Chết đi sống lại dưới huyệt mộ
Ngày ấy, đất nước còn khó khăn, những gia đình nông thôn thường xuyên không đủ gạo ăn, bữa cơm phải độn thêm khoai sắn. Chính vì thế, những đứa trẻ sinh ra thường thiếu tháng, còi cọc. Bà Nguyễn Thị Tuấn, mẹ Kinh (tên thuở nhỏ của võ sư Huỳnh) mang thai cậu đến tháng thứ 7 vẫn gầy gò, nhợt nhạt.
Đơn giản vì không được ăn no, lại làm việc luôn chân tay. Rạng sáng 23/9/1966, bà Tuấn thấy trong người khó chịu, cứ tưởng là đau bụng thông thường vì khi ấy thai nhi trong bụng mới bước sang tháng thứ 7.
|
Võ sư Huỳnh không chỉ nổi tiếng về võ học mà còn cả y học. |
Cơn đau ngày một dữ dội, người mẹ lần mò tìm chỗ vệ sinh, vừa đến cửa chuồng trâu, bà Tuấn gục luôn tại đó. Bà giật mình phát hiện tiếng khóc, bà đã sinh non con trai ngay trước cửa chuồng trâu.
Quá hoảng sợ, bà chỉ biết kêu gào mong ai đón đến cứu con mình. May mắn một người hàng xóm sang xin lửa nấu cơm bèn gọi thêm người hỗ trợ. Đứa trẻ nhanh chóng được bế lên, dùng cật nứa trên mái tranh chuồng châu để cắt rốn.
Cả gia đình chưa kịp vui mừng thì phát hiện cháu bé sơ sinh bị nhiễm trùng uốn ván do dùng cật nứa cắt rốn. 3 ngày sau khi chào đời, bé Kinh lên cơn sốt, quấy khóc không ai dỗ được. Mọi người cho rằng con mình bị sài giật, người cha đã dùng phương pháp dân gian để chữa.
Ông lội xuống ao trước nhà, nhổ cho bằng sạch cọc lên, hàng chục chiếc cọc được nhổ mà con vẫn sốt cao, khóc ngặt. Sang đến ngày thứ 7 thì bé Kinh tắt thở. Các y tá trong thôn đến khám, bắt mạch đều khẳng định cậu đã chết.
Ngay chiều hôm ấy, cả nhà đau đớn đem con ra bãi gò chôn cất. Trong lúc đó, bà nội của Kinh, cụ Nguyễn Thị Tỵ biết tin cháu lâm bệnh đã hộc tốc bắt xe từ Hải Phòng về nhìn mặt lần cuối.
Vì đường đất quá xa xôi, mọi người không thể chờ bà nội về nhìn mặt cháu, bà Tuấn quấn con vào một chiếc áo mưa cũ hạ xuống huyệt sâu chừng 40cm. Đất đang được lấp lên thi thể cháu bé xấu số thì bà nội Kinh xuất hiện.
Cụ gào khóc thảm thiết, xót thương cho đứa cháu đoản số, cụ nhất mực đòi nhìn mặt cháu lần cuối cùng. Vậy là từng vốc đất vừa hất xuống nhanh chóng được gạt ra.
Bà nội Kinh không tin vào mắt mình khi lật lớp áo mưa ra, miếng tã lót đặt trên mặt phập phồng nhẹ. Là người hiểu biết về y học, cụ Tỵ đưa tay lên ngực cháu rồi sơ cứu, hô hấp nhân tạo. Bé Kinh được đưa lên bệnh viện Gồ (Sơn Tây) cách đó gần 20km.
Thật may mắn, tại đây bé được một bác sĩ người Đức tận tình cứu chữa, tiêm thuốc, truyền dinh dưỡng. Sau hơn 3 tháng, bé Kinh đã qua cơn nguy kịch, nhưng bị liệt toàn thân. Người nhà lặng đi mỗi lần nhìn thấy bé Kinh nằm co quắp trên giường bệnh.
