Ngày 16/8, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Trưởng Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng (Ban Chỉ đạo) - đã chủ trì phiên họp thứ 14 của ban.
Nghiêm minh nhưng nhân văn
Phát biểu tại phiên họp, Tổng Bí thư nêu rõ sau 5 năm thành lập, Ban Chỉ đạo đã đưa một số vụ án, vụ việc tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp vào chỉ đạo để xử lý nghiêm minh, với nguyên tắc không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai.
Kết quả, trong tổng số 68 vụ án, 57 vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, đến nay đã kết thúc điều tra, truy tố và đưa ra xét xử sơ thẩm 40 vụ án/500 bị cáo với các mức án nghiêm khắc, đúng quy định của pháp luật, rất nghiêm minh nhưng cũng rất nhân văn; trong đó có nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.
Từ năm 2013 đến nay, cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp đã kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật hơn 4.300 cán bộ, đảng viên do tham nhũng, cố ý làm trái; kiến nghị thu hồi, xử lý hơn 400.000 tỉ đồng và 18.525 ha đất, chuyển 515 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự sang cơ quan điều tra. Nổi bật là Ủy ban Kiểm tra trung ương đã làm rõ, kỷ luật và đề nghị kỷ luật nhiều tổ chức Đảng và đảng viên là cán bộ cao cấp có vi phạm, cả đương chức và đã nghỉ hưu. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay đã kỷ luật 56 cán bộ diện trung ương quản lý.
Ban Chỉ đạo thống nhất kết thúc chỉ đạo xử lý đối với 7 vụ án, 5 vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; 2 vụ án thuộc diện Ban Nội chính trung ương theo dõi, đôn đốc; 30 vụ án, 23 vụ việc thuộc diện tỉnh ủy, thành ủy chỉ đạo xử lý đã kết thúc việc giải quyết theo đúng quy định của pháp luật; đồng thời, bổ sung 1 vụ việc vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.
|
Các đại biểu tham gia thảo luận tại phiên họp. Ảnh: TTXVN |
Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ
Trong 7 tháng đầu năm, Ban Chỉ đạo đã nghiêm túc triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo chương trình công tác; hầu hết các công việc được thực hiện theo kế hoạch, có việc vượt yêu cầu đề ra.
Trong đó, Ban Chỉ đạo đã tập trung chỉ đạo tăng cường kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật 235 đảng viên vi phạm về tham nhũng, cố ý làm trái; 30 đảng viên vi phạm về kê khai tài sản, thu nhập, trong đó có 1 tổ chức Đảng và 14 đảng viên diện trung ương quản lý; khẩn trương kết luận thanh tra và kiến nghị xử lý nghiêm sai phạm đối với 5 dự án gây thất thoát, thua lỗ kéo dài, dư luận xã hội quan tâm theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo.
Tập trung chỉ đạo các cơ quan tố tụng đẩy nhanh tiến độ, kết luận điều tra 11 vụ/170 bị can; ban hành cáo trạng truy tố 11 vụ/112 bị can; đưa ra xét xử sơ thẩm 16 vụ/163 bị cáo; xét xử phúc thẩm 9 vụ/76 bị cáo. Đặc biệt, đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đưa ra xét xử kỷ luật nghiêm minh, kịp thời 5 vụ án tham nhũng, kinh tế rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, dư luận xã hội hết sức quan tâm.
Kế hoạch của Ban Chỉ đạo trong nửa cuối năm 2018 là chỉ đạo khẩn trương hoàn thành kết luận thanh tra việc cổ phần hóa cảng Quy Nhơn, dự án mở rộng Nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn II, dự án mở rộng Nhà máy Đạm Hà Bắc và các vụ việc theo yêu cầu của Thường trực Ban Chỉ đạo. Hoàn thành việc rà soát các kết luận thanh tra, kiểm toán một số dự án gây thất thoát, thua lỗ kéo dài, dư luận xã hội quan tâm…
Thu hồi tài sản đạt kết quả cao
Theo Tổng Bí thư, kết quả kê biên, thu hồi tài sản, khắc phục hậu quả trong các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế vừa qua đã đạt tỉ lệ cao. Chẳng hạn, vụ MobiFone mua 95% cổ phần của AVG đã khắc phục số tiền trên 8.500 tỉ đồng; vụ án đánh bạc và tổ chức đánh bạc xảy ra ở Phú Thọ và một số địa phương bước đầu đã kê biên, thu giữ số tiền, tài sản trị giá hơn 1.400 tỉ đồng…
Theo Bảo Trân/Người Lao Động