Theo chương trình, kỳ họp Quốc hội thứ 10, hôm nay (2/10) bước vào đợt 2, họp tập trung. Các đại biểu sẽ thảo luận và biểu quyết nhiều nội dung quan trọng, trong đó có thông qua Nghị quyết về ngày bầu cử toàn quốc đối với cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV, bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Trao đổi với PV, ông Trần Văn Túy, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Công tác Đại biểu cho biết, dự kiến ngày bầu cử toàn quốc sẽ diễn ra vào Chủ nhật 23/5/2021.
|
Trưởng ban Công tác Đại biểu Trần Văn Túy. Ảnh: Ngọc Thằng |
Quốc hội ngày càng chuyên nghiệp
Cuộc bầu cử tới đây có những điểm gì đáng lưu ý so với các cuộc bầu cử trước đây, thưa ông?
So với nhiệm kỳ trước, trình tự thủ tục trong quy trình bầu cử không có sự thay đổi nhiều. Tuy nhiên, vì Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương có sự thay đổi nên ít nhiều tác động đến công tác bầu cử sắp tới.
Một trong những điểm mới lần này, luật quy định rõ ĐBQH chỉ có một quốc tịch Việt Nam. Ngoài ra, trong khóa tới, số ĐBQH chuyên trách tăng lên 40% thay vì 35% so với trước đây.
Các điểm mới này hoàn toàn phù hợp với thực tiễn nâng cao hiệu quả hoạt động Quốc hội theo hướng ngày càng chuyên nghiệp. Các quy định này có tác động đến công tác chuẩn bị bầu cử, trong việc rà soát hồ sơ ứng cử ĐBQH, công tác quy hoạch, lựa chọn và bố trí nhân sự để lựa chọn được những đại biểu có trình độ chuyên môn thực hiện nhiệm vụ ĐBQH chuyên trách cần kỹ lưỡng hơn.
Đồng thời, hướng đến mục tiêu lựa chọn người ứng cử làm ĐBQH chuyên trách ở địa phương phải đang giữ chức giám đốc sở hoặc tương đương trở lên, là ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.
Trong 40% ĐBQH chuyên trách dứt khoát phải đảm bảo tiêu chuẩn và Đảng đoàn Quốc hội đã có quy định phải cấp vụ trưởng trở lên mới được quy hoạch. Trường hợp đặc biệt, có thể đưa cấp vụ phó lâu năm, có kinh nghiệm vào quy hoạch, tức là phải tầm chuyên gia. Đây cũng là điểm mới đáng lưu ý, làm quy hoạch rất chặt chẽ, trên cơ sở định hình xong tiêu chuẩn.
Ông suy nghĩ như thế nào về thực tế là vừa qua, có một số ĐBQH bị kỷ luật phải thôi nhiệm vụ, bãi nhiệm tư cách đại biểu, thậm chí có người bị xóa tư cách đại biểu ngay sau khi trúng cử?
Nhiệm kỳ vừa qua, có một số trường hợp bị Quốc hội bãi nhiệm, cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu với các lý do khác nhau. Đây là một điều đáng tiếc xảy ra trong hoạt động của Quốc hội, ít nhiều ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của Quốc hội và niềm tin của nhân dân, cử tri khi đánh giá về hình ảnh của đại biểu dân cử.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này có nhiều, trong đó có nguyên nhân chủ quan là có một số đại biểu không thường xuyên tu dưỡng đạo đức, bản lĩnh chính trị, thiếu trung thực trong việc kê khai hồ sơ ứng cử. Còn nguyên nhân khách quan là thiếu cơ chế giám sát, chưa kịp thời thẩm tra, rà soát trong công tác cán bộ.
Tuy nhiên, chúng ta cần có góc nhìn tích cực để nhận thấy rằng, Quốc hội khóa XIV đã rất thẳng thắn, trách nhiệm và quyết liệt xử lý đến cùng với những sai phạm của đại biểu. Số lượng ĐBQH tuy có bị giảm nhưng đổi lại chúng ta sẽ có những bài học trong công tác lựa chọn nhân sự cho các nhiệm kỳ sau.
