Nguyên nhân sâu xa của không thể phá dỡ chung cư
Thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho biết, có nhiều điểm trong dự thảo Luật Nhà ở sẽ gây tranh luận. Chẳng hạn, điều kiện như thế nào được phá dỡ chung cư, tỷ lệ số hộ đồng ý phá dỡ ra sao, phá dỡ như thế thì tái định cư như thế nào, tạm cư ra làm sao, ngân sách có chịu trách nhiệm gì vào đây không?
|
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường. Ảnh: QH. |
Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, việc cải tạo khu chung cư cũ không đơn giản, có nguyên nhân sâu xa ở chỗ chúng ta đang quy định nhà chung cư cũ đó là được sở hữu vĩnh viễn, sở hữu không thời hạn.
“Chính vì sở hữu không thời hạn, cho nên người ta có quyền không đồng ý là chúng ta không thể phá dỡ được”, đại biểu Hoàng Văn Cường nêu ý kiến.
Hiện nay, những nhà chung cư cũ đang là nhà thấp tầng, khi nhà đầu tư nâng cao tầng lên mới có điều kiện để thỏa thuận là đền bù cho người sở hữu chung cư. Nhưng trong tương lai, nhà chung cư cũ đều là những nhà cao tầng, đến khi phá dỡ không nâng cao thêm tầng nữa, nếu muốn có nhà mới người dân sẽ phải tự bỏ tiền ra, không có nhà đầu tư nào bỏ tiền thay.
Chúng ta có quy định rằng sở hữu dài hạn hay là sở hữu có thời hạn thì thực chất khi nhà chung cư đó đã hết thời hạn sử dụng, quyền của tất cả những người cư dân đấy cũng không còn gì, có chăng người ta chỉ còn đến quyền duy nhất ghi trên giấy chứng nhận sở hữu nhà.
“Chính vì vậy, tôi xin đề nghị chúng ta không chỉ quy định thời hạn sử dụng nhà chung cư cũ theo thời hạn công trình thiết kế mà phải quy định rất rõ là thời hạn sở hữu nhà chung cư phải theo thời hạn của công trình thiết kế”, đại biểu Cường nói.
Nếu quy định như thế, theo đại biểu Hoàng Văn Cường sẽ mang lại 2 lợi ích.
Lợi thứ nhất là đứng về mặt người dân sở hữu nhà, người ta sẽ chỉ trả tiền cho việc sở hữu nhà trong thời hạn thiết kế đó, chứ không phải trả tiền cho một điều là sở hữu vô thời hạn.
Lợi thứ 2, đứng về mặt xã hội sẽ tránh được tình trạng không thể phá dỡ được nhà đã hết thời hạn. Nếu như chỉ cần một vài người không đồng tình bởi vì đấy là tài sản sở hữu thì lại rơi vào tình trạng những nhà chung cư sập xệ như những chung cư cũ hiện nay.
Cùng với đó, đại biểu Cường đề nghị, đất dành cho xây dựng nhà chung cư cũng không nên là đất giao vĩnh viễn mà nên là loại đất cho thuê theo thời hạn xây dựng và cho trả tiền một lần. Nếu như hết thời hạn xây dựng, chúng ta lại có dự án cho thuê lại, giống như đang có quy định về đất cho thuê các dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh.
“Tôi cho rằng nếu chúng ta thực hiện được việc này thì sẽ khắc phục được những tồn tại, hạn chế như hiện nay”, đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.
Nên có hai loại chung cư cho người dân lựa chọn
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP HCM) giơ biển tranh luận về việc sở hữu chung cư có thời hạn.
Theo đại biểu Nghĩa, chung cư tuổi thọ càng cao thì hiệu quả kinh tế đối với xã hội càng lớn, nên cần khuyến khích xây dựng những chung cư 30, 40, 50 năm.
|
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa tranh luận. Ảnh: QH. |
“Ở nước ngoài có những chung cư hàng trăm năm, tất nhiên là người ta phải củng cố, sửa chữa nhưng nó trở thành những khu di tích và làm nên hồn cốt của đô thị đó. Điều này tôi đề nghị chúng ta phải thiết kế”, đại biểu Nghĩa nêu quan điểm.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề nghị phải có phương án là vẫn duy trì loại chung cư sở hữu dài hạn hoặc sở hữu lâu dài đồng thời với chung cư có thời hạn và để cho người dân được lựa chọn, tuy nhiên vấn đề đặt ra là xử lý an toàn như thế nào.
Có mấy cách xử lý: một là có thể sở hữu dài hạn nhưng phải tuân thủ sự an toàn vì đó là an toàn chung và khi đó có nhiều cách thức.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa nêu ví dụ, ở Singapore hay Anh, những nhà ở thương mại có thể sở hữu lên đến hàng trăm năm. Khi thời hạn an toàn không bảo đảm nữa thì các công ty phát triển bất động sản sẽ thương thảo với người dân để mua lại căn nhà cũ, duy tu, sửa chữa hoặc xây dựng mới. Hai việc này phải kết hợp với nhau.
“Tóm lại, tôi đề nghị có một sự lựa chọn, chứ không nên chọn một thứ. Bởi vì, trong tương lai chúng ta phải khuyến khích nhà ở lâu dài tuổi thọ càng cao thì càng tốt, càng có lợi cho xã hội và nói chung là cho đất nước”, đại biểu Trương Trọng Nghĩa nêu quan điểm.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cũng đề nghị không nên can thiệp nhiều vấn đề nuôi thú cưng ở trong chung cư. Hiện nay, nuôi thú cưng là một nhu cầu của một xã hội văn minh và ở Việt Nam cũng đang phát triển. Nó giáo dục tinh thần nhân văn, lòng yêu thiên nhiên, giáo dục tình yêu nói chung. Do đó, chúng ta nên thiết kế để đáp ứng nhu cầu này. “Tôi đi nhiều đô thị ở trên thế giới, New York, Paris thì ở các chung cư người ta đều được quyền nuôi thú cưng, tất nhiên phải có sắp xếp và phải có quy định để không ảnh hưởng đến quyền lợi lẫn nhau”, ông Nghĩa nói.
Mời quý độc giả xem video: "Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Hà Nội) nói về việc cần có quỹ bình ổn giá xăng dầu". Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.
Mai Loan