Chiều nay (23/4), phiên tòa xét xử cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng và đồng phạm tiếp tục với phần thẩm vấn.
Trả lời thẩm vấn tại tòa, cựu Bộ trưởng trình bày: Việc thoái vốn của Sabeco tại Sabeco Pearl thực hiện theo chủ trương của Chính phủ.
Do các nhà đầu tư yêu cầu bổ sung tăng vốn điều lệ, nhưng Sabeco không có khả năng đáp ứng và thấy rằng, việc tiếp tục triển khai dự án không khả thi vì vốn liếng ngày càng tăng. Vì vậy, căn cứ Nghị quyết của Chính phủ, Sabeco thoái vốn.
Bị cáo Vũ Huy Hoàng khai có nhận được công văn của chủ đầu tư xin thoái vốn, nhưng không trả lời, vì các nhà đầu tư này không đại diện cho Sabeco.
|
Cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương được dìu đến tòa. Ảnh: Đình Hiếu |
“Chúng tôi đã chuyển công văn sang Vụ Công nghiệp nhẹ để vụ này chuyển sang Ban quản lý vốn Nhà nước ở Sabeco xem xét. Sau khi HĐQT Sabeco đề nghị và có ý kiến đề nghị Bộ cho phép được thoái vốn, căn cứ vào đề nghị như vậy, chúng tôi đồng ý về chủ trương, có hướng dẫn thủ tục.
Về mặt chủ trương, đây là đề xuất của HĐQT Sabeco nên chúng tôi đồng ý. Sabeco trình phương án sơ bộ thoái vốn.
Vụ công nghiệp nhẹ với tư cách vụ đầu mối đã lấy ý kiến các đơn vị liên quan, rồi sau đó đề xuất cuộc họp với nội dung xem xét chủ trương thoái vốn”, lời khai của bị cáo Hoàng.
Cuộc họp trước khi thoái vị của ông Vũ Huy Hoàng
Theo cáo trạng, cuộc họp mà ông Vũ Huy Hoàng nhắc đến ở trên là cuộc họp diễn ra vào ngày 29/3/2016. Cuộc họp do ông Hoàng chủ trì, ông Võ Thanh Hà (Chủ tịch HĐQT, phụ trách bộ phận quản lý vốn nhà nước tại Sabeco) báo cáo kết quả thẩm định giá của Công ty TNHH Chứng khoán ACB.
Tại thời điểm đó, dự án đã được UBND TP.HCM chấp thuận bổ sung chức năng căn hộ để ở, nhưng bị cáo Hoàng cho rằng, giá trị cổ phần là 14.433 đồng/cổ phần là giá giả định trong tương lai khi khu đất có chức năng căn hộ ở và quyết định giá khởi điểm để thực hiện thoái vốn là 13.247đồng/cổ phần.
Điều này thể hiện trong thông báo số 140/TB-BCT ngày 31/3/2016 thông báo kết luận của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng tại cuộc họp về việc thoái vốn của Sabeco.
Sau đó, Công ty Attland đã trúng đấu giá 14.733.342 cổ phần, với giá 13.347 đồng/cổ phần, thành tiền là hơn 196 tỷ đồng. Sabeco nhận tiền chuyển nhượng cổ phần là hơn 196 tỷ đồng và rút khỏi liên doanh Sabeco Pearl.
Tại tòa, ông Vũ Huy Hoàng nhiều lần khai rằng, cuộc họp ngày 29/3/2016 không phải là cuộc họp thẩm định giá như cáo trạng nêu, mà chỉ là cuộc họp xem xét chủ trương thoái vốn.
Bị cáo trình bày: “Tổng công ty đề nghị lựa chọn 3 nhà đầu tư với các giá khác nhau. Tôi không chọn giá nào, chỉ nói, việc triển khai phải căn cứ vào các quy định của pháp luật, đảm bảo quyền lợi các cổ đông, đặc biệt là cổ đông vốn Nhà nước”.
Theo lời khai của ông Hoàng, bị cáo dừng mọi công việc sau cuộc họp ngày 23/6/2016. Từ ngày 1/4/2016 trở đi, bị cáo không tham gia vào khâu nào, công đoạn nào trong quá trình thoái vốn của Sabeco. Đến ngày 30/5/2016, Sabeco mới xây dựng phương án thoái vốn chính thức.
Đến tháng 6/2016, Sabeco tiến hành đấu giá và đến ngày 26/8/2016 Sabeco báo cáo Bộ để phê duyệt. Quá trình thoái vốn kết thúc vào năm 2017.
“Quá trình thoái vốn tôi không tham gia, không can thiệp, không có ý kiến, HĐXX có thể hỏi những người có liên quan”, lời cựu Bộ trưởng.
Theo lời khai của ông Vũ Huy Hoàng: Tại kỳ họp cuối cùng Quốc hội khóa 13, diễn ra vào cuối tháng 3, đến ngày 8/4/2016, bị cáo được Quốc hội miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng.
Kể từ khi không còn làm việc theo quyết định bãi nhiệm tư cách Bộ trưởng Bộ Công Thương, bị cáo không tham gia bất cứ việc gì của Bộ, chứ đừng nói đến công việc liên quan đến Sabeco.
“Tôi không có tác động, gây ảnh hưởng, không có động cơ, mục đích, hay tư lợi gì trong việc thoái vốn của Sabeco. HĐXX, luật sư có thể hỏi Sabeco hay bộ phận quản lý vốn Nhà nước ở Sabeco, hỏi xem tôi có tác động, chỉ đạo quá trình thoái vốn hay không”, ông Hoàng trình bày.
Theo T.Nhung/Vietnamnet