Tại buổi họp báo 6 tháng đầu năm 2024, ông Trần Chí Cường, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết, Thành phố rất muốn kiến nghị tháo gỡ liên quan đến các dự án, đất đai trong các Kết luận thanh tra, kiểm tra, Bản án để phát triển.
Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng nhấn mạnh: “Chỉ khi tháo được những việc đó mới có thể khơi thông được nguồn lực từ trong dân, doanh nghiệp để phát triển thành phố. Còn nếu như không sẽ rất khó vì Đà Nẵng dư địa chỉ còn từng đó, không hơn được nữa”.
|
Ông Trần Chí Cường, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng |
Theo thông tin tại buổi họp báo này, hiện nay, TP Đà Nẵng đang phải tập trung xử lý 4 kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ từ năm 2012, từ Kết luận 2852, Kết luận Sơn Trà và các kết luận về nhà, đất công sản; và 3 bản án án hình sự phúc thẩm đã có hiệu lực pháp luật liên quan đến các dự án, đất đai.
Ông Võ Nguyên Chương, Phó Giám đốc Sở TN&MT Đà Nẵng cho biết, sau khi có các kết luận và bản án nói trên, Thành phố đã có kế hoạch triển khai thực hiện. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai gặp phải những vướng mắc nhất định. Vướng mắc cơ bản là đối diện thực tế và xung đột pháp luật để giải quyết các vấn đề tồn tại do lịch sử để lại.
Ông Võ Nguyên Chương, Phó Giám đốc Sở TN&MT Đà Nẵng cho biết, trước những khó khăn này, UBND thành phố đã chỉ đạo ngành TN&MT chủ trì, phối hợp với các ngành tập hợp, có báo cáo gửi Trung ương.
Mới đây, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 77 ngày 2/5/2024 về tháo gỡ cơ bản về thể chế, trong đó có định hướng xác định đối tượng, nguyên tắc cơ bản, tập trung xử lý các vướng mắc, khó khăn trong các kết luận thanh tra. Trong 10 nội dung được phân công cụ thể cho từng cơ quan liên quan để giải quyết khó khăn, vướng mắc, thì có 5 nội dung thuộc thẩm quyền của Đà Nẵng xử lý.
Theo đó, Đà Nẵng là truy thu nghĩa vụ tài chính về ngân sách Nhà nước đối với các khoản thất thu được nêu trong các kết luận thanh tra trước đây. “Thành phố sẽ xác định nhà đầu tư sơ cấp hay thứ cấp chịu thực hiện nghĩa vụ tài chính sau khi xác định lại. Quan điểm của thành phố, nhà đầu tư sơ cấp là đối tượng được thụ hưởng phần miễn giảm nêu trên”, ông Chương cho hay.
|
Bán đảo Sơn Trà - nơi có các dự án Ghềnh Bàng, Bãi Đa và lô đất L09 của khu Biệt thự Suối đá |
Thứ hai, Đà Nẵng sẽ xử lý các trường hợp chậm đưa đất vào sử dụng trong quá trình gia hạn sử dụng đất. Theo quy định, các trường hợp không đưa đất vào sử dụng 12 tháng hoặc chậm đưa đất vào sử dụng 24 tháng sau khi dự án được duyệt thì người sử dụng đất phải nộp tiền gia hạn theo giá đất thành phố xác định.
Nội dung thứ ba mà Thành phố cần làm là xác định giá thu tiền sử dụng đất đối với 15 cơ sở nhà đất công sản.
Thứ tư, Đà Nẵng sẽ phối hợp với Bộ công an điều tra, xử lý đối với sai phạm tại các dự án Ghềnh Bàng, Bãi Đa và lô đất L09 của khu Biệt thự Suối đá. Trước đây, theo nội dung kết luận đã chuyển sang Bộ Công an, tuy nhiên theo đề án lần này, hướng tháo gỡ là giao UBND TP Đà Nẵng chủ trì, căn cứ tình hình thực tế địa phương.
Cuối cùng là thực hiện quy trình thu hồi dự án có diện tích 161 hecta trên đường Nguyễn Tất Thành, một phần phường Thuận Phước (quận Hải Châu) và quận Thanh Khê.
Lãnh đạo Sở TN&MT cho biết, trong khi chờ Chính phủ phê duyệt, Đà Nẵng vẫn chủ động các giải pháp nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp. Trong thời gian vừa qua, một trong những giải pháp hữu hiệu được sự đồng tình của các chủ đầu tư là cho phép dùng tài sản công của dự án đó hoặc dự án khác dùng làm tài sản đảm bảo cho việc thực hiện nghĩa vụ tài chính trong tương lai sau khi xác định lại.
Bên cạnh đó, Thành phố cũng thực hiện khai thác nguồn lực đất đai hiện có. Cho đến hiện tại Đà Nẵng có 345 khu đất có diện tích lớn và 20.166 lô đất tái định cư. Thành phố thực hiện khai thác quỹ đất hiện có để đảm bảo tính hiệu quả của nó như đấu giá cho thuê mặt bằng có thời hạn; rà soát quỹ đất công ưu tiên công viên, vườn dạo…
>>> Mời quý độc giả xem video: Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân trao đổi về Luật Đất đai (sửa đổi):
Hàn Băng