Tiếp tục chương trình làm việc của kỳ họp thứ 2, sáng 22/10, các đại biểu Quốc hội làm việc tại tổ thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017 và kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020.
|
Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Trần Thị Quốc Khánh phát biểu tại tổ. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)
|
Chuyển biến đúng hướng
Thảo luận kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017, nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội đánh giá năm 2016, kinh tế thế giới có nhiều khó khăn khi các nền kinh tế lớn chưa thoát khỏi bất ổn, tốc độ tăng trưởng kinh tế phục hồi chậm.
Bên cạnh những khó khăn nội tại từ trước, kinh tế, xã hội và môi trường trong nước gặp phải những khó khăn, thách thức lớn nhưng nhìn tổng thể tình hình năm 2016 đã có chuyển biến đúng hướng, tăng trưởng kinh tế tuy không đạt kế hoạch nhưng vẫn khá cao so với các nước trong khu vực; lạm phát tiếp tục được kiểm soát ở mức dưới 5%; lãi suất, tỷ giá tương đối ổn định; thu ngân sách vượt dự toán kế hoạch, dự trữ ngoại hối tăng.
Chính phủ đã có thông điệp rõ ràng, phản ứng nhanh trước các vấn đề bức xúc của xã hội, quyết liệt triển khai nhiều giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, “cởi trói” cho doanh nghiệp; thu hút đầu tư FDI tăng cả về số dự án, vốn đăng ký và giải ngân; số doanh nghiệp đăng ký mới, doanh nghiệp khó khăn phải tạm ngừng hoạt động quay trở lại hoạt động tăng cao hơn cùng kỳ; khách du lịch quốc tế tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước...
Các lĩnh vực y tế, giáo dục, lao động, việc làm, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội đạt nhiều kết quả tích cực. Vùng đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm, hỗ trợ kịp thời. Cơ sở vật chất và công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân có bước cải thiện, ngành y tế tiếp tục thực hiện lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ y tế...
Cơ bản nhất trí với Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội của Chính phủ trình Quốc hội, đại biểu Trần Thị Phương Hoa (Hà Nội) cho rằng, sau kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV, Chính phủ đã có rất nhiều cố gắng, quyết tâm và sự nỗ lực cao trong việc đổi mới điều hành, xây dựng một Chính phủ hành động, liêm chính, phát triển đất nước theo hướng bền vững.
Qua báo cáo thấy được tình hình kinh tế-xã hội nước ta nhìn tổng thể đã có sự chuyển biến đúng hướng, tăng trưởng kinh tế tuy không đạt mục tiêu theo kế hoạch nhưng vẫn khá cao so với các nước trong khu vực đồng thời, Chính phủ đã triển khai nhiều giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và thu hút vốn đầu tư FDI tăng cả về số dự án và vốn giải ngân. Cùng với đó, kết quả trong tái cơ cấu nền nông nghiệp, chúng ta nhìn nhận rất rõ là mặt hàng rau quả đã có một bước tiến vượt bậc.
Hiện nay, xuất khẩu nông sản của Việt Nam đứng thứ 14 trên toàn thế giới; riêng xuất khẩu rau quả đứng thứ 2 trên thế giới. Đây là con số rất phấn khởi, thể hiện sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và các Bộ, ngành.
Bên cạnh đó, Chính phủ đã đưa ra các giải pháp về đẩy mạnh cải cách hành chính, khuyến khích khởi nghiệp, tích cực khắc phục những khó khăn trong sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí đã được thực hiện.
Các chính sách về an sinh xã hội, quản lý tài nguyên môi trường, tài nguyên thiên nhiên đã được Chính phủ quan tâm. Các mục tiêu về phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu, vệ sinh an toàn thực phẩm đã được Chính phủ thể hiện quyết liệt hơn. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các Bộ, ngành đã đi thị sát trực tiếp ở các địa phương về công tác an toàn vệ sinh thực phẩm. Điều này cho thấy Chính phủ đã có sự hành động quyết liệt…
Tâm đắc với Báo cáo về tình hình kinh tế-xã hội của Chính phủ và chia sẻ những khó khăn mà Chính phủ phải giải quyết trong những tháng qua, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) thấy rằng Báo cáo của Chính phủ đã thể hiện rõ sự thẳng thắn, quyết liệt, trách nhiệm cao của Chính phủ trong thực hiện nói và làm; thực sự là xây dựng một Chính phủ hành động, góp phần vào kiến tạo xã hội một cách có hiệu quả.
