“Ngập lụt đô thị là vấn đề toàn dân Đà Nẵng quan tâm, lãnh đạo TP và các chuyên gia rất trăn trở. Đà Nẵng từng được đánh giá là có khả năng thoát nước đứng đầu cả nước, tuy nhiên quá bất ngờ vì biến đổi khí hậu, mưa lớn cực đoan. Đương nhiên cũng có nhiều nguyên nhân chủ quan cần được nhìn nhận rõ để tìm giải pháp tối ưu”.
Ông Nguyễn Thành Tiến, Trưởng ban Đô thị - HĐND TP Đà Nẵng, nói như trên tại hội thảo nhận diện các nguyên nhân gây ngập úng và đề xuất giải pháp thoát nước đô thị trên địa bàn Đà Nẵng diễn ra ngày 2-11.
Tìm đường cho nước chảy
TS Tô Thúy Nga, khoa Xây dựng công trình thủy Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng, cho hay Đà Nẵng có lợi thế trong việc thoát nước hơn Hà Nội và TP.HCM vì có thể thoát nước ra sông, biển. Tuy nhiên với cường độ mưa hiện nay, chắc chắn khả năng thoát nước của hệ thống cống rãnh tại Đà Nẵng không đáp ứng nổi, việc ngập là đương nhiên.
Ông Phạm Văn Chiến, Phó Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn khu vực Trung Trung Bộ, cho hay các đợt mưa đặc biệt lớn đang gia tăng tại Đà Nẵng, nhất là lượng mưa/giờ. Lũ lịch sử năm 1999, lượng mưa/giờ tại Đà Nẵng lớn nhất chỉ 55 mm, năm 2022 tăng đột biến 150 mm. Dự báo đến giữa thế kỷ 21, lượng mưa/năm tăng 14%, mưa đặc biệt lớn tăng 10%-20%.
“Bố trí bao nhiêu máy bơm cũng chưa chắc phù hợp. Vấn đề là phải tìm đường cho nước chảy. Các hệ thống cống chính phải đủ năng lực thoát nước ra cửa sông, biển. Nếu mực nước phía sau thấp hơn trong cống thì nước chảy tự do không vấn đề gì, còn ngược lại thì phải dùng hệ thống bơm” - bà Nga cho hay.
Theo ông Nguyễn Văn Chung, nguyên Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Đà Nẵng, lượng mưa thời gian qua tại Đà Nẵng là lịch sử và khó có đô thị nào chịu nổi. Thế nhưng ngập lụt đô thị tại Đà Nẵng chưa đến mức trầm trọng, thời gian không kéo dài.
Tuy vậy, hệ thống thoát nước của Đà Nẵng rất chắp vá. Có những mương, cống thoát nước xây dựng từ thời Pháp, Mỹ. Hệ thống cống trong khu vực lõi trung tâm TP hầu như chưa được làm lại. Một số công trình xây dựng mới xử lý chưa phù hợp, triệt để việc thoát nước ngầm.
Nói thêm về nguyên nhân chủ quan, ông Chung cho hay mặt phủ của Đà Nẵng bị bê tông hóa với mật độ quá cao. Diện tích mặt phủ thấm nước quá ít, các khu vực chứa nước quá nhỏ bé. Trong tiến trình đô thị hóa, Đà Nẵng đã lấp, thu hẹp nhiều hồ. Cửa sông Phú Lộc là kênh huyết mạch thoát nước thường xuyên bị bồi lấp, Đà Nẵng đã có dự án khắc phục nhưng chưa triệt để.
Ông Chung khẳng định hầu như tất cả hồ điều tiết ở trung tâm Đà Nẵng đều không có tác dụng thoát lũ, ngoại trừ hồ Công viên 29-3. Ngoài ra, công tác duy tu, bảo dưỡng hệ thống cống rãnh còn quá thủ công, công nghệ quản lý hệ thống ngầm lạc hậu.
|
Ngập lụt tại Đà Nẵng đợt tháng 10 vừa qua khiến hàng ngàn người dân phải sơ tán. Ảnh: TẤN VIỆT |
Giải pháp nào?
Theo ông Chung, Đà Nẵng cần bố trí thêm kinh phí hằng năm cho công tác duy tu bảo dưỡng, nạo vét hệ thống thoát nước. Đồng thời cần khôi phục, nạo vét các hồ điều tiết ở sân bay vì nơi đây đóng vai trò rất quan trọng trong việc tiêu thoát nước sân bay.
TS Lê Hùng, khoa Xây dựng công trình thủy Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng, cho hay nhiều tuyến đường giao thông tại Đà Nẵng (như đường cao tốc, đường vành đai) được xây dựng chắn ngang hướng dòng chảy như những con đê làm phân bố lũ ở lưu vực thay đổi. Hay như sông Phú Lộc nhỏ hẹp nhưng chịu áp lực tải nước trên tổng lưu vực 36 km2.
|
Chuyên gia cho rằng tìm đường cho nước chảy là một trong những giải pháp chống ngập cho Đà Nẵng. Ảnh: TẤN VIỆT |
Do đó, ông Hùng cho rằng Đà Nẵng cần phân chia lại lưu vực sông Phú Lộc ra thêm một cửa biển. Làm như vậy, nước từ cầu Đa Cô sẽ thoát ra được. Đồng thời cần tăng thêm cống thoát nước ra biển trên hai đường Phùng Hưng, Hồ Quý Ly và nghiên cứu thêm một số vị trí khác.
Ông Phạm Quốc Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn xây dựng và thương mại Long Minh, cho hay các hồ điều tiết lớn từ trung tâm Đà Nẵng đến quận Liên Chiểu đang không thực hiện được chức năng thoát lũ. Hiện phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu) dù là “rốn ngập” nhưng không có hồ điều tiết nào. Việc chuyển nước từ hồ này sang hồ kia bị tắc nghẽn tại một số vị trí. Quá trình tải nước từ nội thị ra biển qua các hồ điều tiết và hệ thống kênh rất xa, ngoằn ngoèo nên khả năng thoát nước hạn chế.
Ông Tuấn đề xuất dùng bơm hút cạn nước tại bảy hồ điều tiết ở trung tâm Đà Nẵng và quận Liên Chiểu trước, trong khi mưa lớn. Tổng diện tích bảy hồ này khoảng 34,3 ha, chứa hơn 1,3 triệu m3 nước. Nếu bơm hút sẽ mất không quá 10 tiếng đồng hồ để hút cạn được tất cả nước trong bảy hồ. Làm như vậy sẽ tạo được một khoảng thu nước đủ lớn để tích nước chống ngập cho Đà Nẵng khi mưa lớn.
Theo Tấn Việt/PLO