Ngày 7/1, TAND TP Hà Nội sẽ mở phiên tòa xét xử sơ thẩm nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng trong vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” xảy ra tại Bộ Công Thương và TP.HCM.
Theo cáo trạng, các bị can Vũ Huy Hoàng, Hồ Thị Kim Thoa (nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương) và Phan Chí Dũng (nguyên Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ, Bộ Công Thương) có ý kiến chỉ đạo đối với các cán bộ cấp dưới trong quá trình Sabeco thực hiện các thủ tục góp vốn bằng quyền sử dụng khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng và tiền của Sabeco để thành lập Công ty liên doanh Sabeco Pearl cùng với doanh nghiệp tư nhân để đầu tư thực hiện dự án kinh doanh bất động sản tại khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng.
|
Bị can Vũ Huy Hoàng, cựu Bộ trưởng Công Thương. |
Sau khi Sabeco Pearl được UBND TP.HCM công nhận chủ đầu tư, cho thuê đất và chấp thuận bổ sung chức năng officetel và căn hộ cho dự án, các bị can Vũ Huy Hoàng, Hồ Thị Kim Thoa và Phan Chí Dũng đã chỉ đạo Sabeco thoái toàn bộ vốn góp (chuyển nhượng vốn) cho Sabeco trong dự án này cho doanh nghiệp tư nhân tham gia liên doanh.
Từ đó, hoàn tất việc chuyển quyền quản lý sử dụng khu đất 6.080 m2 tại số 2-4-6 Hai Bà Trưng có giá trị hơn 3.800 tỷ đồng là tài sản Nhà nước sang tài sản tư nhân trái pháp luật, gây thiệt hại, thất thoát cho Nhà nước số tiền hơn 2.700 tỷ đồng.
"Thủ đoạn dùng quyền sử dụng đất hoặc các quyền về tài sản khác của Nhà nước để góp vốn, liên doanh sau đó thoái vốn (chuyển nhượng vốn) không minh bạch, vi phạm các quy định của pháp luật của một số đối tượng có trách nhiệm quản lý tài sản công đã gây thiệt hại, thất thoát đặc biệt lớn tài sản Nhà nước.
Vì vậy, cần phải xét xử nghiêm minh đối với các hành vi nêu trên của bị can Vũ Huy Hoàng và các bị can khác trong vụ án nhằm răn đe giáo dục và phòng ngừa chung", cáo trạng của VKSND tối cao nêu.
Quá trình điều tra vụ án, cơ quan điều tra ra các quyết định trưng cầu giám định tư pháp, định giá tài sản; làm việc với Bộ Tài chính để làm rõ một số nội dung liên quan đến vụ án.
Tại bản kết luận giám định của Bộ Tài chính ngày 28/6/2019 xác định: Việc xử lý cơ sở nhà đất số 2-4-6 Hai Bà Trưng không thuộc trường hợp thực hiện theo quy định của Thủ tướng; Công ty cổ phần Đầu tư Sabeco Pearl không thuộc đối tượng thực hiện việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước.
Kết luận giám định của Bộ Tài nguyên và Môi trương ngày 14/8/2019 khẳng định: "Theo quy định của pháp luật về đất đai thì việc UBND TP.HCM cho Sabeco Pearl thuê đất tại số 2-4-6 đường Hai Bà Trưng thay cho Sabeco là không đúng quy định".
Để thực hiện đúng theo quy định của pháp luật đất đai thì sau khi Tổng Công ty Sabeco thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng, phường Bến Nghé, quận 1 (nộp tiền chuyển mục đích sử dụng đất, nộp tiền lệ phí trước bạ), được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì Tổng Công ty Sabeco mới được góp vốn bằng quyền sử dụng đất vào vốn điều lệ công ty Sabeco Pearl theo quy định tại Điều 168 và Điều 188 Luật Đất đai năm 2013.
Theo kết quả giám định, giá trị quyền sử dụng khu đất 2-4-6 tại thời điểm khởi tố vụ án hình sự (8/11/2018) là hơn 3.800 tỷ đồng; giá trị 26% vốn góp của Sabeco tại thời điểm ngày 1/4/2016 là hơn 465 tỷ đồng (trong khi Sabeco bán hơn 196 tỷ đồng). Việc định giá, thoái vốn là thủ đoạn cuối cùng làm mất tài sản và là cơ sở để tư nhân chiếm tài sản nhà nước, gây thiệt hại hơn 2.700 tỷ đồng.
Theo VTC News