Cựu thư ký TAND cấp cao TP.HCM nhận tiền chạy án: Điều 355 Luật Hình sự quy án gì?

Google News

(Kiến Thức) - Với số tiền chiếm đoạt của nạn nhân trên 900 triệu đồng, Huỳnh Tấn Đạt sẽ phải đối mặt với mức hình phạt là phạt tù từ 13 năm đến 20 năm theo quy định tại khoản 3, Điều 355 Bộ luật hình sự năm 2015.

Mới đây, Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam 4 tháng ông Huỳnh Tấn Đạt (38 tuổi, nguyên thư ký Tòa án nhân dân cấp cao tại TP Hồ Chí Minh) về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” theo Điều 355 Bộ luật Hình sự 2015.
Huỳnh Tấn Đạt làm công tác văn phòng tại TAND cấp cao tại TP.HCM và có nhiệm vụ thụ lý đơn. Khi tiếp nhận đơn, ông Đạt thấy có số điện thoại của các đương sự nên chủ động liên hệ, hứa giúp và yêu cầu họ đưa tiền. Trong đó, Đạt thực hiện 2 vụ hứa "chạy án", nhận 931 triệu đồng.
Tuy nhiên, khi xét xử phúc thẩm TAND cấp cao tại TP.HCM đều không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo, đương sự trong các vụ được Đạt hứa giúp. Việc không thành, người này đòi tiền nhưng Đạt không trả. Sau đó, Đạt bị tố cáo.
Cuu thu ky TAND cap cao TP.HCM nhan tien chay an: Dieu 355 Luat Hinh su quy an gi?
 Ảnh minh họa.
Đối mặt mức án phạt tù từ 13 năm đến 20 năm
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, trong bối cảnh cải cách tư pháp nhưng hiện nay, những hành vi nhận tiền chạy án như Huỳnh Tấn Đạt sẽ bị xử lý nghiêm minh trước pháp luật.
Theo luật sư Cường, Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao sẽ tiếp tục làm rõ nguyên nhân, động cơ, làm rõ hành vi, thủ đoạn của đối tượng trong vụ án này để có kết luận về vụ việc. Không loại trừ trường hợp đối tượng còn có hành vi phạm tội khác hoặc còn có đồng phạm khác.
Phân tích từ thực tiễn, luật sư Cường cho rằng, cho thấy việc thụ lý vụ án, vụ việc liên quan đến kiện tụng còn nhiều rắc rối về thủ tục, phiền hà khiến nhiều đối tượng lợi dụng để trục lợi. Bên cạnh đó lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân nên một số đối tượng cũng lợi dụng chức vụ quyền hạn để chiếm đoạt tài sản, gây giảm sút lòng tin của nhân dân với chính quyền, với các cơ quan bảo vệ pháp luật.
Bởi vậy, thời gian gần đây liên tục những vụ việc cán bộ của các cơ quan tư pháp bị xử lý hình sự liên quan đến các sai phạm, tội phạm về chức vụ được báo chí phản ánh.
Trong vụ án này, cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao khởi tố đối tượng này về tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 355 Bộ luật hình sự năm 2015.
Với số tiền chiếm đoạt của nạn nhân 931.000.000 đồng, Huỳnh Tấn Đạt sẽ phải đối mặt với mức hình phạt là phạt tù từ 13 năm đến 20 năm theo quy định tại khoản 3, Điều 355 Bộ luật hình sự năm 2015.
Luật sư Cường cho rằng, trong vụ án này, đối tượng không có chức vụ quyền hạn có thể quyết định được mức hình phạt cho các bị cáo, không có khả năng giảm hình phạt cho bị cáo nhưng đã đưa ra những thông tin gian dối để chiếm đoạt tài sản của nạn nhân. Do đó, hành vi này còn có dấu hiệu tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại điều 174 Bộ luật hình sự năm 2015.
Trong trường hợp bị xử lý về tội danh này, hình phạt sẽ nghiêm khắc hơn hình phạt quy định tại điều 355 BLHS nêu trên, trường hợp số tiền gần 1.000.000.000 đồng, đối tượng này sẽ phải đối mặt với hình phạt là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Bởi vậy, trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra sẽ làm rõ hành vi của đối tượng này là lạm dụng chức vụ quyền hạn, sử dụng chức vụ quyền hạn của mình một cách vượt quá mức độ pháp luật cho phép để chiếm đoạt tài sản hay là hành vi gian dối để chiếm đoạt tài sản.
