Cựu Giám đốc Công an Đỗ Hữu Ca bị đề nghị 10-11 năm tù

Google News

Ông Đỗ Hữu Ca, cựu thiếu tướng, cựu Giám đốc Công an Hải Phòng, bị Viện Kiểm sát đề nghị 10-11 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Sáng 11/4, ngày thứ 2 HĐXX TAND tỉnh Quảng Ninh xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Đỗ Hữu Ca, cựu Giám đốc Công an Hải Phòng, cùng 12 bị cáo khác đã chuyển sang phần tranh tụng. Đại diện VKS đã công bố bản luận tội và đề nghị mức án với các bị cáo.
Ông Đỗ Hữu Ca bị đề nghị mức phạt cao nhất trong 12 bị cáo
Theo đó, ông Đỗ Hữu Ca, cựu thiếu tướng, cựu Giám đốc Công an Hải Phòng, bị VKS đề nghị 10-11 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
VKS nhận định ông Đỗ Hữu Ca đã thay đổi lời khai, thành khẩn nhận tội, nộp lại 35 tỷ nhận từ vợ chồng Trương Xuân Đước, có nhiều tình tiết giảm nhẹ nên đề nghị mức án trên.
Cuu Giam doc Cong an Do Huu Ca bi de nghi 10-11 nam tu
Bị cáo Đỗ Hữu Ca 
Trương Xuân Đước bị đề nghị 24-30 tháng tù về tội Mua bán trái phép hóa đơn chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước và 7 năm đến 7 năm 6 tháng về tội Đưa hối lộ.Tổng hợp hình phạt ông Đước bị đề nghị từ 9 – 10 năm tù.
Vợ Đước là Trương Thị Ngọc Anh bị đề nghị 18 đến 24 tháng tù với tội Mua bán trái phép hóa đơn chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước và 3 đến 4 năm tù với tội Đưa hối lộ, tổng hình phạt là 4 năm 6 tháng đến 6 năm tù.
Các bị cáo Nguyễn Đình Đương, cựu chi cục trưởng Chi cục thuế huyện Cát Hải, bị đề nghị 6 năm 6 tháng đến 7 năm 6 tháng tù và nhân viên dưới quyền Đỗ Thanh Hoài bị đề nghị 4 năm 6 tháng đến 5 năm 6 tháng tù, về tội Nhận hối lộ.
Đặng Khắc Thành bị đề nghị 18 đến 24 tháng tù và Hà Thị Bích Nhàn bị đề nghị 15 đến 18 tháng tù với tội Mua bán trái phép hóa đơn chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước. Các bị cáo Hà Thị Trang, Đỗ Thị Đua, Vũ Ngọc Tú, Chu Thị Thu Hiền, Nguyễn Hiền Tài và Ngô Văn Tuyên bị đề nghị phạt từ 350 triệu đồng đến 3 tỷ đồng với tội Trốn thuế.
VKS nhận định vụ án Trương Xuân Đước và đồng phạm là điển hình lợi ích nhóm, sự câu kết giữa doanh nghiệp và một số cán bộ nhà nước, gây thiệt hại tài sản nhà nước.
Ông Ca bất ngờ thay đổi lời khai, thành khẩn nhận tội
Ngay đầu phiên xét xử ngày 11/4, khi trả lời luật sư bào chữa về việc có suy nghĩ gì về những lời khai trước đó tại tòa ngày 10/4, bị cáo Đỗ Hữu Ca nói rằng, đêm qua về đã suy nghĩ rất nhiều về những câu hỏi của HĐXX và lời khai của các bị cáo khác.
Ông Ca thừa nhận nhận thức pháp luật của mình chưa đúng. "Tôi đã nghỉ hưu, tư duy pháp luật đã lỗi thời, tuổi thì già, tiếp cận kiến thức mới khó khăn", bị cáo Ca nói.
