Cử tri lo lắng ghế trống Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng chưa có chủ

Google News

(Kiến Thức) - ĐBQH cho rằng, nhiều cử tri và nhân dân Đà Nẵng quan tâm, lo lắng về sự chậm trễ kiện toàn vị trí cán bộ chủ chốt, không có Chủ tịch HĐND thành phố, thiếu một Phó Chủ tịch HĐND thành phố và Phó Chủ tịch UBND thành phố.

Thảo luận tại hội trường Quốc hội về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2018, ghi nhận những kết quả đạt được nhưng đại biểu Nguyễn Thanh Quang (Đà Nẵng) cũng cho rằng, quá trình quản lý tại địa phương nổi lên hàng loạt sai phạm trong lĩnh vực quy hoạch quản lý đất đai, xây dựng, công tác cán bộ.
 Đại biểu Nguyễn Thanh Quang. Ảnh: Quochoi.vn
Đáng chú ý, ông Nguyễn Thanh Quang thừa nhận, Đà Nẵng đang nằm trong tình trạng trên mà nhiều cử tri và nhân dân quan tâm lo lắng.
“Đó là sự chậm trễ kiện toàn vị trí cán bộ chủ chốt, không có Chủ tịch HĐND thành phố, thiếu một Phó Chủ tịch HĐND thành phố và Phó Chủ tịch UBND thành phố", đại biểu Nguyễn Thanh Quang nói.
Ông Quang dẫn giải, từ năm 2000 - 2012 chính quyền Đà Nẵng có chủ trương trong thời hạn 60 ngày người dân và doanh nghiệp được giao đất nộp đủ số tiền được giảm 10% trên tổng số tiền phải nộp. Trong giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp, thời hạn sử dụng được xác định lâu dài nếu nộp đủ tổng số tiền theo giá đất ở.
Đến năm 2012 trong kết luận của Thanh tra Chính phủ chỉ ra những sai phạm đồng thời yêu cầu Đà Nẵng phải thu hồi số tiền 10% đã giảm và điều chỉnh thời hạn giao đất cho các doanh nghiệp.
“Nhưng thực tế cho thấy, nhiều trường hợp doanh nghiệp và người dân bán đi, bán lại nhiều lần phần diện tích đất nêu trên. Những chủ nhân hiện nay, ngoài việc phải mua lại đất theo giá thị trường vừa phải thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ vừa trả thêm 10% tiền sử dụng đất mà chủ gốc đã được giảm…”, đại biểu Quang nêu.
Đại biểu Đà Nẵng kiến nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét có cơ chế xử lý theo hướng chấp nhận cho người dân và doanh nghiệp không phải nộp thêm khoản 10% tiền sử dụng đất và xem xét đến việc không điều chỉnh thời hạn sử dụng đất. Bởi hiện nhiều hộ gia đình trong số đó có hoàn cảnh hết sức khó khăn, còn trên 8.000 hộ dân chưa đủ tiền để trả tiền đất, họ vẫn còn nợ.
Cũng theo đại biểu Nguyễn Thanh Quang, mặc dù một số công trình phục vụ an sinh người dân đã sử dụng hơn 3 năm qua nhưng đến nay Chính phủ vẫn chưa cấp kinh phí để trả cho doanh nghiệp.
“Điều đó ảnh hưởng rất lớn cho doanh nghiệp, gây khó khăn cho doanh nghiệp, vì không có vốn để sản xuất, kinh doanh, đồng thời ảnh hưởng lớn đến uy tín của Chính phủ và chính quyền địa phương, vì khi ký kết với doanh nghiệp đã cam kết sẽ thanh toán cho họ trong thời gian ngắn sau khi làm xong công trình”, đại biểu Quang nói.
Hải Ninh