Không có mục đích vụ lợi, chỉ muốn có được câu hỏi tốt
Chiều 14/7, TAND TP Hà Nội tuyên án vụ làm lộ đề thi môn Sinh học trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 đối với hai bị cáo Bùi Văn Sâm và Phạm Thị My.
Theo đó, ông Bùi Văn Sâm, 74 tuổi, bị phạt một năm cải tạo không giam giữ; bà My, 60 tuổi án 13 tháng 4 ngày (bằng thời gian bị tạm giữ) về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Cả hai bị cáo là cựu giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội.
|
Bị cáo Bùi Văn Sâm và Phạm Thị My tại Tòa. |
Trước đó, trả lời thẩm vấn, ông Bùi Văn Sâm cho biết, sau khi nghỉ hưu nhiều năm, ông được Bộ Giáo dục và Đào tạo tín nhiệm và động viên tham gia công tác ra đề thi.
Năm 2021, công tác ra đề được bộ chia làm 5 đợt, mỗi đợt khoảng một tuần, tổ ra đề có khoảng 10 thầy cô khắp cả nước. Các thành viên xa thì ở khách sạn, còn thành viên ở gần thì sáng đi chiều về. Tất cả tổ ra đề đều được phổ biến và ký cam kết về việc bảo mật trong công tác xây dựng ngân hàng câu hỏi và ra đề thi.
Tuy nhiên, ông vẫn được bà My 3 lần đưa cho các quyển câu hỏi lấy ra từ khu vực quy định, trong đó có các bảng thống kê số lượng câu hỏi mới được biên soạn. Sau đó, ông Sâm trực tiếp chỉnh sửa, đưa lại cho bà My để đánh máy, in ra thành bản cứng tại nhà riêng.
|
Quang cảnh phiên xét xử. |
“Tôi không có mục đích vụ lợi gì trong việc làm này, chỉ muốn có câu hỏi tốt, được các thầy cô giáo đánh giá chất lượng câu hỏi tốt”, ông Sâm trả lời Tòa và cho biết không hiểu gì về quy luật chọn rút câu hỏi ngẫu nhiên của phần mềm quản lý do Bộ GD&ĐT quản lý, nên nhờ bà My lưu các câu hỏi vào máy tính..
Trước câu hỏi của Tòa, ông Sâm thừa nhận có sử dụng nội dung trong ngân hàng câu hỏi cho 4 học sinh, đến nhà ôn tập. Ông cũng đưa các cháu mượn photocopy lại tài liệu câu hỏi ông và bà My soạn thảo.
Tuy nhiên, ông Bùi Văn Sâm khẳng định, chỉ “giúp các cháu tận tâm”, và lý giải không có điều luật nào cấm dạy cho con cháu mình.
Trước trả lời của ông Sâm, Chủ tọa đã chỉ ra, ngân hàng đề thi là sản phẩm trí tuệ, và quyền sở hữu thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo. Điều này đã được quy định trong Luật Sở hữu trí tuệ. Chính bị cáo cũng khai từ đầu, là được phổ biến và ký cam kết bảo mật trong quá trình xây dựng câu hỏi, bị cáo phải nhận thức rõ điều đó.
Trả lời câu hỏi của Tòa về nhận thức ra sao về hành vi của mình, ông Bùi Văn Sâm bày tỏ sự ân hận. “Tôi làm gì khai nấy, trong suốt 20 năm công tác tôi chưa vi phạm một lỗi lầm nào. Việc xảy ra là bài học xương máu, tôi rất đau khổ, ân hận. Một người giáo viên bao nhiêu năm cống hiến, được thầy cô giáo học sinh tin yêu, tôi xấu hổ lắm”, bị cáo nghẹn ngào và được Viện Kiểm sát động viên bình tĩnh.
Do nhận thức đơn giản, tâm lý nóng vội, vô tình mà vi phạm quy định
Trong phần khai báo, bị cáo Phạm Thị My cho rằng, lời khai của bị cáo Sâm là đúng, tuy nhiên, lời khai này và cả trong phần cáo buộc có phần chưa chính xác.
Bị cáo Phạm Thị My khẳng định, tất cả câu hỏi trong 3 tập tài liệu mà bị cáo chuyển cho bị cáo Sâm hoàn toàn là do bị cáo và bị cáo Sâm thiết kế ở nhà, không có bất cứ một câu hỏi nào được mang từ nơi làm việc về chỉnh sửa.
|
Đại diện Viện Kiểm sát trình bày cáo trạng. |
“Bởi bị cáo là người đi hướng dẫn mọi người làm câu hỏi. Bị cáo không cần phải mang câu hỏi của ai về để chỉnh sửa”, bị cáo My lý giải.
Bà My khẳng định tài liệu mang ra khỏi khu vực xây dựng đề thi không phải là câu hỏi, mà chỉ là “ý tưởng" về câu hỏi khi phát hiện những vấn đề hay. Chẳng hạn, như ở bài số mấy, trang nào, sách lớp 11 hay 12… Do bị bị cáo Sâm giao nhiều việc, không có thời gian thiết kế câu hỏi, nên bà phải mang về nhà, và chỉ hiểu đơn giản, ý tưởng của mình thì mang về nhà được.
