TAND TP Hà Nội vừa có thông báo về việc 12 bị cáo, 3 cá nhân và một doanh nghiệp liên quan kháng cáo bản án sơ thẩm của TAND TP Hà Nội trong vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á và các đơn vị liên quan.
Trong đó, cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long có đơn xin giảm nhẹ hình phạt.
Cùng xin giảm nhẹ hình phạt còn bị cáo Phan Quốc Việt, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Công ty Việt Á; Trịnh Thanh Hùng, cựu Vụ phó Vụ KH&CN các ngành kinh tế kỹ thuật, Bộ KH&CN; Phạm Duy Tuyến, cựu Giám đốc CDC Hải Dương; Nguyễn Nam Liên, cựu Vụ trưởng Kế hoạch Tài chính Bộ Y tế…Riêng Vũ Đình Hiệp, Phó tổng giám đốc Công ty Việt Á có đơn kháng cáo với nội dung đề nghị xem xét, đánh giá lại đúng bản chất của tội danh.
|
Ông Nguyễn Thanh Long. |
Các bị cáo có đơn kháng cáo xin được hưởng án treo gồm Ngụy Thị Hậu, Trần Thị Hồng, Lê Thị Hồng Xuyên.
Công ty Việt Á có đơn kháng cáo với nội dung đề nghị không tịch thu sung công quỹ nhà nước số tiền được xác định là hưởng lợi bất chính từ việc bán kit xét nghiệm cho các tổ chức, cá nhân không bị xem xét khởi tố trong vụ án.
Doanh nghiệp này cũng yêu cầu các tổ chức mua test xét nghiệm của mình mà không qua thủ tục đấu thầu phải thanh toán tiền theo như hợp đồng đã ký kết. Đồng thời, đề nghị tòa cấp phúc thẩm hủy bỏ các biện pháp phong tỏa, hạn chế giao dịch đối với các tài khoản ngân hàng của doanh nghiệp, các công ty trong hệ thống của Việt Á không liên quan đến vụ án.
Trong thông báo của TAND TP Hà Nội cho thấy, một số cá nhân có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cũng kháng cáo đề nghị Tòa cấp phúc thẩm xem xét về phần tài sản liên quan.
Cụ thể, bà Đàm Thị Trinh, mẹ bị cáo Phan Quốc Việt đề nghị hủy bỏ việc kê biên, phong tỏa 52 sổ, thẻ tiết kiệm đứng tên bà Đàm Thị Trinh với tổng số tiền là 412 tỷ đồng tại các Ngân hàng VIB, BacABank, ĐongABank và VietinBank. Bà Hồ Thị Thanh Thủy (vợ bị cáo Phan Quốc Việt) có đơn kháng cáo với nội dung đề nghị hủy bỏ việc kê biên, phong tỏa 2 sổ, thẻ tiết kiệm đứng tên 2 con của bà và bị cáo Phan Quốc Việt với tổng số tiền là 20 tỷ đồng tại Ngân hàng ACB. Bà Nguyễn Kiều Oanh, vợ bị cáo Trịnh Thanh Hùng kháng cáo đề nghị tòa phúc thẩm hủy bỏ việc phong tỏa 8 sổ tiết kiệm với tổng số tiền gần 4 tỷ đồng, trả lại cho bà và bị cáo Hùng.
Trước đó, từ ngày 3 đến ngày 12/1, TAND TP Hà Nội đã xét xử sơ thẩm vụ án Việt Á. 38 bị cáo bị xét xử về các tội đưa hối lộ; nhận hối lộ; vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí; vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi.
Trong đó, bị cáo Phan Quốc Việt bị xử phạt 29 năm tù về hai tội vi phạm quy định đấu thầu và đưa hối lộ. Ở tội nhận hối lộ, bị cáo Nguyễn Thanh Long bị xử phạt 18 năm tù, Phạm Duy Tuyến 13 năm tù, Trịnh Thanh Hùng 14 năm tù, Nguyễn Nam Liên 7 năm tù…
Theo bản án, trong năm 2020 và 2021, Công ty Việt Á sản xuất tổng cộng hơn 8,7 triệu kit xét nghiệm và bán cho các đơn vị, cơ sở y tế trên khắp cả nước hơn 8,3 triệu kit. Doanh nghiệp này được thanh toán hơn 4,5 triệu kit xét nghiệm với tổng số tiền 2.250 tỷ đồng.
Kết quả điều tra xác định Công ty Việt Á bỏ ra gần 365 tỷ đồng để mua nguyên vật liệu, cộng với các loại chi phí khác, thuế và lợi nhuận 5%, giá thành sản xuất 1 kit xét nghiệm là hơn 143.000 đồng. Tuy nhiên Công ty Việt Á đã nâng giá khống lên gấp nhiều lần và được phía Bộ Y tế chấp thuận khi hiệp thương giá, để bán ra thị trường mức 470.000 đồng/1 kit xét nghiệm. Cơ quan truy tố kết luận, Công ty Việt Á thu lời bất chính 1.235 tỷ đồng, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 432 tỷ đồng.
Để thuận lợi trong việc cấp phép và phân phối kit test, bị cáo Phan Quốc Việt, Tổng giám đốc Công ty Việt Á, chi tới hơn 106 tỷ đồng hối lộ quan chức các bộ, ngành, địa phương...
>>> Mời độc giả xem thêm video 38 bị can trong đại án Việt Á: Nhìn lại những sai phạm
Hải Ninh