Đại biểu quốc hội, chuyên gia góp ý về quản lý, sử dụng đất công hiệu quả

Google News

ĐBQH, TS Trần Công Phàn và các chuyên gia đề nghị tăng cường, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp nhà nước được giao quản lý sử dụng đất công...

Ngày 23/8, Hội Luật gia Việt Nam và Bộ Tài nguyên Môi trường đã tổ chức Hội thảo “Nâng cao hiệu quả thi hành Luật Đất đai: Chống lãng phí và vi phạm trong sử dụng đất công”, TS. Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam và TS. Trần Công Phàn - Đại biểu Quốc hội khóa XV, Phó Chủ tịch thường trực, Tổng Thư ký Hội Luật gia Việt Nam cùng chủ trì hội thảo.
Tham dự hội thảo có đại diện một số ban, bộ ngành Trung ương; các chuyên gia, nhà khoa học đến từ Bộ Công an; Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; Ban Nội chính Trung ương; Bộ Tư pháp; Bộ Tài nguyên và Môi trường,…
Dai bieu quoc hoi, chuyen gia gop y ve quan ly, su dung dat cong hieu qua
TS. Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam và TS. Trần Công Phàn - Đại biểu Quốc hội khóa XV, Phó Chủ tịch thường trực, Tổng Thư ký Hội Luật gia Việt Nam cùng chủ trì hội thảo. 

Hàng chục ngàn ha đất công bị quản lý, sử dụng sai
Tại hội thảo, Hội Luật gia Việt Nam nêu Báo cáo giám sát chuyên đề của Quốc hội khóa XV tại kỳ họp thứ 4 về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”, hiện trên cả nước có hàng nghìn dự án chậm tiến độ và có xu hướng tăng lên qua các năm. Theo Báo cáo số 330/BC-ĐGS ngày 11/10/2022 của Đoàn giám sát chuyên đề Quốc hội khóa XV “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021” trích dẫn Báo cáo số 1557/BC-TTCP ngày 12/9/2022 của Thanh tra Chính phủ, giai đoạn 2016-2021 đã phát hiện vi phạm 63.200 ha đất, kiến nghị thu hồi 31.287 ha đất; trong đó kết quả thực hiện kết luận thanh tra đã thu hồi về cho nhà nước 3.931 ha trên tổng số 7.727 ha phải thu hồi, trong đó có đất công của các đơn vị sự nghiệp công lập, đặc biệt là việc sử dụng đất tại các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư còn nhiều bất cập, sai phạm.
Ông Nguyễn Văn Huệ - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nghiên cứu xây dựng và phổ biến pháp luật (Hội Luật gia Việt Nam) cho rằng, để tổ chức thi hành Luật Đất đai có hiệu quả còn rất nhiều việc cần phải làm.
Theo ông Huệ, nghiên cứu từ thực tiễn cho thấy, quản lý, sử dụng đất tại các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp có vốn Nhà nước đầu tư còn nhiều bất cập, sai phạm. 
Nhiều đơn vị có hoạt động chuyển đổi mục đích sử dụng đất để thực hiện các dự án đầu tư của một số tập đoàn, tổng công ty không tự triển khai dự án gắn với quyền sử dụng đất mà góp vốn với các đối tác bên ngoài, sau đó thoái vốn hoặc cam kết thoái vốn để chuyển giao đất cho đối tác không thông qua đấu giá. Ông Huệ cũng đưa ra một số ví dụ được các báo cáo, nghiên cứu và báo chí nêu trong thời gian qua liên quan đến bất cập trong việc quản lý, sử dụng đất như: Sai phạm tại khu đất 30.977m2 tại số 152 Trần Phú, phường 4, quận 5, TP HCM.
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba) là DNNN được UBND TPHCM giao lô đất kể trên từ năm 2008 để thực hiện dự án cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại dịch vụ.
Dai bieu quoc hoi, chuyen gia gop y ve quan ly, su dung dat cong hieu qua-Hinh-2
 Khu đất vàng 30.977m2 tại số 152 Trần Phú, phường 4, quận 5, TP HCM đến nay chưa thể thu hồi.