Khi về nhà, bà đã sử dụng máy tính của chồng, nhưng làm trên USB, hiện tại, chiếc USB này đã bị hủy để bảo mật thông tin.
Khi Tòa hỏi lý do vì sao lại hủy USB để “bảo mật thông tin”, bà My trả lời, do đi làm đề lâu năm (từ năm 2006) nên đã biết rằng, nếu phát tán câu hỏi đề xuất trong ngân hàng đề thi thì phải chịu trách nhiệm.
“Bị cáo có nghĩ tài liệu chứa trong đó là nguồn đề thi?”, trả lời câu hỏi này, bị cáo My cho hay, ai đi làm câu hỏi thì cũng mong câu hỏi của mình được lựa chọn, đó là niềm tự hào. Khi bị cáo đề xuất câu hỏi thì mong muốn được lựa chọn, cho nên phải bảo mật và tiêu hủy.
Bà My phủ nhận việc biết quy luật lựa chọn đề thi của máy chủ. Lý do là vì, năm 2021 bà mới biết đến chiếc máy đó. Các năm trước, việc sắp xếp bản cứng câu hỏi, bà thực hiện thủ công, và cũng do từng thành viên trong tổ ra đề thi tự xếp vào 40 ô ngẫu nhiên, bà không có quyền can thiệp.
Bà My cũng cương quyết phủ nhận cáo buộc mang câu hỏi trong đề thi do mình xây dựng để dạy cho 4 học sinh. Từ lúc nghỉ hưu, bà luôn tuyên bố rõ không dạy thêm hay ôn cho ai, mà chỉ tư vấn phương pháp ôn thi, đánh giá mức độ giải bài tập, hiểu lý thuyết của các cháu thế nào.
Những kiến thức trong các buổi “tư vấn" này cũng chỉ là kiến thức sách giáo khoa và những câu hỏi bà soạn trong sách khi còn đi dạy. Do kiến thức sẵn có trong sách, nên việc trùng nội dung không thể tránh khỏi.
Trả lời xét hỏi nhận thức thế nào về hành vi, bị cáo Phạm Thị My cho hay, hành vi của bị cáo và ông Sâm có xuất phát từ nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trong đó, nguyên nhân chủ quan là mong muốn được đóng góp sức mình cho sự nghiệp chung, để đề thi ngày càng đáp ứng tốt hơn cho mục tiêu của Kỳ thi. Trải qua quá trình lao động miệt mài, công phu, kết quả phần nào đã đưa lại kết quả như mong đợi, đó là đồ thị phân bố phổ điểm môn Sinh.
“Nhưng do nhận thức đơn giản, tâm lý nóng vội muốn đóng góp sức mình vô tình vi phạm quy định của Bộ GD&ĐT”, bị cáo Phạm Thị My phân trần.
Theo HĐXX, dù vô tình hay hữu ý, với trách nhiệm tổ phó xây dựng ngân hàng câu hỏi thi, với những câu hỏi đã đưa vào đề, bà My không được phép mang giảng dạy.
Đánh giá thái độ của bà My còn quanh co, chưa thành khẩn, VKS đề nghị mức án 15-18 tháng tù. Còn ông Sâm do có sự thành khẩn, lại tuổi cao, nên để nghị một năm cải tạo không giam giữ.
Trả lời câu hỏi có quen biết ông Phan Khắc Nghệ, bị cáo Phạm Thị My khẳng định cả tổ làm đề thi đều biết, không riêng gì bị cáo, vì từng đi làm đề cùng từ năm 2009. Tuy nhiên, bị cáo khẳng định, không có nhu cầu liên lạc với “bạn Nghệ”. Có điều một lần, vào khoảng tháng 3-4, bị cáo đi làm về thì thấy có vài cuộc gọi lỡ từ 2 số máy lạ. Bị cáo liên lạc thì biết đó là thầy Nghệ. Thầy Nghệ muốn xin địa chỉ đến nhà bị cáo chơi nhưng bị cáo từ chối. Bị cáo lưu 2 số máy của thầy Nghệ trong điện thoại, nhưng đồng thời chặn luôn cuộc gọi từ hai số này. “Thầy Nghệ chủ động liên hệ, tôi đã chặn”, bị cáo khẳng định. Sau đó, theo bà My, thầy Nghệ có gửi thư điện tử cho bà, nhưng bà cũng không đọc. Khi được gặng hỏi đánh giá thế nào về việc đề ôn tập của thầy Nghệ giống gần như trùng khít đề thi Sinh THPT Quốc gia, bà My cho rằng “là vấn đề nhạy cảm, lạ”. Tuy nhiên, vì cơ quan điều tra không thể xác minh nên bị cáo cũng không thể xác minh.
Mời quý độc giả xem video: "Cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế “chỉ muốn chết để thoát khỏi áp lực”. Nguồn: Kiến thức.
Mai Loan