Ngày 20/5, trong phiên khai mạc kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội nghe Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV.
3.518 ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân cả nước
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho biết, từ sau kỳ họp thứ sáu Quốc hội khóa XIV đến nay, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổng hợp được 3.518 ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân cả nước thông qua các Đoàn đại biểu Quốc hội và hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các tổ chức thành viên.
Cử tri, nhân dân còn lo lắng về một số vấn đề như: an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường chậm được cải thiện; xuất hiện một số hành vi thiếu chuẩn mực về đạo đức, lối sống trong xã hội; một số vụ án giết người nghiêm trọng gây hoang mang trong Nhân dân; tình hình mua bán, vận chuyển ma túy rất phức tạp; xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông, cháy, nổ nghiêm trọng; việc điều chỉnh giá điện, giá xăng trong thời gian qua đã có ảnh hưởng ít nhiều đến cuộc sống của người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh; tình hình khiếu nại, tố cáo còn bức xúc ở một số địa phương…
|
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn trình bày báo cáo tại phiên họp.
|
Hoạt động tín ngưỡng: “dâng sao giải hạn”, “thỉnh vong” trục lợi gây bức xúc
Cụ thể, về kinh tế - xã hội, cử tri, nhân dân rất bức xúc việc một số cơ sở, doanh nghiệp, trường học bất chấp quy định của pháp luật, cố tình sản xuất, kinh doanh và sử dụng thực phẩm không an toàn, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân, nhất là trẻ em.
Điển hình như vụ việc có hơn 200 trẻ ở Bắc Ninh có kết quả dương tính với sán lợn; vụ hơn 200 học sinh Trường Mầm non Xuân Nộn (xã Xuân Nộn, huyện Đông Anh, Hà Nội) bị ngộ độc thực phẩm, phải nhập viện cấp cứu; vụ 352 học sinh Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (thành phố Ninh Bình) phải nhập viện cấp cứu với các biểu hiện đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy; vụ 150 học sinh của Trường Tiểu học bán trú Xín Cái, huyện Mèo Vạc (Hà Giang) có biểu hiện buồn nôn, đi ngoài sau khi ăn trưa tại trường do thịt lợn dùng để chế biến đã bị nhiễm khuẩn.
Cử tri đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công thương, các bộ, ngành chức năng và địa phương tăng cường các biện pháp kiểm tra, kiểm soát thị trường, giám sát chặt chẽ an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.
Cử tri cũng đề cập việc lợi dụng hoạt động tín ngưỡng như “dâng sao giải hạn”, “thỉnh vong” để trục lợi ở một số nơi gây bức xúc trong nhân dân, như vụ việc ở chùa Ba Vàng lợi dụng niềm tin của dân thực hiện “lễ thỉnh vong oan gia trái chủ” nhằm thu lợi gây bức xúc trong nhân dân.
Bên cạnh đó, công tác quản lý mạng xã hội chưa chặt chẽ, xuất hiện ngày càng nhiều đối tượng phát tán các hình ảnh, bài viết phản cảm, bạo lực, bịa đặt, làm ảnh hưởng xấu tới lối sống thanh, thiếu niên và trật tự an toàn xã hội. Điển hình như vụ Khá Bảnh, Phúc XO phát tán nhiều clip và hình ảnh có tính chất giang hồ trên mạng xã hội với mục đích đánh bóng tên tuổi, nhằm trục lợi, ảnh hưởng xấu tới lối sống của thành niên.
Cử tri đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Công an và các bộ, ngành có liên quan tăng cường quản lý an ninh mạng, đẩy mạnh tuyên truyền, định hướng để người dân sử dụng thông tin mạng theo đúng quy định của pháp luật, phù hợp với đạo đức xã hội.
|
Chùa Ba Vàng. |
Đề nghị xử lý nghiêm những cán bộ, công chức là lãnh đạo vi phạm gian lận thi cử
Cử tri, nhân dân cũng phản ánh tình trạng “chạy theo thành tích” vẫn tồn tại, các vụ “bạo lực học đường” liên tiếp xảy ra ở nhiều nơi.
Thống kê của ngành công an cho thấy, trong quý I/2019, trên toàn quốc có 310 vụ bạo lực học đường, chủ yếu là ở lứa tuổi THCS và THPT; trong giai đoạn 2010-2018, có 7.735 học sinh, sinh viên vì đánh nhau bị xử lý kỷ luật, so với 10 năm trước, số vụ bạo hành tại trường học tăng gấp 13 lần.