Để thực hiện dự án này, Vinataba đã liên danh cùng Công ty TNHH Đô Thành Việt và Công ty Cổ phần Xây dựng Thương mại Căn nhà mơ ước (DRH Holdings) tạo thành liên doanh mang tên Công ty TNHH Vina Alliance (Vina Alliance). Trong các tài sản của Vinataba đã góp vốn vào Vina Alliance có bao gồm cả lô đất 30.977m2 tại 152 Trần Phú. Đến năm 2017, Vinataba thoái vốn tại Vina Alliance và chuyển vốn góp của mình sang cho Công ty TNHH Sơn Đông. Từ thời điểm này khu đất 30.977m2 tại số 152 Trần Phú chính thức đổi chủ sang doanh nghiệp tư nhân khác.
Hệ quả là, theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, Vinataba vi phạm quy định về quản lý tài sản DNNN; làm trái chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; vi phạm pháp luật về chuyển nhượng tài sản doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và không thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất. Đầu năm 2024, UBND thành phố Hồ Chí Minh có quyết định thu hồi khu đất trên nhưng đến nay vẫn chưa thu hồi được.
Tương tự, khu đất 6.080 m2 tại 2-4-6 Hai Bà Trưng, quận 1, TPHCM do Tổng công ty Sabeco (Sabeco) được giao quản lý, sử dụng nhưng đã chuyển quyền sử dụng đất cho một công ty khác sau đó Sabeco thoái vốn và bán toàn bộ vốn đóng góp để khu đất trên chính thức trở thành tài sản của một Doanh nghiệp 100% vốn tư nhân.
Mặc dù các đối tượng liên quan đã bị xử lý và khu đất đã bị thu hồi và bàn giao cho Trung tâm phát triển quỹ đất thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM quản lý song nhà nước cũng bị thất thoát 2.713 tỷ đồng.
Người vi phạm thường có chức vụ, trình độ chuyên môn cao
Phát biểu tham luận tại hội thảo, Thạc sĩ Võ Văn Tài, Trưởng khoa Kiểm sát hình sự, Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ Kiểm sát tại TP HCM cho biết, một trong những khó khăn trong việc xử lý sai phạm liên quan đến đất công, là định giá đất công.
Theo ông Tài, có quan điểm cho rằng giá đất phải tính tại thời điểm cán bộ, doanh nghiệp thực hiện hành vi phạm, để làm căn cứ yêu cầu bồi thường, thu hồi tài sản thất thoát.
Dai bieu quoc hoi, chuyen gia gop y ve quan ly, su dung dat cong hieu qua-Hinh-3
Thạc sĩ Võ Văn Tài, Trưởng khoa Kiểm sát hình sự, Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ Kiểm sát tại TP HCM chia sẻ tại Hội thảo 
Song cũng có quan điểm cho rằng giá ở thời điểm thực hiện hành vi chỉ để tham khảo; phải tính theo giá đất tại thời điểm thanh tra, khởi tố, điều tra thì mới tính hết thiệt hại của Nhà nước do hành vi phạm tội gây ra.
“Người thực hiện hành vi vi phạm thường có trình độ chuyên môn cao, có chức vụ, quyền hạn nên đa số họ biết vận dụng các quy định của pháp luật và chủ trương, chính sách của Nhà nước về quản lý, sử dụng đất đai và tình hình thực tiễn của địa phương để lý giải về sự hợp lý của quyết định, hành vi mà họ đã thực hiện. Để khắc phục những bất cập vừa nêu, việc phân tích những dấu hiệu pháp lý hình sự của tội phạm liên quan lĩnh vực quản lý Nhà nước về đất đai là rất cần thiết, giúp cho quá trình truy cứu trách nhiệm hình sự đúng người, đúng tội, không làm oan sai và bỏ lọt tội phạm”- ông Tài nêu quan điểm.
Dai bieu quoc hoi, chuyen gia gop y ve quan ly, su dung dat cong hieu qua-Hinh-4
PGS. TS Đinh Dũng Sỹ (nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ) nêu ý kiến tại Hội thảo.  