Tại bệnh viện Gồ các bác sĩ làm khai sinh cho bé là Lương Ngọc Huỳnh. Thương cháu, bà nội Huỳnh ngày ngày trò chuyện, xoa nắn chân cho cháu hy vọng một điều kỳ diệu nữa xảy ra. Cứ nghe đâu có thầy, có thuốc là bà nội lại lên đường.
Bên cạnh đó, bà nội lặn lội lên rừng Phú Mãn cách đó cả chục cây số để hái lá thuốc Nam sắc cho cháu uống. Ông trời đã không phụ công, sau 4 năm ròng rã kiếm lá cây, chân cháu Huỳnh đã mềm ra, mở rộng hơn, không còn co quắp. Cứ như thế, bước sang tuổi thứ 5, Huỳnh đã bắt đầu chập chững tập đi.
Được bà nội trị liệu, cho uống thuốc Nam, 7 tháng sau Huỳnh đi lại bình thường dù còn hơi yếu. Sau nhiều đêm suy nghĩ, cụ Tỵ quyết định truyền dạy võ thuật cho cháu mình, chỉ có vậy mới mong cháu khỏe mạnh như chúng bạn.
Không chỉ các động tác võ, bà nội còn dạy Huỳnh cách thở, vận khí công, các huyệt đạo quan trọng trên cơ thể. Mọi người trong gia đình hết sức ngạc nhiên vì cậu bé còi cọc lại rất say sưa với võ học.
|
Võ sư Huỳnh trong buổi kỷ niệm thành lập môn phái. |
Huỳnh nhanh chóng tiếp thu được những tinh hoa của bà nội truyền lại. Điều đặc biệt sức khỏe của Lương Ngọc Huỳnh được cải thiện trông thấy, dẻo dai lạ thường.
Thành tựu đáng nể
Năm 1990, khi Lương Ngọc Huỳnh vừa tròn 24 tuổi là bước ngoặt vô cùng quan trọng trong cuộc đời người đàn ông kỳ lạ này. Với mong muốn gìn giữ, nhân rộng những tinh hoa võ học gia truyền, ông quyết định xin phép sáng lập ra môn phái Lâm Sơn Động.
Ý tưởng vừa đưa ra, chính quyền tỉnh Hà Tây (cũ) nhiệt liệt ủng hộ. Rất nhiều các võ đường mở ra khắp địa bàn tỉnh, thu hút hàng ngàn võ sinh. Danh tiếng của võ sư đặc biệt này lan rộng khắp cả nước, thậm chí vượt qua cả biên giới.
Bên cạnh những tinh hoa gia truyền, võ sư Lương Ngọc Huỳnh còn mày mò sang tận Trung Quốc học hỏi những tinh hoa của nước bạn. Từ đó sáng tạo, cải tiến thêm cho môn phái của mình tại quê nhà. Năm 1998, 1999, ông được mời sang Pháp dạy võ tại Trung tâm Võ thuật Paris.
Sau khi thành danh với võ học, võ sư Lương Ngọc Huỳnh còn tìm tòi, theo đuổi lĩnh vực y khoa theo tâm nguyện của bà nội. Ông chữa khỏi cho rất nhiều người, đặc biệt là nhóm bệnh xương khớp.
Cho đến năm 2001, võ sư Huỳnh quyết định sang Nga để truyền bá võ học và phát triển nghề thuốc. Ông quyết định mở võ đường tại Trung tâm Thương mại Sông Hồng tại thủ đô Moskva, nơi có rất nhiều người Việt Nam sinh sống.
|
Võ sư Lê Ngọc Huỳnh trong một buổi vinh danh. |
Khi đó môn phái Lâm Sơn Động chỉ là con số 0 ở đất nước Nga xa xôi. Mọi người chủ yếu chỉ biết đến Thiếu Lâm Tự, Võ Đang. Khó khăn chồng chất khó khăn, tưởng chừng ông đã thất bại trên đất Nga.
