Thông tin ông Lương Duy Hanh, chuyên viên Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên Môi trường vừa được Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà phê duyệt quy hoạch vào vị trí Vụ trưởng Vụ Thẩm định và Vụ trưởng Vụ Quản lý chất thải (thuộc Tổng cục Môi trường) khiến dư luận bất ngờ, thậm chí sốc.
Bởi ông Lương Duy Hanh chính là người đã bị Bộ TN&MT cách chức Cục trưởng Cục Kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường vào tháng 6/2017, do có những vi phạm liên quan sự cố Formosa Hà Tĩnh. Ông Hanh sau đó được điều chuyển về làm chuyên viên Vụ Pháp chế (Bộ TN&MT.
Những vi phạm của ông Lương Duy Hanh đã từng được Ủy ban Kiểm tra Trung ương chỉ rõ tại kỳ họp thứ 13 năm 2017 như thiếu trách nhiệm khi làm trưởng đoàn thanh tra đối với dự án Formosa; không tham mưu giám sát việc thực hiện các công trình bảo vệ môi trường trong giai đoạn thi công xây dựng và vận hành thử nghiệm. Đồng thời, Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định thi hành kỷ luật cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với ông Lương Duy Hanh.
|
Ông Lương Duy Hanh. |
Một cán bộ từng bị cách chức Cục trưởng, bị cách tất cả các chức vụ trong Đảng như ông Lương Duy Hanh lại được quy hoạch vào vị trí vụ trưởng khiến dư luận đặt nhiều câu hỏi về việc quy hoạch này có đúng quy định trong công tác cán bộ hay không? Bộ TN&MT đã thẩm định kỹ càng, thận trọng đánh giá cán bộ khi đưa vào diện quy hoạch hay chưa?
Đầu tiên phải khẳng định, Bộ TN&MT đã nghiên cứu rất kỹ các quy định của pháp luật trong việc quy hoạch một cán bộ từng bị kỷ luật cách chức vụ vào vị trí vụ trưởng như ông Lương Duy Hanh.
Bởi theo quy định tại điều 82, Luật Cán bộ công chức 2008 hiện hành nêu rõ: “Cán bộ, công chức bị kỷ luật từ khiển trách đến cách chức thì không thực hiện việc nâng ngạch, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực; hết thời hạn này, nếu cán bộ, công chức không vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật thì tiếp tục thực hiện nâng ngạch, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm theo quy định của pháp luật."
Đồng nghĩa với việc, nếu cán bộ, công chức bị kỷ luật từ khiển trách nhưng đã hết thời hạn 12 tháng kể từ ngày có quyết định xử lý kỷ luật có hiệu lực thì cán bộ, công chức đó có thể được xem xét quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm theo quy định của pháp luật.
Như vậy, nếu xét về khía cạnh pháp lý thì việc quy hoạch ông Hanh vào vị trí vụ trưởng không có vấn đề gì bởi đến nay, ông Hanh đã qua thời hạn thi hành kỷ luật, trong thời gian thi hành kỷ luật không có vi phạm khác nên được trong diện thực hiện quy trình hoạch cán bộ.
Bởi trên thực tế, quan điểm chung về công tác cán bộ của Đảng là khi kỷ luật không đồng nghĩa mọi cơ hội đóng góp cống hiến khép lại nếu cán bộ đó biết sửa sai, tạo điều kiện cho cán bộ phấn đấu.
Tuy nhiên, khi quy hoạch cán bộ đã từng bị kỷ luật, ngoài căn cứ theo quy định cũng cần phải có sự cân nhắc, thận trọng nắm bắt dư luận cán bộ, đảng viên, nhân dân, đồng thời, đánh giá uy tín cán bộ đó có đủ để được quy hoạch vào chức vụ đó hay không?
Một cán bộ đã từng bị kỷ luật đến mức phải cách tất cả các chức vụ trong Đảng, cách chức cục trưởng đồng thời đã sụt giảm uy tín trong lòng người dân. Trong thời gian bị kỷ luật cho đến nay, cán bộ này đã tạo được dấu ấn gì đặc biệt, đã lấy lại niềm tin của người dân hay chưa?
Bởi dù “đúng quy trình” khi đưa vào diện quy hoạch nhưng trong thời gian bị kỷ luật và sau thời gian bị kỷ luật, cán bộ không tạo được dấu ấn, không được người dân đánh giá cao, thậm chí từng sụt giảm uy tín thì liệu có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ khi được bổ nhiệm vào chức vụ đã quy hoạch hay không?
Nếu chỉ cần làm một cuộc khảo sát lấy ý kiến người dân về việc quy hoạch cán bộ này thì đa số sẽ không đồng tình, thậm chí nhiều ý kiến sẽ phản đối bởi việc quy hoạch như Bộ TN&MT giải thích không đủ sức thuyết phục.
Một minh chứng điển hình cho sự sụt giảm niềm tin của người dân vào ông Lương Duy Hanh được thể hiện vào tháng 7/2017,Tổng cục Môi trường Nguyễn Văn Tài ký Quyết định số 788/QĐ-TCMT về việc kiểm tra hệ thống xử lý môi trường tại Formosa Hà Tĩnh, giao ông Lương Duy Hanh làm Phó trưởng đoàn, trong khi trước đó 1 tháng, ông Hanh từng bị cách chức Cục trưởng Cục Kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường.
Do vậy, ngay sau tiếp nhận thông tin trên, nhiều người dân đã bày tỏ sự không đồng tình với việc Tổng cục Môi trường đưa ông Hành làm phó đoàn kiểm tra khiến Tổng cục Môi trường sau đó phải điều chỉnh việc đề xuất ông Hanh tham gia phối hợp tại các đoàn công tác kiểm tra tại Formosa.
Một cán bộ từng bị kỷ luật nặng do thiếu trách nhiệm khi làm trưởng đoàn thanh tra đối với dự án Formosa; không tham mưu giám sát việc thực hiện các công trình bảo vệ môi trường trong giai đoạn thi công xây dựng và vận hành thử nghiệm thì đó là một dấu ấn xấu, làm mất niềm tin của người dân. Một cán bộ từng đánh mất đi giá trị của chính bản thân mình như thế liệu có xứng đáng được quy hoạch?
Trong khi đó, tại Bộ TN&MT có rất nhiều cán bộ, chả nhẽ không còn ai có đủ năng lực, đủ uy tín, đủ tài đức để quy hoạch vào vị trí vụ trưởng hay sao mà Bộ này quyết tâm quy hoạch một cán bộ đã từng mắc những vi phạm nghiêm trọng như thế vào vị trí vụ trưởng. Bởi trong công tác cán bộ, việc quy hoạch cán bộ được đánh giá là khâu mở đầu nhưng có ý nghĩa vô cùng quan trọng đòi hỏi cán bộ phải có phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; trình độ, năng lực công tác, uy tín và triển vọng phát triển. Tại sao không dành chỗ cho người có phẩm chất chính trị đạo đức, có lối sống và năng lực công tác tốt, có năng lực nổi trội hơn là những cán bộ đã từng đánh mất uy tín của bản thân.
Đến bây giờ nhiều người vẫn hi vọng, quy hoạch ông Lương Duy Hanh vào vị trí vụ trưởng chỉ là sự hiểu lầm nhưng thực tế, quyết định phê duyệt quy hoạch cán bộ đã được Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà ký và không có sự hiểu lầm khiến nhiều người rất… tâm tư, quan ngại.
Tâm Đức