, Bộ Giao thông vận tải đã đơn phương báo cáo Thủ tướng Chính phủ không thành lập trạm thu phí La Sơn - Túy Loan, điều này không đúng cam kết hợp đồng. Do vậy, từ ngày 01/01/2019, công ty sẽ không được tổ chức thu phí. Đền bù khoản hụt thu này, ngân sách nhà nước phải bố trí để hỗ trợ như cam kết dẫn đến “sự giảm sút niềm tin của các tổ chức tín dụng cho vay dự án vì quyền thu phí của dự án tại trạm này đã là tài sản thế chấp vay vốn tín dụng tài trợ cho dự án”.
Đại biểu Đinh Văn Nhã đề cập đến là hạng mục hầm Đèo Cả và đường dẫn hầm Cổ Mã ban đầu được đầu tư theo hình thức BT và BOT. Theo đề nghị của Chính phủ, Quốc hội khóa XIII đã bố trí vốn ngân sách là 5.048 tỷ đồng và đã thực cấp là 3.778 tỷ đồng, còn dư 1.180 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đến cuối năm 2015 Thủ tướng Chính phủ đã mở rộng phạm vi dự án bao gồm cả BOT hầm đèo Cù Mông và mở rộng hầm đèo Hải Vân. Đồng thời đầu năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho phép sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ còn dư của dự án để ưu tiên bố trí giải phóng mặt bằng, tái định cư của dự án thành phần hầm đèo Cù Mông, mở rộng hầm đèo Hải Vân.
“Việc Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2011 - 2015 đã quyết định sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ còn lại của dự án BOT hầm đèo Cả như trên là chưa đúng thẩm quyền”, đại biểu Nhã nêu.
Do vậy, tháng 09/2017, Thủ tướng Chính phủ có tờ trình xin Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép sử dụng 1.180 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ còn lại của dự án để hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tái định cư hầm đèo Cù Mông. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không tán thành vì không có cơ sở pháp lý và cũng do thời hạn sử dụng vốn đã quá thời hạn quy định. Vì thế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ra nghị quyết thu hồi 1.180 tỷ đồng.
“Như vậy các cơ quan quản lý nhà nước tham mưu cho chính phủ về dự án hầm Đèo Cả vừa không đúng thẩm quyền, chậm, kéo dài gây thiệt hại cho Công ty Đèo Cả… Nếu những kiến nghị này không được giải quyết thì theo dự báo của các cơ quan vài năm nữa Công ty cổ phần đầu tư Đèo Cả buộc đóng hầm Đèo Cả, dở dang dự án đèo Cù Mông và bàn giao cho nhà nước dự án hầm Hải Vân”, Đại biểu Nhã nói.
Đại biểu Đinh Văn Nhã cho rằng, nếu không giải quyết các vấn đề của chủ đầu tư BOT, vài năm nữa Công ty Đèo Cả buộc đóng hầm Đèo Cả, dở dang dự án đèo Cù Mông và bàn giao cho nhà nước dự án hầm Hải Vân.
Hải Ninh