Cuộc sống đầy sóng gió của cặp vợ chồng lùn nhất tỉnh Điện Biên

Google News

Đến bản Hin, xã Quài Cang, huyện Tuần Giáo, hỏi về cặp vợ chồng lùn nhất tỉnh Điện Biên thì ai cũng biết.

Đến bản Hin, xã Quài Cang, huyện Tuần Giáo , hỏi về cặp vợ chồng lùn nhất tỉnh Điện Biên thì ai cũng biết. Hai năm chung sống với nhau, tuy cuộc sống không ít khó khăn nhưng chưa ai thấy cặp vợ chồng này có một lời than thở. Gia đình cặp đôi được bà con lối xóm rất ngưỡng mộ và quý trọng.
Duyên như... trời định
Anh Quàng Văn Thịnh (sinh năm 1994) là người dân tộc Thái, sinh ra ở bản Hin, xã Quài Cang, huyện Tuần Giáo trong một gia đình nông dân nghèo. Tuy nhà có tới 4 anh, chị em và ai cũng cao to nhưng không hiểu sao anh Thịnh ngay từ bé đã “không thể cao lên được”.
“Mặc dù nó là con út, chúng tôi cũng dồn vào chăm sóc nhưng nó vẫn lùn. Được cái nó thấp người nhưng ít ốm đau và cũng thông minh. Khi còn đi học cũng không chịu thua kém bạn bè” – ông Quàng Văn Dinh, bố đẻ anh Thịnh bảo vậy.
Cuoc song day song gio cua cap vo chong lun nhat tinh Dien Bien
Tổ ấm gia đình hạnh phúc, bé nhỏ của gia đình anh Thịnh hôm nay. Ảnh: S.T.L 
Cũng theo ông Dinh thì anh Thịnh có nét mặt luôn tươi cười. “Dù ai có trêu chọc nó thì nó cũng không cáu bẳn. Đặc biệt là nó biết hát nhiều bài và hát khá hay. Ở bản, ở trường nó đều tích cực tham gia văn nghệ và được nhiều người quý mến” - ông Dinh chép miệng vẻ nuối tiếc.
Cũng bởi nhà nghèo, lại mặc cảm về chiều cao khiêm tốn của bản thân nên sau khi học xong lớp 10, năm 2012, anh Thịnh quyết định bỏ học, lang thang về Hà Nội kiếm việc làm thuê. “Em tin rằng về đó thì không chỉ kiếm được miếng ăn mà còn có thể tìm cách học được nghề phụ như: Sửa xe máy, thợ mộc, thợ nề... Vì thế nên dù người nhà can ngăn nhưng em vẫn quyết tâm tìm về Hà Nội xin việc” – Thịnh trầm ngâm khi kể về những ngày lang thang kiếm sống của mình trên đất Thủ đô.
Bù lại “chiều cao khiêm tốn”, Thịnh luôn tươi cười ngay cả những khi gặp công việc nặng nhọc hoặc bị chủ quát mắng vô cớ. Vì thế, dù không có tay nghề gì rõ ràng, nhưng ở Hà Nội Thịnh cũng chẳng phải đói ăn. Anh làm đủ nghề để sống: Quét rác, dọn vôi vữa, cửu vạn, rửa bát, lau nhà… “Nhiều người lúc đầu thuê em có lẽ chỉ vì thấy thương em bé và lùn. Nhưng sau một vài lần, thấy em làm việc có trách nhiệm nên họ cũng tìm gọi mỗi khi có việc” – Thịnh kể vậy.
Sau những ngày lao động mệt nhọc, Thịnh lại lấy lời ca, tiếng hát là niềm vui cho mình và bạn bè. Nhờ thế anh được một tổ chức từ thiện ở Hà Nội nhận vào “vừa làm công nhân, vừa làm ca sĩ”. Những chuyến từ thiện đến với vùng khó khăn, nếu có điều kiện là em lại tranh thủ biểu diễn văn nghệ cùng đoàn, giúp mọi người có thêm sự hứng khởi” – Thịnh kể.
Thế rồi, trong một đêm biểu diễn văn nghệ từ thiện cuối năm 2013, anh Thịnh bất ngờ gặp một cô gái trạc tuổi mình và “quan trọng hơn cả là khi em tìm cách đứng gần để làm quen thì thấy cô ấy cũng chẳng cao hơn em. Sau này mới biết cô ấy cũng chỉ cao 1,1m” – Thịnh vừa cười vừa kể.
Hạnh phúc và trăn trở
Cô gái mà anh Thịnh làm quen được là chị Trần Thị Hậu, quê ở Hưng Yên, hơn anh Thịnh đúng 1 tuổi và cũng có những mặc cảm về thân phận “tầm thước” của mình. “Bởi thế chúng em nhanh chóng quen nhau. Sau một số cuộc trao đổi qua điện thoại, rồi gặp gỡ trực tiếp, tình yêu đã đến từ lúc nào cũng không biết nữa” – chị Hậu tâm sự.
Cảm thấy có thể gửi đời cho nhau, lại được 2 gia đình đồng ý, năm 2015, anh Thịnh và chị Hậu đã chính thức làm lễ thành hôn. “Em mê cô ấy vì thấy tính nết dịu dàng, đảm đang, chịu thương chịu khó. Còn cô ấy chắc cũng mê em ở cái tính hay cười, hay hát, thương vợ, thương con nên mới theo em về cái xứ rừng núi heo hút nhiều khó khăn như thế này” – Thịnh tự hào, bảo vậy.
Vừa đưa nôi để đứa cháu nội Quàng Thị Hồng (1 tuổi) ngủ, ông Dinh vừa tâm sự: “Khi chúng nó lấy nhau, chúng tôi cũng lo lắm, chẳng biết sau này con cái làm sao? May là năm 2016 chúng nó có đứa con gái này nên chúng tôi cũng vui hơn. Nhưng bây giờ cái lo lại về nhiều vì nhà tôi cũng chỉ làm nông nghiệp, đất sản xuất hạn chế. Hai vợ chồng Thịnh không đứa nào cao hơn cái cuốc, cái xẻng…, đến lấy một đồ gì trên nóc tủ hay dây phơi quần áo thì cũng phải có người khác giúp đỡ, nói gì đến làm công việc nặng. Rồi nay mai chúng tôi già yếu thì chúng sẽ sống ra sao?”.
Nói về tương lại của gia đình mình, anh Thịnh bảo: Vợ chồng em cũng lo lắm, từ khi có con đến nay thì cuộc sống càng khó khăn hơn. Nhưng chúng em đã xác định sẽ vượt khó khăn để sống thật hạnh phúc, chăm lo tốt cho con cái mình. Bây giờ em chỉ ao ước có được một chiếc xe máy dành cho người khuyết tật để đi lại. Chiếc xe ấy sẽ giúp chúng em đi lại nhanh hơn khi cần ra thị trấn làm thuê, nhất là khi vợ, con ốm đau, phải đưa đi cấp cứu…
Còn chị Hậu thì bảo: Vì cả hai vợ chồng đều thấp bé, yếu người nên cuộc sống cũng nhiều khó khăn. Nhưng chúng em đã xác định là dù phải làm thuê, làm mướn thì cũng cố gắng để không làm khó người thân và sống hạnh phúc.
Theo Sùng Thiên Long - Vinh Duy /Dân Việt