"Báo cáo đánh giá về các mặt được trong bối cảnh từ đầu năm đến nay của chúng ta rất khó khăn nhưng đã thể hiện tinh thần cao của các cấp, ngành trong thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ. Cho nên đã thấy được một không khí đổi mới hơn so với nhiều năm trước. Thủ tướng đã trực tiếp đi thị sát các chợ, lò mổ, vùng nông thôn để xem thực phẩm an toàn như thế nào. Đồng thời chỗ nào bức xúc là Thủ tướng và các đồng chí lãnh đạo đã có mặt kịp để chỉ đạo. Điều này đã thể hiện trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cùng các cấp, các ngành đã và đang rất quyết liệt trong vấn đề bảo đảm trách nhiệm đối với nhiệm vụ của mình; thể hiện sự đổi mới trong vận hành hiệu quả, đóng góp vào sự phát triển của đất nước" - đại biểu Quốc Khánh nói.
Tán thành với nhiều giải pháp của Chính phủ
Đánh giá về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, nhiều ý kiến cho rằng ít có sự chuyển biến; tốc độ cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước vẫn còn chậm, trong đó có nguyên nhân là chưa có sự vào cuộc quyết liệt của một số Bộ, ngành, chưa xác định trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp; hiệu quả sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp nhà nước chưa tương xứng với tiềm năng và nguồn lực Nhà nước giao...
Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An) đề nghị Chính phủ cần tổng kết, đánh giá mô hình tập đoàn kinh tế nhà nước giai đoạn 2005-2015. Có ý kiến cho rằng tái cơ cấu các tổ chức tín dụng còn nhiều vướng mắc, hoạt động quản lý rủi ro, quản trị điều hành tại một số tổ chức tín dụng còn yếu kém...
An toàn vệ sinh thực phẩm đã được Chính phủ quan tâm, sâu sát hơn nhưng ý thức trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm đối với cộng đồng chưa cao, việc tuân thủ các quy định về điều kiện sản xuất, kinh doanh chưa nghiêm. Việc kiểm tra chất lượng hàng hóa còn hạn chế, hoạt động kiểm nghiệm, đánh giá, chứng nhận chất lượng sản phẩm hàng hóa cho tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước chưa phổ biến...
Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền cho rằng cần làm rõ, phân định trách nhiệm cụ thể của các cơ quan liên quan trong thực hiện đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Cho rằng trong báo cáo của Chính phủ đã có sự đánh giá khái quát về các vấn đề văn hóa, xã hội, tuy nhiên đại biểu Quách Thế Tản (Hòa Bình) thấy rằng cần có những nhận định sâu sắc hơn, tập trung về vấn đề đạo đức cán bộ, đạo đức của học sinh trong học đường... Theo đại biểu cùng với việc quan tâm tới giáo dục trong nhà trường cần chú ý xây dựng xã hội học tập.
Trong xây dựng nông thôn mới, nhiều ý kiến cho rằng cần chú ý đến tính đồng đều giữa các tỉnh và tính bền vững của những xã đạt chuẩn để tiếp tục duy trì và nâng cao hơn thu nhập, chất lượng sống người dân.
Đại biểu Quách Thế Tản (Hòa Bình) đề nghị báo cáo rõ hướng xử lý nợ đọng xây dựng nông thôn mới; khó khăn, vướng mắc của việc thực hiện tích tụ ruộng đất hình thành cánh đồng lớn sản xuất tập trung; việc thu hút doanh nghiệp, phát triển hợp tác xã kiểu mới, hình thành các liên kết kinh tế bền vững trong sản xuất nông nghiệp.
Qua thảo luận, nhiều ý kiến thể hiện sự tán thành với những giải pháp được Chính phủ đề ra trong thực hiện nhiệm vụ năm 2017, trong đó nhấn mạnh tới ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; Tập trung tháo gỡ khó khăn, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng; Tái cơ cấu kinh tế một cách thực chất, gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; Phát triển văn hóa, xã hội, chăm lo đời sống cho người dân; Chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường, tăng cường quản lý tài nguyên...
Theo đại biểu Hồ Đức Phớc (Nghệ An) phát triển nguồn nhân lực chính là đột phá lớn của đất nước, vì vậy cần xem lại việc phát triển nguồn nhân lực thời gian qua có đáp ứng được yêu cầu của đất nước trong bối cảnh công nghiệp hóa- hiện đại hóa đất nước hay không. Trên cơ sở xác định theo hướng là đào tạo trong nước phải ngang bằng khu vực và thế giới, đại biểu thấy rằng cần sắp xếp lại các trường đại học và trường dạy nghề để nhân lực của đất nước đáp ứng được yêu cầu đề ra.