Tại hội thảo, PGS. TS Đinh Dũng Sỹ (nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ), Luật Đất đai năm 2024 là sự kỳ vọng tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, thuận lợi hơn cho cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. PGS. TS. Đinh Dũng Sỹ phân tích, có nhiều nguyên nhân đẫn đến cổ phần hóa DNNN những năm gần đây diễn ra chậm, nhưng chủ yếu đến từ những khó khăn trong xác định giá trị quyền sử dụng đất. Điển hình như việc phân định thành các trường hợp: giao đất có thu tiền sử dụng đất; giao đất không thu tiền sử dụng đất; cho thuê đất trả tiền một lần và cho thuê đất trả tiền hằng năm, sau đó quy định việc xác định giá trị quyền sử dụng đất khác nhau đối với các trường hợp nói trên khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước là rất phức tạp, khó khả thi. Đặc biệt là các trường hợp phải xác định giá trị QSDĐ đất để tính vào giá trị thực tế của doanh nghiệp.
“Luật Đất đai năm 2024 đã bổ sung cơ chế xác định giá trị quyền sử dụng đất – cơ chế được kỳ vọng sẽ tháo gỡ những khó khăn của doanh nghiệp nhà nước khi cổ phần hóa. Tuy nhiên, các quy định hiện hành về xác định giá trị QSDĐ khi CPH doanh nghiệp còn bất cập, vướng mắc, nhiều quy định trong các nghị định chưa thực sự rõ ràng. Việc ban hành Luật Đất đai năm 2024 là một tiền đề tốt, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, thuận lợi hơn cho các tổ chức kinh tế, trong đó có các DNNN và các công ty cổ phần được CPH từ DNNN trong việc sử dụng QSDĐ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, để thúc đẩy quá trình sắp xếp, CPH, thoái vốn DNNN nhanh hơn, hiệu quả hơn thì cần sớm sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (và có thể là cả Luật Quản lý, sử dụng tài sản công), PGS. TS. Đinh Dũng Sỹ nhận định.
Dai bieu quoc hoi, chuyen gia gop y ve quan ly, su dung dat cong hieu qua-Hinh-5
TS. Trần Công Phàn - Đại biểu Quốc hội khóa XV, Phó Chủ tịch thường trực, Tổng Thư ký Hội Luật gia Việt Nam  
 
Chia sẻ tại hội thảo, TS. Trần Công Phàn - Đại biểu Quốc hội khóa XV, Phó Chủ tịch thường trực, Tổng Thư ký Hội Luật gia Việt Nam cho biết:
Bên cạnh kết quả đạt được, thực tiễn cho thấy rằng, việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, sử dụng đất một số nơi chưa nghiêm. Hiệu quả khai thác, sử dụng đất một số chỗ chưa cao, còn nhiều tồn tại, bất cập, hạn chế, đã ảnh hưởng rất lớn trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong giai đoạn vừa qua, tạo nên những điểm nghẽn, gây lãng phí, thất thoát rất lớn các nguồn lực của quốc gia và toàn xã hội.
"Các lãng phí, thất thoát này, không chỉ nguồn lực về tài chính, tài sản, thời gian, mà còn mất đi nhiều cơ hội và nguồn lực tổng hợp khác để xây dựng, phát huy các tiềm năng, thế mạnh của đất nước để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội. Để hạn chế , ngăn chặn các sai phạm, thất thoát trong quản lý sử dụng đất công, thì tới đây, cần tăng cường trách nhiệm, xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp vi phạm pháp luật đất đai. Đồng thời tăng cường, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp nhà nước được giao quản lý sử dụng đất công”- ĐBQH Trần Công Phàn nhấn mạnh.

Phát biểu bế mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Văn Quyền – Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam cho biết các tham luận, ý kiến tại Hội thảo đã tập trung phân tích, làm rõ quy định của Luật Đất đai năm 2024 và các văn bản pháp luật liên quan về chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất công trong đó có đất công của các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp Nhà nước.

Hội thảo đã phần nào cho thấy thực trạng, bất cập trong lĩnh vực quản lý đất đai thời gian vừa qua. Sự lãng phí, thất thoát không chỉ gây thiệt hại nguồn lực về tài chính, tài sản, thời gian, còn mất đi nhiều cơ hội và nguồn lực tổng hợp khác để xây dựng, phát huy các tiềm năng, thế mạnh của đất nước để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Các đề xuất về giải pháp chống lãng phí và vi phạm trong sử dụng đất công của các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp Nhà nước được nhiều đại biểu nêu ra cơ bản có cở sở tiếp tục nghiên cứu, thúc đẩy.
"Luật Đất đai 2024 với nhiều sửa đổi, bổ sung mới trong đó có việc sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý, sử dụng đất công của các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp Nhà nước nói riêng chắc chắn sẽ góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, chống lãng phí và vi phạm trong sử dụng đất khu vực này", Chủ tịch Nguyễn Văn Quyền chia sẻ.
Đồng thời, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam đề nghị ban tổ chức Hội thảo tổng hợp, tiếp thu các ý kiến tham luận thành báo cáo chung của Hội thảo gửi cơ quan có thẩm quyền có thêm cơ sở để tham khảo, tổ chức thực thi hiệu quả chính sách, pháp luật về đất đai
 
Nguyễn Đức