Nói về thực trạng khai thác cát trái phép tái diễn sau khi lực lượng chức năng xử lý, ông Thao cho biết: Một số điểm, lực lượng công an trực tiếp tham gia bắt giữ, sau khi xử lý thì một số nơi cát tặc vẫn ngang nhiên hoạt động trở lại. Như ở Thường Tín (Hà Nội), sau khi Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo, chúng tôi đã bắt giữ, chuyển cho Công an Hà Nội xử lý nhưng chỉ một thời gian sau, hoạt động khai thác cát trái phép lại tái diễn.
Phân tích về nguyên nhân, ông Thao nói: Thứ nhất về chế tài xử lý: theo quy định của pháp luật hiện hành, xử lý hình sự một vụ khai thác cát trái phép là không thể và chỉ có thể xử lý hành chính. Vì chưa có văn bản hướng dẫn nên chúng tôi chỉ có thể bắt giữ, còn chuyển sang khởi tố là điều hết sức khó khăn.
Thứ hai, việc xử lý tàu gặp rất nhiều khó khăn. Theo quy định của pháp luật, xử lý tang vật là phải tịch thu nhưng thực tế thông thường cả gia đình, vợ chồng con cái đều sinh sống ở trên thuyền nên xử lý hết sức khó khăn. Dù có tiến hành thu các phương tiện như máy bơm, vòi hút nhưng chỉ một thời gian sau các đối tượng lại hoạt động trở lại.
Thứ ba, khi các cơ quan chức năng lơi lỏng trong tuần tra, kiểm soát thì các đối tượng lập tức khai thác trở lại ngay.
Cũng theo ông Thao, tại cuộc họp vừa qua, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã nói rõ: Nơi nào để xảy ra tình trạng vi phạm khai thác cát lậu thì nơi đó người đứng đầu phải chịu trách nhiệm.
Trả lời câu hỏi của dư luận về việc có hay không bảo kê cho cát tặc – ông Thao nói: Chúng tôi chưa thấy hiện tượng “bảo kê” cho “cát tặc”. Nhân đây tôi cũng cho rằng, chúng ta không nên dùng chữ “tặc” vì nó nặng nề quá mà nên dùng từ khai thác cát trái phép sẽ chuẩn xác hơn.
Thượng tá Nguyễn Hồng Thao cho biết, trường hợp CSGT Đường thuỷ Ninh Bình đi bắt cát tặc còn bị các đối tượng đánh chìm tàu khiến một chiến sỹ hy sinh. Cụ thể, đêm ngày 23/6 tổ công tác CSGT Đường thủy Phòng CSGT phối hợp với Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Công an tỉnh Ninh Bình đã tiến hành kiểm tra, bắt giữ 4 phương tiện tàu thủy đang khai thác cát trái phép trên sông Đáy (đoạn giáp ranh giữa xã Hồi Ninh, huyện Kim Sơn, Ninh Bình với xã Nghĩa Phú, huyện Nghĩa Hưng, Nam Định).
Tổ công tác đã được trang bị đầy đủ phương tiện, công cụ hỗ trợ cùng áo phao… nhưng trong quá trình đưa 4 tàu cát tặc về trụ sở để xử lý thì 1 tàu bị chìm khiến trung tá Đặng Tuấn Anh hy sinh.
Mới đây, ngày 13/3, khi xua đuổi cát tặc trên sông Hồng, đoạn giáp ranh giữa 3 tỉnh Hưng Yên, Hà Nam và Thái Bình, anh Nguyễn Hồng Quân cho biết đã bị bắn vào bụng, phải cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Hưng Nhân, Thái Bình.
Nạn nhân Quân cho biết, anh cùng anh Vũ Văn Ngọc (28 tuổi, cùng trú tại xã Thái Phương, huyện Hưng Hà) chèo thuyền ra bãi nổi Gò Non trên sông Hồng. Khi đến khu vực ngã ba sông Hồng, đoạn giáp ranh giữa 3 tỉnh Hà Nam, Hưng Yên và Thái Bình, anh Quân và anh Ngọc thấy một tàu sắt không có số hiệu đang neo đậu. Xác định đây là tàu hút cát trộm nên anh Quân, anh Ngọc chèo xuồng đến gần và yêu cầu tàu sắt đi khỏi địa bàn. Bất ngờ một người trên tàu sắt dùng súng bắn vào anh Quân. Thấy bạn trúng đạn, anh Ngọc vội chèo thuyền đưa anh Quân vào bờ và tri hô người dân địa phương. Tuy nhiên, khi mọi người kéo đến thì tàu sắt đã bỏ trốn.
Theo Minh Đức/ Tiền Phong