Sáng 27/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch COVID-19 trong bối cảnh vừa qua xuất hiện một số ca dương tính tại TP. Đà Nẵng.
Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng cho biết, khi phát hiện ca nhiễm đầu tiên mang số 416 sau 99 ngày không có ca mới trong cộng đồng, TP Đà Nẵng và Bộ Y tế đã có nhiều biện pháp ngăn chặn sự lây lan. Đà Nẵng đã chủ động bao vây, khoanh ổ dịch.
Đồng thời, ngành y tế tăng cường cán bộ trực tiếp vào Đà Nẵng. Quân khu 5 đã huy động bộ đội hóa học khử trùng nơi có bệnh nhân dương tính. Đà Nẵng đã chủ động giãn cách một bước như không tập trung trên 30 người, khuyến cáo làm thủ tục để khách rời Đà Nẵng. Tối 26/7, các hãng hàng không đã tăng cường hàng chục chuyến để đưa hành khách rời Thành phố.
|
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. |
Tuy nhiên, tình hình ngày càng phức tạp. Thủ tướng nêu rõ, tiếp tục chỉ đạo đề cao cảnh giác và có biện pháp mạnh mẽ để không bị bất ngờ xảy ra về dịch COVID-19 ở Việt Nam. Đặc biệt, Thủ tướng chỉ đạo thành phố Đà Nẵng áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 19/CT-TTg ở mức địa phương có nguy cơ cao từ 0h ngày 28/7/2020.
Thủ tướng nhấn mạnh, không để dịch bệnh bùng phát, lan rộng ở Đà Nẵng và các địa phương khác. Nếu không có thái độ dứt khoát thì thất bại trong công cuộc này. Do đó, cuộc họp sẽ quyết định những biện pháp mạnh, đồng bộ để xử lý tình hình.
“Tuyệt đối không chủ quan, mất cảnh giác nhưng không được hoang mang trong nhân dân. Phải tập trung cao độ, phản ứng nhanh, tổng lực, thần tốc truy vết và xét nghiệm diện rộng trong các đối tượng cần thiết. Phối hợp nhuần nhuyễn giữa các lực lượng của địa phương thành phố Đà Nẵng và các cơ quan có liên quan” - Thủ tướng lưu ý.
Báo cáo tại cuộc họp, quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, hiện chưa có đủ bằng chứng là 4 ca nhiễm vừa công bố ở Đà Nẵng có cùng nguồn lây, có thể dịch đến từ nhiều nguồn và khởi phát của ổ dịch bắt đầu từ cộng đồng.
“Chủng virus ở bệnh nhân Đà Nẵng là chủng mới so với các chủng đã tồn tại ở Việt Nam, là chủng xâm nhập từ bên ngoài” - ông Nguyễn Thanh Long cho rằng, dịch có thể bắt đầu từ đầu tháng 7 và cho đến nay, Đà Nẵng đã trải qua 4 chu kỳ lây nhiễm và có thể còn nhiều trường hợp lây nhiễm nữa.
Ông Long nhận định, dịch khả năng diễn biến phức tạp, có thể lan ra các địa phương khác. Hiện Bộ Y tế đã cử 4 đội cán bộ tinh nhuệ nhất vào Đà Nẵng để hỗ trợ phòng chống dịch.
Tính đến sáng 27/7, Việt Nam không ghi nhận ca mắc COVID-19 mới. Tổng số ca mắc đến thời điểm này là 420 ca, trong đó đã điều trị khỏi 365 ca.
Theo Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch, hai bệnh nhân mắc COVID-19 ở Đà Nẵng đang được tiên lượng rất nặng. Bệnh nhân 416 đang được can thiệp ECMO, còn bệnh nhân 418 sốt nhẹ, thở máy, bác sĩ đánh giá bệnh nhân sẽ còn tiếp tục thở máy và lọc máu liên tục trong thời gian dài. Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) tính đến nay là 11.954 người, trong đó có 232 người cách ly tập trung tại bệnh viện; 10.922 người cách ly tập trung tại cơ sở khác và 800 trường hợp cách ly tại nhà, nơi lưu trú.
>>> Mời độc giả xem thêm video Ca mắc Covid-19 (BN416) ở Đà Nẵng có dấu hiệu giống bệnh nhân 91
Hải Ninh