Cửa hàng thuốc “ngã ngửa” vì bị từ chối cấp giấy đi đường

Google News

Hoàn thiện nhiều thủ tục, chờ đợi 2 ngày sau khi nộp hồ sơ xin cấp giấy đi đường, tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp, trong đó có cả doanh nghiệp kinh doanh thuốc bị từ chối vì "không thuộc mục Hoạt động công vụ, công ích thiết yếu theo nhóm 6" cấp giấy đi đường nhận diện QR Code.

Cửa hàng thuốc cũng bị từ chối cấp giấy đi đường
Theo ghi nhận của Báo Lao Động, nhiều người dân, doanh nghiệp đã trực tiếp đến các trụ sở công an phường để xin cấp giấy đi đường mẫu mới. Nhưng họ lại được cán bộ trực ban của công an phường giải thích và mời về liên hệ với cảnh sát khu vực qua Zalo hoặc qua email để được hướng dẫn, giải quyết.
Tuy nhiên, sau khi làm việc online, nhiều doanh nghiệp kinh doanh hàng thiết yếu lại không thuộc đối tượng cấp giấy đi đường nhận diện QR Code lần này.
Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, chị Hằng - chủ một cửa hàng thuốc ở quận Đống Đa, Hà Nội cho biết, chị nộp hồ sơ đăng ký giấy đi đường qua email vào ngày 4.9 cho 2 nhân viên ở cửa hàng thuốc. Tuy nhiên việc nhận được phản hồi cửa hàng thuốc "không thuộc đối tượng" được cấp giấy đi đường, khiến bị "ngã ngửa" vì bất ngờ.
Qua kiểm tra thông tin, Công an phường cho rằng, cửa hàng của chị không phải các tổ chức, cá nhân và các trường hợp cấp thiết khác phục vụ thực hiện các hoạt động công vụ, công ích thiết yếu theo thông báo của Công an TP. Hà Nội. Do vậy, không thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND phường.
"Chúng tôi biết rằng, để sau ngày 21.9 không phải giãn cách xã hội tiếp, thì việc rà soát và làm chặt là cần thiết, nhưng các công ty kinh doanh mặt hàng thiết yếu như dược phẩm phải được cấp giấy đi đường có kiểm soát.
UBND phường quá vô lý khi cho rằng cửa hàng thuốc không phải doanh nghiệp thuộc mục Hoạt động công vụ, công ích thiết yếu theo nhóm 6 để được cấp giấy đi đường lần này. Thử hỏi, nếu tất cả nhân viên bán thuốc không được ra đường thì người dân biết mua thuốc ở đâu”, chị Hằng bức xúc.
Cua hang thuoc “nga ngua” vi bi tu choi cap giay di duong
Nhiều doanh nghiệp bức xúc vì không được cấp giấy đi đường. Ảnh minh hoạ, Cường Ngô 
Nhiều thủ tục nhiêu khê
Anh Sơn Tùng - chủ một doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp ở Hà Nội cũng rất lo lắng không biết doanh nghiệp của mình có thuộc diện được cấp giấy đi đường mới hay không? Bởi, mặc dù đã làm thủ tục xin cấp giấy đi đường từ 3 hôm trước, nhưng đến giờ, anh vẫn chưa nhận được phản hồi email từ UBND phường.
"Chúng tôi vừa nhận được giấy đi đường, lịch trực vào ngày 1.9, ngay sau đó lại nhận được thông tin làm lại từ đầu. Qua nhiều thủ tục nhiêu khê khiến bản thân doanh nghiệp, kể cả cán bộ phường cũng không biết phải làm thế nào mới đúng và đủ.
Tại sao không dùng giấy đi đường cũ và kiểm soát thật chặt người ra đường không có lý do chính đáng, cũng như có chế tài mạnh tay đối với các đối tượng này, anh Tùng cho hay.
Theo anh Tùng, trong trường hợp doanh nghiệp của anh không được cấp giấy đi đường mới, anh và một số nhân viên thuộc các vị trí như kế toán trưởng, bộ phận xuất nhập khẩu đã chuẩn bị phương án dọn đến công ty ở để thực hiện "3 tại chỗ". Nhưng, việc thực hiện "3 tại chỗ' có rất nhiều bất cập và phát sinh chi phí.
"Công ty chúng tôi chuyên xuất nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp, thường xuyên phải làm việc với ngân hàng, các chứng từ cũng phải gửi qua nhiều bộ phận chuyên trách khác nhau. Nếu không có giấy đi đường, chúng tôi không thể ra ngoài để làm những việc đó được.
Đại dịch đã khiến doanh nghiệp lao đao, hàng hoá không bán được, chi phí xét nghiệm tăng cao, lương vẫn phải đảm bảo cho người lao động, giờ thêm những khó khăn về thủ tục cấp giấy đi đường nữa, doanh nghiệp không biết xoay sở thế nào" anh Tùng chia sẻ.
Ông Nguyễn Thái Dũng - Tổng Giám đốc Công ty bán lẻ BRG - cũng cho biết, hệ thống siêu thị đến thời điểm tối muộn ngày 5.9 cũng mới chỉ nhận được QR Code cho ôtô, còn chưa nhận được giấy đi đường cho người lao động.
"Doanh nghiệp chỉ biết gửi email cho Sở Công Thương. Sau đó Sở gửi email cho phía công an và ngồi chờ kết quả", ông Dũng cho hay vẫn chưa có giấy hẹn hay bất kỳ email hẹn trả kết quả nào. Ông lo ngại tình trạng quá tải có thể làm gián đoạn việc cấp giấy đi đường mẫu mới.
Ông Minh - Giám đốc một công ty xăng dầu tại Hà Nội cũng cho biết, dù vào ngày cuối tuần, nhưng vừa qua, doanh nghiệp vẫn phải cố gắng túc trực để sau khi có hướng dẫn của cơ quan chức năng là nộp hồ sơ ngay.
Việc duy trì là kinh doanh là một phần, điều ông Minh lo ngại nhất là những bất tiện cho phía người dân, khách hàng khi việc cung ứng những mặt hàng thiết yếu bị gián đoạn.
Vị giám đốc doanh nghiệp này mong muốn có một mẫu giấy thông hành thống nhất, xuyên suốt, tránh tình trạng thay đổi quá nhiều khiến việc đáp ứng mất thời gian, khó khăn.
Theo Cường Ngô/Lao Động