5 bài học trong lựa chọn nhân sự
Vậy những bài học trong công tác lựa chọn nhân sự cho các nhiệm kỳ sau để tránh đi vào vết xe đổ của khóa trước là gì?
Theo tôi, có 5 bài học cần rút ra.
Bài học thứ nhất, việc lựa chọn nhân sự cần nghiêm túc, sát sao hơn nữa trong công tác hiệp thương để tìm hiểu kỹ lưỡng quá trình công tác trước đó và tiểu sử, quan hệ nhân thân của người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND.
Thứ hai, tăng cường vai trò giám sát của nhân dân. Trong đó, lấy hiệu quả giám sát của MTTQ và các thành viên của Mặt trận để nhân dân thực hiện quyền làm chủ quyền lực nhà nước thông qua quyền giám sát hoạt động của đại biểu do mình bầu ra.
|
Dự kiến, Quốc hội sẽ thông qua Nghị quyết về ngày bầu cử toàn quốc đối với cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV, bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 vào ngày 13/11. |
Thứ ba, sự quyết tâm của các cấp ủy Đảng trong việc sát sao theo dõi, đánh giá ý thức đảng viên trong vai trò thực hiện nhiệm vụ đại biểu dân cử của các ĐBQH.
Thứ tư là, các đại biểu dân cử cần tự ý thức về trách nhiệm đại diện của mình để tu dưỡng bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống và năng lực, trình độ chuyên môn để xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân và cử tri.
Đây cũng là bài học mà sinh thời Hồ Chủ tịch đã nói: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”.
Bài học cuối cùng, theo tôi là tiếp tục hoàn thiện cơ chế đánh giá hiệu quả hoạt động của ĐBQH và đại biểu HĐND để cơ quan có thẩm quyền quản lý kịp thời phát hiện những dấu hiệu vi phạm đạo đức, nghề nghiệp làm ảnh hưởng đến quá trình hoạt động và triển khai việc thực hiện nhiệm vụ của người đại biểu dân cử.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Bảo đảm đúng tiêu chuẩn, đủ số lượng, có cơ cấu hợp lý, trong đó lấy tiêu chuẩn, chất lượng đại biểu là ưu tiên hàng đầu, không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn”. Vậy bài toán "cơ cấu" và "chất lượng" sẽ được giải quyết như thế nào trong cuộc bầu cử lần này?
Trong đề án về phương hướng bầu cử và Chỉ thị 45 của Bộ Chính trị có nhấn mạnh đến việc nâng cao chất lượng, có cơ cấu hợp lý các tỉ lệ nữ, dân tộc. Mục tiêu phấn đấu đại biểu là dân tộc thiểu số ít nhất 18%, bằng nhiệm kỳ trước; đại biểu nữ ít nhất 35%, tăng 5% so với trước.
Tuy nhiên, trong quá trình chuẩn bị nhân sự ứng cử để đạt được tỉ lệ này vẫn cần chú trọng việc lấy chất lượng đại biểu làm trọng tâm, không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn. Ngoài ra, rút kinh nghiệm việc bầu thiếu 4 ĐBQH tại nhiệm kỳ XIV, Bộ Chính trị yêu cầu phấn đấu bầu đủ 500 ĐBQH và chủ động chuẩn bị nguồn đại biểu nhất là đại biểu chuyên trách.
Vai trò lãnh đạo của Đảng trong hoạt động của các cơ quan dân cử trước hết được thực hiện thông qua công tác cán bộ, nhiệm vụ của Đảng là chỉ đạo để phát hiện cán bộ ưu tú, gương mẫu để nhân dân, cử tri lựa chọn ra người đại diện cho mình.
