Cty Nhật Anh ở Huế “ẵm tiền công trình” rồi mất tích: Khuất tất đấu thầu?

Google News

Công ty TNHH Nhật Anh trúng nhiều gói thầu xây lắp tại các trường học trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế. Khi các chủ đầu tư cho tạm ứng tiền, nhà thầu tổ chức thi công “lấy lệ” rồi "biến mất" khiến chủ đầu tư điêu đứng.

Các chuyên gia về đấu thầu cho biết, hiện nay xuất hiện tình trạng nhà thầu không có năng lực nhưng vẫn tìm mọi cách tham gia đấu thầu, bỏ giá thấp để trúng thầu nhưng không đủ khả năng hoàn thiện công trình. Đó là kẽ hở xuất phát từ việc quản lý lỏng lẻo của chủ đầu tư.
"Ôm tiền" - "mất tích"
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực huyện Phú Vang (tỉnh TT-Huế) vừa có tờ trình gửi UBND tỉnh về việc chấm dứt hợp đồng thi công Trường THCS Vinh Thanh (xã Vinh Thanh, huyện Phú Vang) đối với Công ty TNHH Nhật Anh (TP Huế), do nhà thầu chậm thực hiện dự án, bỏ dở công trình, không bảo đảm nghĩa vụ theo hợp đồng đã ký kết.
Trước đó, công trình Trường THCS Vinh Thanh được UBND tỉnh TT-Huế phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật đầu tư xây dựng tại Quyết định 2439/QĐ-UBND ngày 29/10/2018, với tổng mức đầu tư 5,7 tỷ đồng, thời gian thực hiện dự án 3 năm. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực huyện Phú Vang làm chủ đầu tư.
Đối với gói thầu xây lắp, Công ty TNHH Nhật Anh là đơn vị trúng thầu, với giá trị bỏ thầu thấp, chỉ 3,75 tỷ đồng, giảm 22,79% so với giá mời thầu là 4,7 tỷ đồng (phần xây lắp). Nhà thầu đã được chủ đầu tư cho tạm ứng 750 triệu đồng.
Theo hợp đồng ký kết giữa chủ đầu tư và nhà thầu, thời gian thực hiện công trình 240 ngày, từ 29/12/2020 đến 26/8/2021. Tuy nhiên, sau khi trúng thầu, Công ty TNHH Nhật Anh chỉ thi công phần móng, với giá trị khối lượng khoảng 390 triệu đồng, rồi bỏ dở.
Cty Nhat Anh o Hue “am tien cong trinh” roi mat tich: Khuat tat dau thau?
Công trình ở trường Tiểu học số 1 Thủy Phù (xã Thủy Phù, thị xã Hương Thủy) thi công dang dở, nham nhở, khu vực nền móng trở thành một hố nước gây nguy hiểm cho học sinh. Ảnh Báo Xây dựng. 
Công ty TNHH Nhật Anh còn trúng thầu, nhận xong tạm ứng rồi tổ chức thi công qua loa và “mất tích” còn xảy ra tại công trình nhà hiệu bộ Trường tiểu học số 1 Thủy Phù (xã Thủy Phù, thị xã Hương Thủy). Dự án với giá trị hợp đồng xây lắp là hơn 2,259 tỷ đồng, chủ đầu tư là UBND xã Thủy Phù đã cho nhà thầu tạm ứng 450 triệu đồng rồi cũng "mất tích". 
Tại công trình dự án Trường THCS Trần Phú (TP Huế) do Phòng GD&ĐT TP Huế làm chủ đầu tư, Công ty TNHH Nhật Anh trúng thầu xây lắp, mặc dù dự án đã quá thời hạn hoàn thành hơn 3 tháng, nhưng công trình vẫn chỉ là khối bê tông dang dở. Thời gian gần đây, nhà thầu đã cho di chuyển toàn bộ phương tiện thi công, máy móc, công nhân ra khỏi công trình dự án.
Kẽ hở đấu thầu
Ông Nguyễn Mạnh Quân, chuyên gia tư vấn đấu thầu, Công ty luật Minh Vân cho biết, thực tế thời gian qua có tình trạng nhiều nhà thầu ra sức tìm cách bỏ giá thầu thấp để thắng thầu, nhưng khi bắt tay vào thực hiện lại không đủ năng lực, dẫn đến chậm tiến độ, chất lượng công trình không bảo đảm.
Theo ông Quân, thực tế này xuất phát từ việc quản lý lỏng lẻo của không ít chủ đầu tư trong việc lựa chọn nhà thầu thi công, tư vấn giám sát. Đây là nguyên nhân tạo kẽ hở cho nhiều nhà thầu dù không có năng lực thực sự về kỹ thuật, tài chính, nhưng vẫn tìm mọi cách tham gia đấu thầu, trúng thầu giá thấp rồi lại “bán” dự án cho nhà thầu khác hoặc "buông bỏ" sau khi nhận được tiền tạm ứng chênh hơn so với chi phí đã bỏ ra thi công.
Để xử lý, răn đe các nhà thầu "bịp", chủ đầu tư cần chuyển hồ sơ sự việc cho cơ quan công an để điều tra, xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Tiếp đó, cơ quan chức năng phải yêu cầu các chủ đầu tư không điều động, cho chuyển vị trí công tác khác đối với cán bộ, công chức, viên chức đang thực hiện quản lý đầu tư xây dựng các dự án có sai phạm khi chưa khắc phục xong các khuyết điểm, vi phạm mà cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đã kiến nghị xử lý.
Ông Quân cũng cho rằng, lãnh đạo địa phương - nơi có dự án tổ chức đầu thầu cần phải tăng cường công tác kiểm soát chi vốn đầu tư, công tác kiểm tra việc sử dụng vốn tạm ứng đầu tư xây dựng, kịp thời báo cáo, đề xuất với cấp trên xử lý các chủ đầu tư vi phạm việc quản lý vốn đầu tư nhằm ngăn chặn tình trạng tạm ứng, sử dụng vốn sai mục đích, sử dụng vốn không hiệu quả, gây thất thoát, lãng phí vốn đầu tư.
Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính cũng cần tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư công của các chủ đầu tư trên địa bàn để kịp thời phát hiện vi phạm, có biện pháp xử lý, khắc phục các hạn chế, vi phạm trong sử dụng vốn đầu tư công, không để xảy ra việc chiếm dụng vốn kéo dài dẫn tới thất thoát vốn đầu tư.

Nguồn: ANTV

Hiểu Lam