Vấn đề này rất quan trọng liên quan đến việc quyết định tội danh và mức hình phạt đối với người phạm tội. Bởi theo quy định của pháp luật, thư ký tòa án chỉ có thể tiếp nhận phân loại đơn còn việc có thụ lý hay không, giải quyết vụ án thì phải do thẩm phán quyết định.
Cuu thu ky TAND cap cao TP.HCM nhan tien chay an: Dieu 355 Luat Hinh su quy an gi?-Hinh-2
 Luật sư Đặng Văn Cường.
Liệu có đồng phạm?
Luật sư Cường cho rằng, thông thường, thư ký tòa sẽ người giúp việc cho thẩm phán và bộ phận tiếp nhận đơn thư, phân loại đơn thư sẽ không chỉ có một người nên cơ quan điều tra sẽ làm rõ hành vi, trách nhiệm của những người có liên quan xem vụ án này có đồng phạm hay không.
Đồng thời, làm rõ số tiền mà đối tượng chiếm đoạt của nạn nhân đã sử dụng vào việc gì, có chia cho ai hay không để xác định trách nhiệm pháp lý của các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Số tiền mà đối tượng chiếm đoạt được của các nạn nhân sẽ phải trả lại cho các nạn nhân theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ trách nhiệm trong công tác quản lý cán bộ của đơn vị này, để xảy ra trường hợp cán bộ dưới quyền sai phạm, vi phạm pháp luật thì không thể không xem xét trách nhiệm của người đứng đầu, trách nhiệm của cán bộ quản lý trực tiếp.
Vấn đề này không chỉ là vi phạm pháp luật của cá nhân mà còn liên quan đến công tác quản lý cán bộ, liên quan đến việc giáo dục, đạo đức, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức nhà nước.
“Sau vụ việc 7 cán bộ công an của một phường bị bắt và thỉnh thoảng lại có những vụ án cán bộ Toà án bị xử lý, vụ án này là thêm một nỗi đau cho ngành tư pháp, làm giảm sút uy tín, niềm tin của người dân trước các cơ quan bảo vệ pháp luật.
Tuy nhiên, trước công cuộc cải cách tư pháp, mục tiêu làm trong sạch bộ máy nhà nước, việc phát hiện, xử lý những trường hợp này là cần thiết để đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật, xây dựng và cũng cố niềm tin của người dân vào công lý” - luật sư Cường nêu ý kiến.

Điều 355. Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản

1. Người nào lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 06 năm:

a) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 năm đến 13 năm:

a) Có tổ chức;

b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;

c) Phạm tội 02 lần trở lên;

d) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

đ) Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đồng359 đến dưới 3.000.000.000 đồng;

e) Chiếm đoạt tiền, tài sản dùng vào mục đích xóa đói, giảm nghèo; tiền, phụ cấp, trợ cấp, ưu đãi đối với người có công với cách mạng; các loại quỹ dự phòng hoặc các loại tiền, tài sản trợ cấp, quyên góp cho những vùng bị thiên tai, dịch bệnh hoặc các vùng kinh tế đặc biệt khó khăn.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 13 năm đến 20 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

b) Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng;

c) Dẫn đến doanh nghiệp hoặc tổ chức khác bị phá sản hoặc ngừng hoạt động;

d) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;

b) Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.

5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.”

>>> Mời độc giả xem thêm video Bắt thêm thành viên Đoàn Thanh tra nhận hối lộ

Nguồn: VTV TSTC

Hải Ninh