Quốc hội đang thảo luận về dự thảo Luật Cạnh tranh sửa đổi, trong đó có nhiều ý kiến tập trung quanh vấn đề cạnh tranh không lành mạnh, chống độc quyền, vốn là những điểm mới trong dự thảo lần này.
Ngăn chặn lôi kéo khách hàng bất chính
Thảo luận về các chế tài cũng như quy định về các hành vi vi phạm luật cạnh tranh, các đại biểu Quốc hội đề nghị cần bổ sung, làm rõ nhiều vấn đề.
Cụ thể, đại biểu Lê Anh Tuấn (đoàn Hà Tĩnh) lo ngại việc xử lý các hành vi cạnh tranh có thể được hiểu là sẽ theo luật chuyên ngành từ đó có thể dẫn tới nguy cơ vô hiệu hoá một số quy định nếu hành vi cạnh tranh không lành mạnh chưa được quy định trong luật chuyên ngành.
Hơn nữa, theo ông Tuấn, nếu chỉ quy định xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong luật chuyên ngành thì những hành vi mới đưa vào trong dự thảo Luật Cạnh tranh mà chưa được quy định trong luật chuyên ngành như hành vi cung cấp thông tin không trung thực về doanh nghiệp khác, hành vi lôi kéo khách hàng bất chính.
"Những hành vi này sẽ được xử lý theo quy định nào của pháp luật cạnh tranh hay cần được cụ thể hóa trong luật chuyên ngành", ông Tuấn băn khoăn.
Đại biểu đoàn Hà Tĩnh cũng góp ý, trừ những nội dung liên quan đến bí mật nhà nước, bí mật kinh doanh của doanh nghiệp thì cần nội luật hóa và bổ sung các quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh vào diện cũng phải được công bố công khai và đảm bảo rằng các bên liên quan và các thành viên nào quan tâm đều có thể tiếp cận được những quy định này.
Khắc phục hậu quả cạnh tranh "bẩn" ra sao?
Cùng quan điểm này, đại biểu Đinh Công Sỹ (đoàn Sơn La) cho rằng, còn thiếu một số ngoại lệ trong nhượng quyền thương mại và chưa có quy định rõ ràng về hạn chế cạnh tranh nên có thể tạo ra khoảng trống trong thi hành nếu các trường hợp vi phạm không có trong luật chuyên ngành.
Hoạt động nhượng quyền thương mại là hoạt động liên quan nhiều đến các thỏa thuận mang tính hạn chế cạnh tranh như ấn định giá hàng hóa, dịch vụ, thỏa thuận phân chia khách hàng, thị trường, nguồn cung cấp hàng hóa, cung ứng dịch vụ... Đây là một hoạt động thương mại phổ biến trên thế giới và đang có diễn biến mạnh mẽ, ở Việt Nam hiện nay cũng đã có một số vụ việc khiếu kiện liên quan tới hoạt động nhượng quyền, ông Sỹ lưu ý.
Theo đại biểu đoàn Sơn La, cần làm rõ nội dung chấm dứt hành vi vi phạm và khắc phục hậu quả. Trong trường hợp này nhằm tạo ra sân chơi bình đẳng, minh bạch, đặc biệt là đối với doanh nghiệp nhà nước hay các doanh nghiệp có vốn của nhà nước. Trường hợp cơ quan nhà nước vi phạm thì quy trình khắc phục hậu quả đó ra sao. Trách nhiệm, hình thức và cách thức xử lý trách nhiệm như thế nào đề nghị cần làm rõ hơn những vấn đề này trong luật.
Đề cập vấn đề này, đại biểu Nguyễn Bá Sơn (đoàn Đà Nẵng) đề nghị bổ sung quy định nêu rõ các tổ chức, doanh nghiệp, người tiêu dùng bị thiệt hại vì hành vi vi phạm Luật Cạnh tranh có quyền khởi kiện ra toà đòi bồi thường bởi dự thảo hiện nay chỉ quy định cơ quan tiến hành tố tụng cạnh tranh bao gồm Ủy ban cạnh tranh Quốc gia; Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh; Hội đồng giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh và Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh nên có thể hiểu là không thể khởi kiện dân sự.
Do đó, ông Sơn đề nghị bổ sung trong dự thảo luật, trong đó nêu rõ các tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh của tổ chức, cá nhân khác đều có quyền khởi kiện ra tòa đòi bồi thường theo thủ tục dân sự, thương mại./.
Theo Trần Ngọc/VOV