Ông Nguyễn Đức Thái (61 tuổi) – nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Một thành viên Nhà Xuất bản giáo dục Việt Nam cùng bà Nguyễn Thị Thanh Thủy (56 tuổi) – nguyên Trưởng Ban Kế hoạch Marketing vừa bị bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố, tạm giam về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Hai bị can Đinh Quốc Khánh (53 tuổi) - nguyên Phó Trưởng Ban Kế hoạch Marketing, Công ty TNHH Một thành viên Nhà Xuất bản giáo dục Việt Nam và Tô Mỹ Ngọc (43 tuổi) - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Cổ phần Giấy Phùng Vĩnh Hưng bị khởi tố, bắt giam về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.
|
Bị can Nguyễn Đức Thái và Nguyễn Thị Thanh Thủy
|
Điều tra cho thấy, ông Nguyễn Đức Thái đã lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao trong việc mua sắm giấy in phục vụ in ấn sách giáo dục, cùng bà Nguyễn Thị Thanh Thủy và ông Đinh Quốc Khánh thông đồng với bà Tô Mỹ Ngọc, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Cổ phần Giấy Phùng Vĩnh Hưng, vi phạm quy định của pháp luật về bảo đảm công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu cung cấp giấy in. Hành vi của các bị can đã gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tài sản Nhà nước.
Đáng chú ý, sau khi trúng thầu, ông Nguyễn Đức Thái, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy được nhận lợi ích vật chất từ bà Tô Mỹ Ngọc.
Tháng 12/2022, Thanh tra Chính phủ đã có thông báo kết luận thanh tra chuyên đề công tác quản lý nhà nước về giáo dục, đào tạo trong giai đoạn từ ngày 1/1/2014 đến ngày 31/12/2018, chỉ ra hàng loạt sai phạm của Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.
Đáng chú ý, cơ quan thanh tra chỉ ra nhiều sai phạm liên quan công tác biên soạn, in ấn và tăng giá sách giáo khoa. Sau khi chỉ ra các sai phạm, Thanh tra Chính phủ kiến nghị chuyển vụ việc sang Bộ Công an xem xét, xử lý.
Cụ thể, đối với việc lựa chọn nhà thầu cung cấp giấy in để sản xuất SGK theo phương thức chào hàng cạnh tranh, kết luận thanh tra nêu rõ, việc xác định nhu cầu sản xuất của NXB không sát thực tế nên lượng hàng tồn kho (chủ yếu là giấy in), làm tăng chi phí lãi vay, dự phòng giảm giá hàng tồn kho dẫn đến giảm hiệu quả sử dụng vốn.
Từ trước ngày 22/8/2017, NXB chưa ban hành quy định về lựa chọn nhà thầu in SGK, cung cấp vật tư, giấy in… để áp dụng thống nhất trong doanh nghiệp bảo đảm mục tiêu công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế theo quy định. NXB chưa bổ sung đăng ký kinh doanh nhập khẩu giấy in hoặc tổ chức thực hiện việc ủy thác nhập khẩu giấy in để giảm bớt chi phí trung gian, tiết kiệm chi phí, giảm giá thành SGK. NXB sử dụng giấy in định lượng thấp, thấp hơn định lượng giấy in sách thường theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 8694:2011.
Từ trước năm 2014 và trong giai đoạn từ năm 2014 đến năm 2019, NXB chỉ thu thập báo giá của một số ít nhà thầu cung cấp giấy in, chỉ có 2 đến 3 đơn vị được NXB lựa chọn cung cấp giấy in SGK trong một năm, lặp đi lặp lại trong nhiều năm.
Trong giai đoạn 2014-2019, Công ty Cổ phần Giấy Phùng Vĩnh Hưng được lựa chọn cung cấp chiếm 83,1%, số lượng giấy của NXB (tương ứng hơn 1.890 tỷ đồng). Kiểm tra xác suất một số hợp đồng cung cấp giấy in đã cung cấp, tương ứng 528 tỷ đồng) cho thấy, giá giấy in công ty bán cho NXB cao bình quân gấp khoảng 1,7 lần giá giấy công ty nhập khẩu trực tiếp (tương ứng số tiền chênh lệch khoảng hơn 210 tỷ đồng).
TTCP cho biết, những nội dung nêu trên cho thấy việc lựa chọn nhà thầu cung cấp giấy in để sản xuất SGK theo phương thức chào hàng cạnh tranh của NXB có nhiều điểm bất thường, chưa bảo đảm công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế. Từ đó, TTCP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho chuyển thông tin 2 nội dung sang Bộ Công an xem xét, xử lý theo quy định.
Trước đó, vào tháng 7/2022, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã ký quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo với ông Nguyễn Đức Thái - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH một thành viên NXB Giáo dục Việt Nam.
Khi đó, ông Nguyễn Đức Thái được cho có khuyết điểm, vi phạm chính sách pháp luật của Nhà nước trong chỉ đạo Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tổ chức thực hiện sản xuất, kinh doanh, biên soạn, in ấn, kê khai, phát hành sách giáo khoa mới. Đồng thời, thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo Đảng ủy, Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện các nghị quyết, dẫn đến không kịp thời phát hiện nghị quyết ban hành trái pháp luật Nhà nước.
Theo báo cáo thực trạng quản trị và cơ cấu tổ chức năm 2021 được công khai trên website của NXB Giáo dục ngày 30/6/2022, ông Nguyễn Đức Thái - Chủ tịch Hội đồng thành viên NXB Giáo dục Việt Nam, năm 2021 nhận lương 544 triệu đồng và 120 triệu đồng tiền thưởng, tổng cộng gần 700 triệu đồng.
Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam có vốn điều lệ 596 tỷ đồng, hoạt động theo mô hình Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước sở hữu 100%, cơ quan chủ quản là Bộ Giáo dục và Đào tạo. Năm 2021, Nhà xuất bản in hơn 164 triệu cuốn sách giáo khoa, tổng doanh thu đạt 1.828 tỷ đồng, trong đó trên 97% đến từ hoạt động phát hành sách; lãi sau thuế 287 tỷ đồng – mức cao nhất từ trước đến nay.
Đáng chú ý, trong số các bị can trên, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy (56 tuổi) – nguyên Trưởng Ban Kế hoạch Marketing ngày 4/1/2023 đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) khởi tố, tạm giam để điều tra tội Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi liên quan đại án Việt Á. Bà Thủy có hành vi lợi dụng ảnh hưởng, can thiệp, tác động lãnh đạo một số Bộ, ngành để tạo điều kiện giúp Công ty Việt Á trong quá trình sản xuất, kinh doanh kit test Covid-19 để trục lợi.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang tập trung điều tra làm rõ tính chất, vai trò, hành vi phạm tội của các bị can và đối tượng có liên quan để mở rộng vụ án, thu hồi triệt để tài sản Nhà nước.
>>> Mời độc giả xem thêm video 5 năm qua, hơn 2.500 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng
Hải Ninh