Chất lượng đại biểu là nòng cốt và quyết định trực tiếp đến chất lượng hoạt động của cơ quan dân cử. Với bản chất là cơ quan đại diện nên phải giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa "cơ cấu" và "chất lượng" của nhân sự ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND.
Việc này Tổng Bí thư đã chỉ đạo, nêu rõ tại Chỉ thị 35 trong việc xác định sát sao hơn nữa để đặt ra yêu cầu về chất lượng trong việc giới thiệu, lựa chọn nhân sự tham gia ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp.
Việc xây dựng cơ cấu, thành phần, số lượng tuy là thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực HĐND các cấp nhưng lựa chọn con người cụ thể là việc của cả xã hội, cộng đồng. Do vậy, cần có sự tham gia, từ ý thức và trách nhiệm đến hành động thực tế của cả hệ thống chính trị trong việc phát hiện, giới thiệu nhân sự đủ điều kiện, tiêu chuẩn để ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND.
Cuối cùng vẫn thuộc về quyền lựa chọn của người dân
Thực tế cho thấy, số lượng ĐBQH tự ứng cử trúng cử còn khiêm tốn so với số hồ sơ nộp ban đầu. Liệu có phải các quy định hiện nay chưa rộng đường cho người tự ứng cử?
Đảng ta luôn khuyến khích và mong muốn những người đủ đức đủ tài, vì sự phát triển phồn vinh của đất nước tự ứng cử ĐBQH. Thực tế vừa qua cho thấy, số ĐBQH tự ứng cử khóa này tuy ít nhưng đều hoạt động rất tốt như ĐBQH Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) và Phạm Quang Dũng (Nam Định).
Tuy nhiên, dù là người được giới thiệu ứng cử hay tự ứng cử thì các ứng cử viên đều phải dựa trên quy trình hiệp thương của MTTQ và sự tín nhiệm của nhân dân. Ở đâu cũng thế, các ứng cử viên phải qua quá trình sàng lọc này, ai đáp ứng được các điều kiện, tiêu chuẩn và được nhân dân lựa chọn thì trúng cử và ngược lại.
Nhiều trường hợp trong danh sách bầu nhưng đưa ra dân không bầu thì đó là quyền lựa chọn của nhân dân. Thậm chí có một số ĐBQH chuyên trách khóa trước được giới thiệu tái cử khóa sau nhưng dân họ không bầu vì qua theo dõi hoạt động nghị trường, họ thấy vai trò của các ứng cử viên này mờ nhạt nên không bầu nữa.
Đó là một thực tế. Khóa nào cũng vậy, dù có cơ cấu, giới thiệu hay tự ứng cử thì cuối cùng vẫn thuộc về quyền lựa chọn của người dân.
Thời gian qua, không ít nhân sự là ĐBQH được điều động, luân chuyển giữa các địa phương với nhau và giữa trung ương và địa phương dẫn đến tình trạng ĐBQH được bầu ở tỉnh này nhưng sau lại làm ĐBQH ở tỉnh khác. Câu chuyện này trong khóa tới có được tính đến?
Đây là vấn đề rất khó được đặt ra. Trước đây, chúng ta chưa thực hiện luân chuyển cán bộ chủ chốt thì hoạt động của các ĐBQH ổn định nhưng khóa này, cán bộ chủ chốt ở địa phương luân chuyển, điều động liên tục, hoạt động của ĐBQH cũng điều chỉnh cho phù hợp.
Tuy nhiên phải nhìn nhận một điều, ĐBQH ở tỉnh nào thì cũng là đại biểu của dân trong cả nước. Nhất là các ĐBQH là nhân sự chủ chốt, ngoài hoạt động mang tính đại diện cho địa phương mình thì còn mang tính tiêu biểu cho những việc chung của đất nước. Chúng ta phải chấp nhận việc luân chuyển cán bộ để đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện của Đảng.
Theo Thu Hằng/VietNamnet