Suốt thời gian qua xảy ra nhiều vụ sàm sỡ phụ nữ và bé gái gây phẫn nộ trong dư luận như vụ nữ sinh bị sàm sỡ trong thang máy tại Hà Nội, bé gái bị nguyên Phó Viện trưởng VKSND TP Đà Nẵng- Nguyễn Hữu Linh sàm sỡ trong thang máy tại TP HCM... Những vụ việc trên đã làm dấy lên tâm lý bất an, lo ngại sự mất an toàn ở những nơi công cộng.
Mới đây, một lần nữa dư luận lại bất ngờ khi trên khắp các mặt báo và mạng xã hội xuất hiện thông tin một nữ hành khách tố bị một nam hành khách quấy rối, sàm sỡ tại thời điểm chuyến bay VN253 của hãng Vietnam Airlines đang đón khách vào chiều 26/7.
Theo lời nữ hành khách này, thời điểm vừa ngồi xuống ghế, đợi máy bay cất cánh, một nam hành khách đã sờ vào vai cô và lần dần xuống phía sườn khiến cô quá hốt hoảng. Ngay khi đó, tiếp viên trưởng chuyến bay có mặt và trấn an cô gái. Nhận thấy vị hành khách có hành vi trên có biểu hiện say rượu, tiếp viên trưởng đã hỏi lại nam hành khách có phải đang say rượu không và người này thừa nhận. Ngay lập tức, tiếp viên trưởng đã báo cáo cơ trưởng quyết định từ chối vận chuyển nam hành khách có biểu hiện say rượu bia.
|
Hình ảnh nam hành khách say xỉn và có hành vi không đúng mực với khách nữ.
|
Liên quan sự việc trên, dư luận đang quan tâm và băn khoăn 2 vấn đề. Thứ nhất, việc nam hành khách có biểu hiện say xỉn vì sao vẫn được lên máy bay? và việc nam hành khách có hành vi quấy rối, sàm sỡ như lời nữ hành khách tố hay không?
Về việc nam hành khách say xỉn vẫn được lên máy bay, dư luận thắc mắc là bởi trước đó, thông tư số 13/2019 của Bộ GTVT có hiệu lực từ ngày 1/6/2019 quy định rõ tại điều 58, trường hợp khách bị mất khả năng làm chủ hành vi do sử dụng rượu, bia hoặc các chất kích thích sẽ không được chấp nhận chuyên chở.
Xét theo quy định trên, lẽ ra nếu được thực hiện nghiêm túc, lực lượng kiểm soát dưới mặt đất sẽ phát hiện ngay khi hành khách làm thủ tục check - in cho đến kiểm soát an ninh, ra cửa lên máy bay và lúc đã lên máy bay. Bởi các bộ phận nếu phát hiện khách có biểu hiện mất khả năng làm chủ hành vi do sử dụng rượu bia thì đều có thể thông báo đến người có thẩm quyền ra quyết định từ chối phục vụ.
Có một thực tế, không chỉ nam hành khách này có biểu hiện say xỉn khi đã lên máy bay mà thực tế hàng ngày không ít hành khách say rượu bia vẫn thản nhiên được lên máy bay. Một hành khách nhiều lần lên các chuyến bay tâm sự, nhiều khi trước khi lên máy bay do công việc có làm vài cốc bia nhưng vẫn qua các cửa kiểm soát bởi an ninh sân bay không bắt khách phải thổi nồng độ cồn nên khó có thể phát hiện hành khách say hay giống say bằng cảm quan.
Thực tế, thông tư của Bộ GTVT quy định như vậy nhưng hiện nay, luật pháp không quy định kiểm soát nồng độ cồn với hành khách đi máy bay nên các hãng hàng không, an ninh hàng không không có quyền kiểm tra nồng độ cồn với khách dẫn đến việc hành khách say vẫn có thể bay. Trường hợp hành khách có hành vi mất kiểm soát, gây rối trên chuyến bay thì người có thẩm quyền khi đó mới quyết định từ chối phục vụ. Qua vụ việc trên cho thấy, cần bổ sung thêm các quy định để kiểm soát tốt người say xỉn khi lên máy bay.
Trong vụ việc trên điều dư luận đặc biệt quan tâm là có hay không việc nam hành khách quấy rối, sàm sỡ như lời nữ hành khách tố tại thời điểm chuyến bay VN253 của hãng Vietnam Airlines đang đón khách vào chiều 26/7. Thông tin từ cơ quan chức năng xác nhận, nam hành khách chính là ông Vũ Anh Cường, cựu sếp Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại Dịch vụ Đất Lành, đồng thời và là người đại diện pháp luật Công ty TNHH thế kỷ 21 Bình Trưng Tây (Việt Nam). Ông Vũ Anh Cường còn được xem như một đại gia trong lĩnh vực bất động sản tại TP HCM.
Trong khi nữ hành khách tố ông Cường quấy rối trên máy bay thì mới đây, khi trả lời báo chí, bản thân ông Cường cho rằng, đó chỉ là sự hiểu lầm và lý giải rằng, hôm đó, ông đi công tác ra Hà Nội do lên máy bay muộn giờ nên luống cuống bị vấp ngã tay có bám vào thành ghế nhưng vô tình bị trượt tay vào người một nữ hành khách.