Sau khi nghe HĐXX giải thích, bị cáo Ca thừa nhận cáo trạng mô tả hành vi phạm tội của mình là đúng, phù hợp với kết luận điều tra.
"Bây giờ tôi đã nhận thức đầy đủ pháp luật, cảm ơn HĐXX, tôi nhận tội đúng như cáo trạng truy tố. Tôi thành khẩn khai báo, xin nhận được sự quan tâm, giảm nhẹ hình phạt để sớm trở về với gia đình", bị cáo Ca trình bày.
Trước đó, trong phiên xử chiều 10/4, vợ chồng bị cáo Trương Xuân Đước, Nguyễn Thị Ngọc Anh đều thừa nhận cáo trạng mô tả hành vi đưa hối lộ 35 tỷ đồng cho bị cáo Ca để nhờ chạy tội là đúng.
Trong khi đó, bị cáo Đỗ Hữu Ca thừa nhận Ngọc Anh 4 lần đến nhà đưa tiền, với số tiền 35 tỷ đồng nhưng khai không có ý thức chạy án cho Đước vì vợ Đước khi mang tiền đến cũng không nói rõ để nhờ “chạy án”.
“Quan điểm của bị cáo là cứu Đước nhưng phải theo đúng quy định, đã lấy tiền của Nhà nước là phải bồi hoàn thiệt hại để nhận được sự khoan hồng. Còn nếu Đước khai tiền chạy án 35 tỷ mà lại có khoản “tiêu cực phí” nữa là vô lý”, bị cáo Ca nói.
Theo lời khai của ông Ca ngày 10/4, vợ Đước chủ động đem tiền đến nhà bị cáo khóc lóc nhờ giúp lo cho chồng.
“Đem tiền đến để nhà tôi vội vội vàng vàng như chạy loạn, chỉ nói “anh cất tiền đi cho em". Tôi đã lầm tưởng là tiền gửi để khắc phục hậu quả mà không hỏi rõ Ngọc Anh tiền để làm gì. Đây là sai lầm của tôi khiến tôi bị cáo buộc tiếp nhận ý chí “chạy án” cho Đước. Tiền vẫn để nguyên trong bao. Khi Cơ quan điều tra đến khám nhà, kiểm đếm thì tôi mới biết là 35 tỷ”, ông Ca trình bày.
Khi được hỏi về việc truy tố về tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bị cáo Ca cho rằng, “tôi nhận tiền là có vi phạm nhưng đề nghị xem xét về ý thức nhận tiền và động cơ có chiếm đoạt hay không, vì không có chuyện Ngọc Anh (vợ Đước) đến đòi mà tôi không trả tiền. Ngày 4/2/2023, Ngọc Anh chỉ đến thông báo chồng đã bị bắt chứ không có việc đòi tiền. Số tiền đó chỉ cách chỗ Ngọc Anh ngồi 3 mét, nếu Ngọc Anh xin lại thì tôi trả lại ngay”.
Ông Ca liên tục khẳng định không nhận 35 tỷ đồng để "chạy án" giúp mà chỉ nghĩ là giữ tiền giúp người em thân thiết. "Khi tôi nhận thấy tiền này liên quan đến vụ án Công an Quảng Ninh đang làm, tôi chủ động nộp lại, cơ quan kiểm đếm thì tôi mới biết số lượng là 35 tỷ đồng", bị cáo Đỗ Hữu Ca khai.
Tại phiên xử ngày 10/4, đại diện VKS cảnh báo bị cáo Ca cần khai báo thành khẩn để được hưởng sự khoan hồng của pháp luật. Bởi cơ quan tố tụng thu thập các chứng cứ một cách đầy đủ, đúng trình tự và khách quan. Lời khai nhận tội hoặc chối tội của bị cáo chỉ có giá trị khi phù hợp với tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án.
>>> Mời độc giả xem video Bị bắt vì lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, Hòa thượng “dởm” khai gì?
  
Hải Ninh