Bên cạnh đó là sự thiếu trách nhiệm của một bộ phận cán bộ quản lý, lãnh đạo nhà trường và thiếu quyết liệt trong xử lý các vi phạm của cơ quan chức năng gây bức xúc trong nhân dân.
Đặc biệt, cử tri ghi nhận việc Bộ Công an, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cơ quan chức năng đã kiên quyết điều tra, xử lý các vụ gian lận điểm thi ở các tỉnh Hà Giang, Hòa Bình và Sơn La. Song đề nghị xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm, nhất là những cán bộ, công chức là lãnh đạo, quản lý để lấy lại niềm tin của nhân dân.
Về an ninh trật tự, an toàn xã hội, cử tri lo ngại về tình hình tội phạm còn diễn biến phức tạp, tính chất tội phạm ngày càng nguy hiểm, manh động, liên tiếp xảy ra các vụ án giết nhiều người, các vụ xâm hại tình dục, dâm ô với trẻ em. Đặc biệt là nhiều vụ buôn bán, tàng trữ, vận chuyển ma túy với quy mô, số lượng rất lớn.
Điển hình như vụ phát hiện và thu giữ là 1.178kg ma túy tại Việt Nam và Philippines trong một đường dây vận chuyển ma túy xuyên quốc gia; vụ công an các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Sơn La và lực lượng cảnh sát biển đã triệt phá thành công và thu giữ 250 bánh heroin; vụ bắt giữ một đối tượng người Lào vận chuyển trái phép hơn 278 kg ma túy tổng hợp tại Hà Tĩnh; Vụ Cục cảnh sát điều tra tội phạm ma tuý (Bộ Công an) phối hợp Cục Hải quan TP.HCM bắt Liu Ming Yang (34 tuổi, người Đài Loan) trong đường dây mua bán ma túy xuyên quốc gia, thu giữ 500 kg ma túy xuyên quốc gia, trị giá 500 tỷ đồng.
Liên quan đến tình hình tai nạn giao thông, dù đã giảm cả ba tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương. Tuy nhiên, cử tri vẫn hết sức lo lắng trước việc liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, làm chết nhiều người, tình trạng nhiều lái xe sử dụng rượu, bia, ma túy dẫn đến mất kiểm soát hành vi, gây tai nạn nghiêm trọng; việc tổ chức thi và cấp giấy phép lái xe còn lỏng lẻo.
Cử tri đề nghị Bộ GTVT, Bộ Công an tăng cường hoạt động tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; chấn chỉnh việc đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; đề xuất sửa đổi, bổ sung những bất cập trong quy định xử lý vi phạm.
Bên cạnh đó, cử tri vẫn lo ngại về tình trạng “chạy chức, chạy quyền”, tiêu cực trong tuyển dụng, chuyển ngạch công chức, viên chức. Dù cử tri ghi nhận sự quyết liệt trong điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, xử lý, kỷ luật nghiêm những cán bộ lãnh đạo có vi phạm, kể cả đương chức hay nghỉ hưu theo tinh thần “không có vùng cấm”. Tuy nhiên, cử tri vẫn phản ánh công tác phát hiện, xác minh, điều tra, truy tố, xét xử một số vụ án còn chậm, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng còn thấp, tình trạng nhũng nhiễu, “tham nhũng vặt” của một bộ phận công chức, viên chức chưa được khắc phục và đề nghị Đảng, Nhà nước tiếp tục quyết liệt, mạnh tay hơn nữa trong đấu tranh chống tham nhũng.
Bên cạnh đó, cử tri và nhân dân cả nước kiến nghị những vấn đề liên quan đến quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, an ninh trật tự, an toàn xã hội, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí như việc quản lý đất đai, tài sản công chưa chặt chẽ gây thất thoát lớn tài sản của Nhà nước; việc tổ chức thực hiện các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm quốc gia thiếu tính đồng bộ; chậm tiến độ trong đầu tư công; một số dự án “treo” gây lãng phí; chưa có giải pháp căn cơ giải quyết tình trạng sạt, lở bờ sông, bờ biển đang diễn ra nghiêm trọng ở nhiều nơi; chất lượng khám chữa bệnh ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa còn hạn chế; việc thực hiện sáp nhập các trường mầm non, trường tiểu học, trung học cơ sở ở một số nơi chưa hợp lý; quản lý thực hiện quy hoạch đô thị còn nhiều hạn chế; một số nơi việc giải quyết tồn đọng hồ sơ người có công với cách mạng còn chậm, một số đối tượng lợi dụng chính sách người có công, người bị nhiễm chất độc da cam để “trục lợi”…
Hải Ninh