Sự cưu mang xuất phát từ cái “duyên”
Gần 2 tháng qua, căn nhà của bà Hồ Thị Chào (phường Nguyễn Cư Trinh, Quận 1, TP.HCM) đã quen với việc có thêm 1 thành viên nhỏ tuổi mới là bé Nguyễn Mộc Quế Anh (9 tuổi). Quế Anh là con của người hàng xóm thuê trọ đối diện nhà bà Chào, mẹ em chẳng may qua đời vì COVID-19 vào tháng 8 vừa qua. Ba có gia đình riêng, nhà ngoại thì ở xa nên từ nhỏ Quế Anh đã coi bà Chào như bà ngoại của mình, em thường xuyên được bà chăm sóc, trông nom lúc mẹ đi làm.
Em Quế Anh đang sống cùng bà Chào tại Quận 1, TP.HCM.
Ngày mẹ bé mất, vì không có người thân nào bên cạnh và cũng thương như con cháu trong nhà nên bà Chào đưa bé về nhà ở hẳn, chờ người thân đến nhận. Thế nhưng, những người họ hàng của bé đều có hoàn cảnh khó khăn, khó có thể mang lại cho Quế Anh một cuộc sống tốt. Bé cũng muốn được ở lại với bà Chào và nguyện vọng này được họ hàng đồng ý. May mắn lúc đó, ngoài bảo trợ học tập tới lớp 12 từ địa phương, một bác sĩ tại TP.HCM đã tìm gặp bà Chào, đề xuất bà nhận làm người giám hộ và sẽ cùng hỗ trợ về vật chất, tinh thần để bé có nơi ăn chốn ở, học hành đàng hoàng.
Bà Chào xúc động: “Có một bác sĩ nói sẽ lo hết. Bác sĩ nói tôi cứ yên tâm chăm sóc cho bé Quế Anh thật tốt, họ sẽ hỗ trợ. Vì thế, tôi cũng cảm thấy yên tâm, phần vì lúc đầu nếu không có bác sĩ hỗ trợ, hai bà cháu tính học 1 buổi thôi vì nếu học bán trú thì tôi không có khả năng. Vì tương lai của bé, tôi sẽ cố gắng giúp bé bởi dù dù sao tôi cũng thương bé từ đó đến giờ”.
Quế Anh cũng được hỗ trợ học tập từ thiết bị đến việc kèm cặp bài học trên lớp.
Mất mẹ, song với sự chăm sóc, giúp đỡ của gia đình bà Chào và nhiều nhà hảo tâm, cô bé 9 tuổi dần cởi mở hơn, biết giúp đỡ bà một số công việc nhà. Nhìn Quế Anh học cách vượt qua nỗi buồn, hồn nhiên vui đùa với những đứa trẻ hàng xóm, ai cũng mừng thầm.
Quế Anh kể, không chỉ các cô chú hàng xóm mà cả thầy cô, phụ huynh của lớp em đang theo học cũng động viên, giúp đỡ em rất nhiều: “Phụ huynh trong lớp con mua cho con 1 cái điện thoại để học online. Con muốn học "bác sĩ chế tạo", bởi có nhiều điều thú vị lắm. Học giỏi con sẽ có công việc, con sẽ nuôi bà ngoại”.
Còn bé Trần Thị Ngọc Thảo (13 tuổi) lại kém may mắn khi sinh ra đã thiếu vắng tình thương của cha mẹ ruột. Thấy bé Thảo sống cùng ông bà ngoại đã già yếu, vợ chồng chị Nguyễn Thị Huệ (ngụ quận Bình Thạnh) đã nhận bé về chăm sóc. Vợ chồng chị Huệ đều đi làm thuê nhưng vẫn cố gắng lo cho bé Thảo có cuộc sống đầy đủ như bao đứa trẻ khác. Thế nhưng cách đây hơn 2 tháng, chồng chị Huệ đã không qua khỏi vì COVID-19. Gánh nặng kinh tế dồn lên vai chị Huệ trong khi công việc tạp vụ hiện tại đang có khả năng bị cắt giảm ngày làm do dịch bệnh. May mắn là con gái lớn của chị đã đi làm, Ngọc Thảo cũng được bảo trợ học tập đến hết lớp 12 nên cũng đỡ được phần nào.
Em Trần Thị Ngọc Thảo tự học tại nhà trong thời gian mẹ đi làm.