Giải quyết "nút thắt" cho quá trình tái cơ cấu nền kinh tế
Về kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, nhiều ý kiến nhất trí với đánh giá của Chính phủ. Kinh tế vĩ mô ổn định, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng đạt được kết quả bước đầu. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP tăng từ 79,9% lên 82,6%, tỷ trọng nông nghiệp giảm từ 20,1% xuống 17,4%. Cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới đã được triển khai thực hiện; tái cơ cấu công nghiệp, dịch vụ đang được triển khai từng bước. Tuy nhiên, các ý kiến cũng cho rằng kết quả tái cơ cấu nền kinh tế chưa thực sự rõ nét, chưa đáp ứng yêu cầu đề ra; chưa làm rõ mô hình tăng trưởng, phương thức phân bổ nguồn lực xã hội về cơ bản chưa thay đổi.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ cần phải thảo luận, đánh giá việc tái cơ cấu kinh tế thực hiện trong giai đoạn 2011-2015 đã đúng hướng hay chưa, đạt được mục tiêu Quốc hội đề ra.
"Quốc hội đề ra là đến năm 2015 phải cơ bản đạt được các mục tiêu về tái cơ cấu, nhưng chúng ta khẳng định là chưa đạt được, cho nên phải tiếp tục thực hiện, đấy là nội dung cần tập trung phân tích kỹ"- Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Phân tích sâu hơn về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu chất lượng của tái cơ cấu như thế nào, đấy là vấn đề đáng suy nghĩ trong đó có thực hiện 3 đột phá. Thứ nhất tái cơ cấu đầu tư công, theo Phó Chủ tịch Quốc hội vấn đề này có lẽ mới chỉ được một việc, đó là trước đây quyết định những dự án, công trình không theo quy hoạch hoặc chỉ dựa vào ý kiến chủ quan, chưa tính đến nguồn lực.
Hiện nay bắt đầu phải theo quy hoạch, theo định hướng rồi bố trí nguồn lực. Thứ hai về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, Phó Chủ tịch đánh giá cổ phần hóa đang chậm và cần xác định rõ những cái gì cần giữ lại, những cái gì phải đẩy mạnh cổ phần hóa.
Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chậm có nguyên nhân do thị trường tài chính, thị trường chứng khoán ta chưa mạnh, còn ảm đạm nhưng rõ ràng cũng có nguyên nhân mục tiêu chưa được xác định rõ ràng, vì thế tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước cũng còn hạn chế.
Thậm chí, theo Phó Chủ tịch Quốc hội vẫn còn một bộ phận bảo thủ, không muốn chuyển đổi. Đây là những vấn đề cần phân tích, "mổ xẻ" để làm rõ vấn đề.
Việc tái cơ cấu lại thị trường tài chính, trong đó trọng tâm là tái cơ cấu ngân hàng thương mại, Phó Chủ tịch Quốc hội đánh giá vừa qua làm tương đối quyết liệt nhưng vẫn còn có cái chưa thực chất như là vấn đề xử lý nợ xấu. Đây chính là ách tắc, "cục máu đông" - theo Phó Chủ tịch Quốc hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ 3 đột phá này nếu chưa giải quyết được chính là nút thắt cho quá trình tái cơ cấu nền kinh tế.
Một vấn đề được Phó Chủ tịch Quốc hội nhìn nhận là nguyên nhân của hạn chế đó là chưa xác định rõ mô hình tăng trưởng như thế nào. Nếu mô hình tăng trưởng đã rõ rồi thì chúng ta mới cơ cấu nền kinh tế theo mô hình đó. Đây là vấn đề Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần bàn thảo rõ ràng.
Tán thành với quan điểm này, một số ý kiến đề nghị cần làm rõ mô hình tăng trưởng từ đó mới có căn cứ để định hướng tái cơ cấu kinh tế 5 năm tới; cần nhấn mạnh quan điểm có tính xuyên suốt trong chỉ đạo và thực hiện tái cơ cấu, đó là cần tập trung phân bổ lại, khai thác hiệu quả các nguồn lực, loại bỏ cách tiếp cận theo hướng xin-cho; nhanh chóng khoanh vùng để xử lý các vấn đề tồn đọng một cách kịp thời, tránh ảnh hưởng đến các lĩnh vực khác, các thành quả kinh tế-xã hội, đe dọa sự phát triển bền vững của nền kinh tế...