Ông đã tìm mọi cách để tiếp cận và truyền bá. Võ sư Huỳnh cho hay: "Khi ấy tôi cho đăng tin quảng cáo ở rất nhiều nơi, thậm chí cả những tờ báo lá cải về buổi biểu diễn của mình. Tôi đã cố gắng biểu diễn những chiêu "độc" nhất để lấy lòng tin của mọi người".
Để mọi người biết đến chỉ còn một cách thách đấu những đối thủ sừng sỏ. Ông lên đài truyền hình ở Nga tìm đối thủ hạng cân từ 80kg trở xuống để thách đấu. Với vóc dáng nhỏ bé, nặng 53kg, ông đã khiến nhiều cao thủ thấy nóng mắt. Trong đó có Igore, nhà vô định Sambo (môn võ tự do của Nga) nhận lời thách đấu.
Trận đấu giữa võ sư Huỳnh và Igore thu hút rất nhiều người. Hàng ngàn người tại thủ đô Matx - cơ - va kéo đến võ đường của Lâm Sơn Động theo dõi. Trước khi trận đấu diễn ra, võ sư Huỳnh xin được thử vài chiêu trước.
Mặc dù là nhà vô địch, cân nặng lên tới 120kg nhưng những đòn của Igore đều bị ông Huỳnh hóa giải, đồng thời đáp trả bằng những độc chiêu có một không hai. Giờ thi đấu đã đến, nhà vô địch Igore lặn mất dạng sau khi nếm vài đòn của võ sư Huỳnh.
Sau 3 tháng Igore trở lại võ đường để xin làm đệ tử của môn phái. Kể từ đó, võ đường Lâm Sơn Động ngày càng đông, thu hút rất nhiều võ sinh nước ngoài.
Võ sư Huỳnh bắt đầu nghĩ đến việc khám chữa bệnh tại Nga, ban đầu ông chữa trị cho các võ sinh của mình bằng phương pháp rất riêng. Sau một thời gian ngắn, tiếng của ông bắt đầu được nhiều người biết đến.
Riêng với những người già, người nghèo khó, ông sẵn sàng khám và cho thuốc miễn phí.
Không những vậy võ sư Lương Ngọc Huỳnh còn theo học tại Trường Đại học Y khoa Moskva để lấy bằng bác sĩ dân tộc; rồi học thêm chuyên khoa thần kinh, dược.
Ông tự mày mò nghiên cứu phương pháp bắt mạch, kết hợp với những bài thuốc bà nội mình truyền dạy trước đây.
Đề án cách dùng khí công chữa bệnh của ông được gửi cho Viện Hàn lâm Khoa học Mông Cổ. Sau rất nhiều lần kiểm tra, cuối cùng ông đã được viện này công nhận là Viện sĩ.
Chẳng mấy chốc tiếng tăm của võ sư - bác sĩ - viện sĩ Lương Ngọc Huỳnh được rất nhiều người biết đến. Đã có rất nhiều quan chức tại Nga tìm tới ông chữa trị. Rồi cả những thương gia, chính trị gia Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan… dùng cả chuyên cơ riêng tìm đến nhờ cậy ông chữa trị.
Một trong những khách VIP mà võ sư Huỳnh nhớ nhất là ông chủ Dầu mỏ, Chủ tịch của câu lạc bộ bóng đá nổi tiếng Chelsea - Roman Abramovich.
"Do chữa bệnh cho ông chủ của Chelsea nên được ông ấy rất quý, tặng luôn tôi một phòng khám. Với mong muốn mô hình được nhân rộng và chữa trị cho nhiều người hơn" - võ sư Huỳnh tiết lộ.
>>> Mời quý độc giả xem video Người đàn ông tuyển vợ kỳ lạ (nguồn VTC):
Theo Phong Anh/CAND