Chị Huệ chia sẻ, dù là con ruột hay con nuôi, chị đều phải có trách nhiệm chăm lo, nuôi dưỡng đến khi con trưởng thành. Người mẹ này chỉ mong sao kiếm đủ tiền sinh hoạt hằng ngày cũng như các khoản chi phí khác cho ba mẹ con và mẹ chồng tuổi đã cao: “Mình đang lo vì công ty mới cho đi làm lại ngày 4 vừa qua. Công ty cũng thông báo khách sạn không có khách, bắt đầu từ tháng sau, một tháng mình làm khoảng chừng 13 ngày, nửa tháng kia mình nghỉ không lương. Khó khăn thì nhiều nhưng mình cũng chỉ biết cố gắng chứ giờ cũng không biết làm sao”.
Hiểu được nỗi khó khăn của mẹ mình nên em Trần Thị Ngọc Thảo rất chịu khó học tập, phụ giúp mẹ những lúc cần. Em cũng nhớ những lời ba dặn trước đây, luôn cố gắng học để sau này có thể tự chăm sóc mình và gia đình: “Con muốn học tốt hơn để sau này phụ giúp mẹ. Mẹ nuôi con cũng rất khó khăn nên con muốn học tốt hơn để giúp được mẹ”.
Vẫn còn bao nỗi lo
Gánh chịu nỗi đau mất người thân do COVID-19, chị Trần Thị Kim Thu (48 tuổi), ngụ tại Quận 4 phải thay chồng gồng gánh trên vai nhiều nỗi lo khi ba đứa con vẫn đang đi học. Bốn mẹ con hiện sống trên một căn gác nhỏ trên đường Đoàn Văn Bơ. Trước đây, chồng chị làm công nhân, còn chị phụ bán hàng tạp hóa, thu nhập cũng đủ ăn. Thế rồi, người chồng qua đời vì COVID-19, để lại cho chị bao nỗi lo. Dù đã nhận gói hỗ trợ đợt 3 và các con đang học phổ thông sẽ được hỗ trợ học phí, nhưng vẫn còn rất nhiều chi phí khác mà chị phải lo. Cả 3 con đều đang học online nhưng nhà chỉ có 1 chiếc máy tính, thỉnh thoảng học cùng giờ, mẹ đành để lại chiếc điện thoại của mình cho con chia nhau học.
Chị Thu cho biết, các con chị cũng rất hiểu chuyện, phụ mẹ làm nhiều việc nhà, đứa con lớn của chị cũng mong sớm kiếm được việc để vừa học vừa làm phụ mẹ nuôi 2 em: “Trước mắt lo cho bữa ăn hằng ngày thì tôi vẫn có thể lo được. Sau này thì tôi không dám nghĩ tới vì cũng không biết tính làm sao. Việc thì tôi cũng muốn đi làm nhưng nếu tôi đi làm, ông ngoại năm nay đã 82 tuổi rồi 3 đứa nhỏ đi học không ai đưa đón, tôi sợ mình không đủ khả năng”.
Em Mai Nguyễn Thúy Anh, con gái chị Thu kể, ngày nghe tin ba mất, em không tin nổi sự thật này. Với sự động viên của người thân, sự chia sẻ của bà con lối xóm và sự giúp đỡ của mọi người xung quanh, bốn mẹ con cũng phần nào nguôi ngoai và cùng cố gắng vượt qua nỗi mất mát. Trước mắt việc học hành của cả 3 chị em Thúy Anh đều gặp khó khăn khi thiếu thốn thiết bị học trực tuyến.
Góc học tập của ba chị em Mai Nguyễn Thúy Anh. Cả nhà chỉ có duy nhất 1 chiếc máy tính.
Thương mẹ nên em vẫn tranh thủ ngoài giờ học, học hỏi thêm bạn bè, xin tài liệu học trực tuyến từ thầy cô giáo, bởi Thúy Anh biết rằng, chỉ có học thật tốt thì sau này mới có thể lo cho bản thân và giúp đỡ gia đình: “Dự tính trước mắt thì em nghĩ mình chỉ có thể học tốt để sau này kiếm được việc làm phụ mẹ. Trước mắt thì em có thể làm được những công việc trong khả năng của mình để phụ giúp mẹ”.
Sau những mất mát, tổn thương về tinh thần, những đứa trẻ mồ côi do COVID-19 đã vượt qua nghịch cảnh, hướng về tương lai. Có em đã tạm yên ấm bên những người thân mới, có em nghĩ tới chuyện kiếm việc làm để phụ ba mẹ,… Tuy nhiên, các em nhỏ vẫn cần lắm sự quan tâm, giúp đỡ của địa phương, các ban ngành, nhà hảo tâm,… để có một tương lai tươi sáng./.
Theo Vũ Hường - Trịnh Giang/VOV