Chiều 3/9, trong khi hàng trăm người tập trung tại chùa Kỳ Quang 2 (quận Gò Vấp, TP.HCM) tỏ thái độ bức xúc, phẫn nộ trước việc nhà chùa gỡ di ảnh, chất tro cốt của người đã khuất vào xó, thì hình ảnh cụ già tóc bạc trắng lặng lẽ chống gậy lê từng bước nặng nhọc quanh khuôn viên chùa khiến nhiều người chú ý.
Thoát khỏi đám đông những người đang phẫn nộ vì tro cốt của người thân quá cố bị đối xử tệ, PV VTC News tiến tới hỏi chuyện cụ.
|
Cụ Trần Thanh Nhân (81 tuổi, ngụ Phường 7, quận Gò Vấp, TP.HCM) đi tìm tro cốt 3 người thân được gửi tại chùa Kỳ Quang 2. |
Cụ là Trần Thanh Nhân (81 tuổi ngụ Phường 7, quận Gò Vấp, TP.HCM), có tro cốt của 3 người thân đang được gửi tại chùa Kỳ Quang 2. Như hàng trăm người khác, khi hay tin tro cốt và di ảnh của người thân bị chất xó, vứt bừa bãi, cụ bàng hoàng.
Tuy nhiên, ở tuổi 81, cụ không còn bon chen, đúng hơn là không còn sức để đôi co đúng sai. Hay tin, lòng cụ đau đáu, cụ trăn trở vì sao người trụ trì của ngôi chùa danh tiếng lại để xảy ra sự việc trên.
"Tôi là Trần Thanh Nhân, tôi đi tìm tro cốt của bà cố tên là Trần Tám, bà ngoại là Trương Thị Nhàn, mẹ là Trương Thị Kiều. Tôi đến đây để nghe tin tức, kết quả, lý do vì sao sằng bậy mà vứt bỏ hài cốt của người đã khuất.
Còn thể xác thì tiêu tan rồi, nhưng tôi muốn biết nguyên nhân mà ông thầy làm vậy. Còn hài cốt giờ nếu tìm được, cũng chỉ có thể mang rải sông rải biển...", cụ Nhân nói từng tiếng nghẹn ngào, nước mắt chực trào.
|
Hình ảnh cụ Trần Thanh Nhân một mình chống gậy, mò mẫm tìm hài cốt của 3 người thân bị vứt bỏ khiến nhiều người xót xa. |
Sáng sớm, cụ được cháu trai chở đến chùa, vì người này có công việc nên cụ ở lại chùa một mình. Giữa dòng người đang căm phẫn, cụ lẳng lặng quan sát.
Trước lời giải thích của Thượng toạ Thích Thiện Chiếu - Trụ trì chùa Kỳ Quang 2 về việc các hũ tro cốt bị chất đống, di ảnh bị gỡ bỏ là vô tình, là sơ suất trong lúc vệ sinh các hũ tro cốt, cụ chỉ lắc đầu.
Cụ cho biết, cụ đủ minh mẫn để biết được thực hư sự việc ra sao. Song, cụ chỉ mong nhận được lời giải thích, hoán cải từ sư trụ trì. Tuy nhiên, những giải đáp của vị trụ trì làm cụ thất vọng. Sau khi vị trụ trì rời đi, đám đông người đang "bốc hoả" vì sự việc, cụ chống gậy ra về.
Hình ảnh cụ già lưng không còn thẳng, khó nhọc leo lên chiếc xe máy của bác xe ôm trước cổng chùa ra về khiến nhiều người suy nghĩ. Trong số người hướng nhìn về cụ, có không ít người mặc áo tu hành...
|
Cụ Nhân đau đáu, cụ trăn trở vì sao người trụ trì của ngôi chùa danh tiếng lại để xảy ra sự việc trên. |
Liên quan đến sự việc, chiều cùng ngày, trả lời trước hàng trăm người dân, Thượng toạ Thích Thiện Chiếu cho biết không liên quan đến sự việc. Việc các di ảnh bị bong ra là do các nhân viên vệ sinh trong quá trình tẩy rửa các hũ cốt.
Đồng thời, vị này cũng cho rằng không hề nhận tiền phí của người dân khi gửi tro cốt tại chùa. Tuy nhiên, sau câu nói này, hàng trăm người phản ứng gay gắt: "Không nhận tại sao khi chúng tôi đưa, ông lại chắp tay lạy cảm ơn?".
Trước phản ứng gay gắt của người dân, Thượng toạ Thích Thiện Chiếu hứa sẽ cho xét nghiệm ADN để tìm ra đúng tro cốt cho mọi người.
|
Thượng toạ Thích Thiện Chiếu cho rằng không liên quan đến sự việc. |
Trước đó, sáng cùng ngày, khoảng hơn 100 người tập trung tại chùa Kỳ Quang 2 để cùng ký vào đơn khiếu kiện Thượng toạ Thích Thiện Chiếu - Trụ trì chùa Kỳ Quang 2 về hành vi "Xâm phạm mồ mả, thi thể, hài cốt".
Tất cả những người tập trung tại đây đều có tro cốt của người thân được gửi tại chùa. Người gửi một hũ, có người gửi đến hàng chục hũ tro cốt của người thân.
Theo những người phản ánh, những năm gần đây, để được gửi tro cốt vào chùa, phải bỏ ra ít nhất 6 triệu đồng tiền phí. Những người đã gửi từ lâu có giá cao hơn, đỉnh điểm có người phải bỏ hơn hơn 6 cây vàng để có một "dằm" tại chùa cho người thân đã khuất.
Theo Tuệ Lâm/VTC