“Chiều 18/9, tôi nhận tin nhờ hỗ trợ 30 công dân ở khu vực Chinatown - một trong các cơ sở lớn có hiện tượng cưỡng ép lao động”, Tổng lãnh sự Việt Nam tại Preah Sihanouk Vũ Ngọc Lý nói với Zing đêm 20/9.
Chinatown là một trong những khu phức hợp kinh doanh lớn nhất tại Sihanoukville với hơn 20 tòa nhà cao 10 tầng được bao quanh bằng hàng rào dây thép gai, theo Think China. Người đứng bên ngoài không thể nhìn vào bên trong, và người ở trong dường như không có lối ra.
“Nắm bối cảnh Campuchia đang mạnh tay trấn áp tội phạm, chủ các công ty không còn dám dùng bạo lực với người lao động, tôi đã hướng dẫn họ tập trung đủ đông, khoảng trên 30 người trở lên, thì có thể cùng nhau ra cổng mà phía chủ sẽ không làm gì”, ông Lý kể.
|
Ban công tại một khu phức hợp ở Sihanoukville được bọc lưới thép để ngăn bỏ trốn. Ảnh: SPH Media.
|
Rủ nhau trốn vì sợ bị bán
Tổng lãnh sự Vũ Ngọc Lý kể tới khoảng 20h ngày 18/9, những người Việt nói trên đã tập hợp được nhóm 70 người và chạy thoát.
“Họ chia làm 2 nhóm, mỗi người đi một nơi và tự thuê xe về cửa khẩu Mộc Bài”, ông Lý cho hay. “Trong lúc ngồi trên xe đi về, họ điện cho tôi báo là đã thoát”.
|
Ông Vũ Ngọc Lý, Tổng lãnh sự Việt Nam tại Preah Sihanouk. Ảnh: Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Shihanoukville.
|
Vị tổng lãnh sự cho hay nguyên nhân khiến nhóm 70 người Việt Nam nói trên quyết định trốn là tâm lý sợ bị chủ lao động bán đi nơi khác.
“Những ngày gần đây, có tình trạng các công ty di chuyển người lao động ra khỏi Sihanoukville (tên gọi khác của Preah Sihanouk - PV). Họ sợ bị bán đi những nơi khác như các vùng giáp biên giới Thái Lan”, ông Lý kể. “Rất nhiều người cũng xin chuộc nhưng chủ không cho. Vì thế, họ nhân cơ hội này có ý định trốn”.
Vừa qua, báo chí đã phản ánh nhiều về tình trạng người Việt Nam bị lừa sang làm việc ở các cơ sở tại Campuchia. Sau khi tới Campuchia, nạn nhân bị bắt làm việc lừa đảo và bị tra tấn nếu không làm đủ chỉ tiêu.
Vụ 70 người Việt trốn khỏi Chinatown ở Preah Sihanouk diễn ra chỉ một ngày sau khi xảy ra sự kiện 60 người Việt Nam tháo chạy giữa mưa từ một cơ sở kinh doanh tại tỉnh Svay Rieng của Campuchia về phía cửa khẩu Bavet hôm 17/9.
4 người bị bắt lại nhưng cảnh sát Campuchia sau đó đã yêu cầu công ty giao nộp thêm 11 người Việt, nâng tổng số liên quan tới vụ việc lên 67 người, theo thông cáo của Bộ Ngoại giao.
|
Cổng ra vào của Chinatown từng có nhiều bảo vệ canh gác. Ảnh: SPH Media.
|
Đợt ra quân của Campuchia đang có hiệu quả
Chính phủ Campuchia gần đây đã ra tuyên bố mạnh mẽ đối với nạn đánh bạc trái phép. Thủ tướng Hun Sen hôm 17/9 ra lệnh truy quét nạn cờ bạc bất hợp pháp trên toàn quốc, trong khi Bộ trưởng Nội vụ Campuchia Sar Kheng gọi cờ bạc trái phép là “bệnh ung thư” của xã hội.
Trong các ngày 17/9-20/9, lực lượng chức năng Campuchia đã khám xét gần 1.000 cơ sở, Khmer Times đưa tin.
Từ cuối tháng 8, nhà chức trách Campuchia đã thiết lập đường dây nóng 117 có ngôn ngữ tiếng Việt để ghi nhận trường hợp giam giữ người bất hợp pháp. Đường dây được đặt tại trung tâm chỉ huy của Tổng cục Cảnh sát Quốc gia Campuchia.
Tổng lãnh sự Vũ Ngọc Lý đánh giá đợt trấn áp gần đây của lực lượng Campuchia ngày càng quyết liệt và trước mắt rất hiệu quả. Việc này cũng sẽ có hiệu ứng cảnh báo tốt với người Việt Nam đang muốn sang Campuchia lao động, theo ông Lý.
“Tối 19/9, trước sức ép của các lực lượng Preah Sihanouk, khu vực Chinatown đã phải mở cửa cho các phóng viên vào quan sát. Khi ấy, gần như tất cả lao động được tự do đi ra, có thể là tới hàng nghìn người, trong đó sẽ có nhiều lao động Việt Nam”, Tổng lãnh sự Vũ Ngọc Lý nói.
Ông Lý nói chưa biết chính xác số lượng công dân Việt Nam thoát nạn trong đợt ra quân này của cảnh sát Campuchia. Nhưng bước đầu con số ông nắm được là 200-300 người đã được giải cứu và ít nhất 100 người nữa đang được cơ quan chức năng sở tại tạm giữ để lấy thông tin.
“Nếu họ làm quyết liệt, chỉ trong một vài tháng nữa thôi tình trạng này sẽ giảm rất nhiều”, ông nói.
Theo Quốc Đạt/Zing