“Có thể, nữ hành khách giật mình nên mới hiểu lầm. Hôm đó, tôi có uống 1 chén rượu, có thể, ngành hàng không đang triển khai chương trình chống uống rượu bia nên mọi việc mới như vậy. Nữ hành khách là một người trung tuổi đi cùng với 1 người đàn ông ngồi chung hàng ghế chứ không phải cô gái trẻ. Tôi gửi lời xin lỗi tới nữ hành khách trên và hãng hàng không vì những gì đã xảy ra”, ông Cường nói.
Trong khi người tố thì khẳng định bị ông Cường quấy rối và người bị tố cáo lại phủ nhận cho rằng “chỉ do bị ngã” khiến dư luận cho rằng, các cơ quan chức năng cần tích cực vào cuộc điều tra làm rõ hành vi trên.
Nếu ông Vũ Anh Cường có hành vi quấy rối, sàm sỡ như lời nữ hành khách nói thì phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Bởi nếu đại gia bất động sản có hành vi quấy rối không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật mà còn làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm của một người phụ nữ trước mặt nhiều người khác. Đồng thời, gây tâm lý bất an cho dư luận, làm ảnh hưởng đến hoạt động hàng không. Không chỉ vậy, với hành vi quấy rối phụ nữ, ông Cường như “con sâu làm rầu nồi canh” sẽ làm xấu đi hình ảnh của những doanh nhân chân chính, cần bị lên án.
Hiện cơ quan chức năng đang vào cuộc xác minh, như lời đại diện Cảng vụ hàng không miền Bắc cho biết đang làm rõ vụ khách thương gia sàm sỡ cô gái trẻ trên máy bay. Trường hợp xác định có dấu hiệu vi phạm hình sự, sẽ chuyển vụ việc cho cơ quan công an để điều tra. Dù biết rằng, việc điều tra hành vi quấy rối như trên không phải là việc dễ dang khi vẫn còn khoảng trống pháp lý.
Trường hợp cơ quan công an vào cuộc, muốn truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải có đủ căn cứ dựa trên kết quả điều tra, xác minh. Ngay cả việc đại diện Cảng vụ Hàng không miền Bắc dẫn quy định tại Khoản 5 Điều 26 Nghị định 162/2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng, khách "có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhân viên hàng không, hành khách trên tàu bay mà chưa đến mức độ phải truy cứu trách nhiệm hình sự" sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 7 - 10 triệu đồng thì cũng cần phải xem xét nhiều yếu tố. Bởi xử phạt hành chính một công dân cũng không thể dựa trên cảm xúc, mà phải dựa trên chứng cứ và quy định của pháp luật. Mỗi hành vi đều ứng với từng mức phạt cụ thể, không vượt quy định được.
Thậm chí khi chưa đến mức xử lý hình sự, hành vi quấy rối chỉ bị xử phạt hành chính theo quy định hiện hành của pháp luật với mức phạt 200 nghìn đồng như vụ sàm sỡ trong thang máy ở Hà Nội, nếu có đủ yếu tố xử phạt hành chính theo quy định của lĩnh vực hàng không thì cao nhất cũng từ 7 đến 10 triệu đồng.
Tuy nhiên, cơ quan chức năng kết luận, đại gia bất động sản trên có hành vi quấy rối thì ngoài những mức phạt theo quy định của pháp luật, ông Vũ Anh Cường sẽ phải chịu sự lên án mạnh mẽ từ dư luận như cựu phó Viện kiểm sát nhân dân TP Đà Nẵng Nguyễn Hữu Linh đã phải trải qua do những hành vi của mình gây ra. Sự lên án của dư luận có lẽ là mức phạt cao nhất với hành vi của những kẻ “biến thái” sàm sỡ phụ nữ.
Trong trường hợp ông Vũ Anh Cường không cố ý quấy rối như lời đại gia bất động sản này nói thì cũng phải điều tra kết luận để trả lại sự trong sạch cho ông Cường.
Một chi tiết khác trong vụ việc trên cũng khiến dư luận quan tâm khi vi khách nữ cho biết, nam hành khách còn dọa tiếp viên hàng không về việc ông ta có quan hệ với người có chức sắc. Một doanh nhân như ông Vũ Anh Cường nếu có hành vi lời nói dọa nạt về quan hệ như lời nữ hành khách nói thì cũng đáng bị lên án. Dư luận cho rằng, cơ quan chức năng cũng cần làm rõ việc này bởi một doanh nhân chỉ vì bị từ chối phục vụ trên máy bay đã mang mối quan hệ với quan chức ra dọa nạt thì trong công việc của doanh nhân này liệu có sự nâng đỡ của các quan chức mà ông ám chỉ đến không. Bởi theo quy định của pháp luật, bất kỳ ai vi phạm đều sẽ bị xử lý, không có vùng cấm, dù người vi phạm là bất cứ ai.
Thiên Nga