Liên quan đến đại án Phạm Công Danh, theo Tuổi Trẻ Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra bổ sung, chuyển hồ sơ sang Viện KSND tối cao đề nghị truy tố 46 bị can. Đáng chú ý, trong đó có những bị can nguyên là cán bộ Ngân hàng BIDV.
Một số cán bộ BIDV được xác định là đã có hành vi giúp sức cho Phạm Công Danh khiến Ngân hàng Xây dựng (VNCB) thất thoát 2.550 tỉ đồng. Vậy cá nhân cựu Chủ tịch HĐQT BIDV - ông Trần Bắc Hà liệu có liên quan gì trong vụ án này không?
|
Cựu Chủ tịch HĐQT BIDV Trần Bắc Hà. Nguồn ảnh: Zing |
Ngược dòng thời gian, tháng 4/2013, khi cần tiền để tăng vốn điều lệ cho VNCB, Phạm Công Danh đã tìm đến xin vay 4.700 tỷ đồng cho 12 công ty. Ông Danh lấy lý do VNCB đang tái cơ cấu chưa được tăng trưởng tín dụng nên không có khả năng cho vay. Để bảo đảm, ông Danh sẽ dùng tài sản của VNCB thế chấp.
BIDV đã thống nhất chủ trương về việc xem xét cho vay và giao 4 chi nhánh gồm chi nhánh Bến Tre, chi nhánh Gia Định, chi nhánh Nam Sài Gòn, chi nhánh Sở Giao dịch 2 thực hiện cho vay, thu nợ.
Các chi nhánh thực hiện tiếp nhận nhu cầu vay vốn, xem xét hồ sơ, thẩm định đánh giá, họp Hội đồng tín dụng cơ sở, ra quyết định cấp tín dụng, ký kết hợp đồng tín dụng, ký hợp đồng cầm cố tài sản bảo đảm, kiểm tra vốn đối ứng và giải ngân 4.700 tỷ đồng cho 12 công ty do Danh thành lập, điều hành.
Tài sản bảo đảm là 4 lô đất ở Dự án Khu D Sân vận động Chi Lăng (Đà Nẵng) và các hợp đồng tiền gửi của VNCB tại BIDV.
Sau khi giải ngân, BIDV yêu cầu 12 công ty cung cấp bổ sung, hồ sơ, hóa đơn chứng minh việc mua bán, giao nhận hàng hóa..., nhưng các Công ty không cung cấp với lý do chưa tiến hành giao nhận hàng hóa, nên BIDV đã thu nợ trước hạn bằng các xử lý tiền gửi của VNCB.
Đến ngày 5/5/2014, các chi nhánh của BIDV đã thu đủ cả gốc và lãi từ bên bảo lãnh trả nợ thay với tổng số tiền là 2.550 tỉ đồng. Kết quả giám định về thiệt hại cho thấy việc VNCB bảo lãnh cho 12 công ty vay vốn tại BIDV đã gây thiệt hại cho VNCB số tiền 2.550 tỉ đồng.
|
Phạm Công Danh tại tòa. Nguồn ảnh: Tienphong |
Với những sai phạm của nhóm lãnh đạo VNCB, nhóm giám đốc các doanh nghiệp, cơ quan điều tra cũng đề nghị truy tố 3 cá nhân là cán bộ của BIDV chi nhánh Gia Định đã gây thiệt hại cho VNCB là Hoàng Long Hà, Nguyễn Ngọc Sơn và Nguyễn Vũ Bảo.
Ngoài những cá nhân này, cơ quan điều tra xác định ông Trần Bắc Hà (chủ tịch HĐQT, trưởng phân ban quản lý rủi ro tín dụng BIDV) đã ký 12 báo cáo tổng hợp ý kiến của các thành viên phân ban này khi họ đánh dấu đồng ý vào chủ trương cho 12 công ty vay vốn với số tiền tối đa 4.700 tỉ đồng và giao cho 4 chi nhánh thực hiện việc cho vay.
Tuy nhiên, theo kết quả điều tra, ông Trần Bắc Hà và các thành viên của phân ban quản lý rủi ro không cho Phạm Công Danh vay, cũng không biết các công ty này do Phạm Công Danh thành lập.
Bản thân BIDV không bị thiệt hại từ việc cho vay vốn. Hiện chưa có tài liệu nào chứng minh các cá nhân này được hưởng lợi từ việc cho vay trên. Do đó không đủ căn cứ để xử lý hình sự đối với ông Trần Bắc Hà và những thành viên phân ban quản lý rủi ro tín dụng BIDV.
Không có chuyện bắt ông Trần Bắc Hà
Đầu tháng 8/2017, trên mạng lan truyền thông tin bắt tạm giam ông Trần Bắc Hà – cựu Chủ tịch HĐQT BIDV. Tuy nhiên, trưa ngày 9/8/2017, một lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) đã bác thông tin này.
Làm việc tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) từ năm 1981, ông Trần Bắc Hà được cho là “linh hồn” của BIDV, từng đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT ngân hàng này trong suốt 8 năm liền.
Ông Trần Bắc Hà vừa nghỉ hưu theo chế độ từ ngày 1/9/2016. Từ đó đến nay, BIDV chưa có chủ tịch HĐQT mà chỉ có một Ủy viên phụ trách HĐQT là ông Trần Anh Tuấn. Tuy nhiên, theo quy định, ông Trần Anh Tuấn cũng sắp đến tuổi nghỉ hưu. Đại hội cổ đông 2017 của BIDV cũng chưa bầu ra chủ tịch HĐQT mới.
Tin đồn đối với ông Trần Bắc Hà từng xuất hiện vào năm 2012. Cùng ngày với tin đồn này, thị trường xuất hiện tin Ngân hàng Nhà nước phá giá tiền đồng 2-3%, xăng tăng 6%. Thị trường chứng khoán khi đó giảm mạnh, gần 34.000 tỷ đồng (khoảng 1,6 tỷ USD) đã “bốc hơi” do vốn hóa hai sàn Hà Nội, TP.HCM giảm.
Khi đó, ông Trần Bắc Hà đã xuất hiện trên truyền thông cho hay nhận được tin đồn này khi ông đang chủ trì buổi họp tại BIDV. Cựu chủ tịch BIDV cũng nhờ cơ quan điều tra vào cuộc tìm ra thủ phạm tung tin đồn.
Phượng Hồng (tổng hợp)