Cho rằng, 3 nhiệm vụ trọng tâm mà Chính phủ nêu ra trong tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó có tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp và tái cơ cấu hệ thống tài chính đây là 3 nhiệm vụ quan trọng, đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) lưu ý, nếu 3 tái cơ cấu này mà không đồng bộ với tái cơ cấu nguồn nhân lực thì mục tiêu tái cơ cấu không đạt được hiệu quả.
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi cho rằng, điểm nào là nút thắt của nền kinh tế thì phải tái cơ cấu cái đó, và "dường như chúng ta đang nghĩ đến tái cơ cấu ở vĩ mô mà chưa tái cơ cấu ở vi mô." Theo đó, để tái cơ cấu doanh nghiệp hiệu quả thì doanh nghiệp nhà nước phải chuyển đổi cơ cấu. Trên cơ sở đó, đại biểu đề nghị, tiếp tục thực hiện 3 trọng tâm: thực hiện tái cơ cấu thương mại, đầu tư công và sắp xếp doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân; tập trung đầu tư vào hệ thống doanh nghiệp.
Đại biểu Đào Ngọc Dung (Thanh Hóa) đề nghị tái cơ cấu bằng cách chuyển mạnh từ tăng trưởng chiều rộng sang tăng trưởng có chiều sâu. Muốn vậy, phải dựa trên tăng hiệu quả sử dụng nguồn lao động, ở đây là tăng năng suất lao động; dựa vào yếu tố tổng hợp, đặc biệt là khoa học công nghệ.
Đại biểu đã chỉ ra một số vấn đề cấp bách. Đó là khẩn trương cơ cấu lại thu chi ngân sách, tái cơ cấu đầu tư công, phải minh bạch số nợ này; tập trung xử lý ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng yếu kém, công khai vấn đề này và ai phải chịu trách nhiệm vấn đề này, cần phải chỉ rõ. Đẩy mạnh sắp xếp lại tái cơ cấu đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó mạnh dạn chuyển đổi nếu đơn vị sự nghiệp công lập nào đủ điều kiện thì giao tự chủ toàn phần, còn lại chuyển sang tự chủ từng phần. Quan tâm đến kịch bản biến đổi khí hậu, tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và xuất khẩu đặc biệt trong môi trường mở cửa như hiện nay...
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cho rằng báo cáo đã chỉ rõ những vấn đề thuộc về trách nhiệm và các việc đã làm và chưa làm được trong việc tái cơ cấu nền kinh tế. Tuy nhiên, một số điểm trong Báo cáo Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế còn chưa được, đặc biệt là về kết quả tái cơ cấu nền kinh tế đến nay thực sự chưa rõ nét để đáp ứng được các yêu cầu đề ra; chưa làm rõ được mô hình tăng trưởng và phương thức phân bổ nguồn lực xã hội. Đặc biệt sự nhận thức về tái cơ cấu nền kinh tế ở một số địa phương có vẻ như chưa chủ động và hiểu chưa rõ; đồng thời chưa thấm vào suy nghĩ và hành động...
Đại biểu Quốc Khánh đề nghị trong tái cơ cấu nền kinh tế nên phát huy nội lực; phát huy những đặc thù của đất nước và hướng đến những vấn đề thế giới đang hướng tới. Tức là phải bảo vệ môi trường, sử dụng năng lượng tái tạo và hướng tới tăng trưởng xanh. Bên cạnh đó, trong quá trình phát triển công nghiệp dứt khoát phải hướng đến vấn đề bảo vệ môi trường và tăng trưởng xanh.
Do đó nên tập trung phát triển ngành du lịch để giữ môi trường và phát huy truyền thống văn hóa-lịch sử của người Việt Nam, mà nhiều nước không có. Muốn làm được điều này, theo đại biểu cần tập trung đầu tư vào trồng rừng, phục hồi lại rừng; phát triển ngành giao thông vận tải; khôi phục các dòng sông. Cùng với đó, cần loại bỏ những gì gây ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, cần tập trung vào phát triển công nghệ thông tin, nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao để hướng tới được sự phát triển văn minh.
Chiều nay, các đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận tại tổ về Kế hoạch tài chính 5 năm; Mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016-2020 (trong đó có đánh giá toàn diện các mặt công tác huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2011-2015); Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; Kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2016; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2017.
Theo Quỳnh Hoa - Hồng Cường /TTXVN/VIETNAM+