Ngày 4/8 trên mạng xã hội facebook, hai hình ảnh, hai câu chuyện đầy tính nhân văn, tinh thần nhân ái, tác động sâu rộng đến trái tim nhiều người được dân mạng chia sẻ rộng rãi, lan tỏa sự yêu thường, lòng tốt giữa con người với con người trong xã hội.
Hình ảnh thứ nhất được cộng đồng mạng chia sẻ rộng rãi hết lòng ngợi khen chính là bức ảnh của PV trang Sport 5, ghi lại cảnh đại úy Trần Đức Giảng, công tác tại Tiểu đoàn Cảnh sát cơ động (Công an tỉnh Nam Định) nghiến răng chịu đau khi đưa tay vào miệng một cháu bé để ngăn bé trai cắn lưỡi trong lúc lên cơ co giật.
Theo lời đại úy Trần Đức Giảng, khi đang làm nhiệm vụ tại vị trí đường đích trong trận đấu bóng đá giữa CLB Nam Định và Hoàng Anh Gia Lai trên sân Thiên Trường Nam Định vào chiều 4/8, anh và đồng đội nhận được thông tin có một cháu bé bị lên cơn co giật trên khán đài.
Ngay sau đó, anh và đồng đội đã chạy lên để hỗ trợ cấp cứu. Tại vị trí cháu bé bị co giật, anh Giảng đã yêu cầu mọi người đứng giãn ra để lấy chỗ thông thoáng giúp sơ cứu cháu bé.
Sau đó cháu bé được xuống tổ cứu thương. Khi đồng đội bế cháu bé, đại úy Trần Đức Giảng thấy cháu bé lên cơn co giật, với những kỹ năng sơ cứu nạn nhân anh từng học từ trường lớp và cuộc sống nên đã nhanh chóng lấy tay mình cho cháu bé cắn để ngăn bé không cắn lưỡi, gây nguy hiểm đến tính mạng.
|
Hình ảnh chiến sĩ CSCĐ cứu em nhỏ lay động cộng đồng mạng tối 4/8. |
Ngay khi hình ảnh đại úy Trần Đức Giảng nhăn mặt đau đớn để bé cắn tay chạy bên đồng đội đang bế cháu đến tổ cứu thương trên sân Thiên Trường nhanh chóng gây bão mạng xã hội. Đa số các ý kiến đều hết lời ngợi khen hành động của các chiến sĩ công an đã không quản ngại đớn đau để cứu giúp cháu bé. Nhiều người đánh giá, hành động đó không chỉ hoàn thành nhiệm vụ được giao còn nhân lên tình nhân ái, giúp đỡ người khác trong xã hội, kết nối những trái tim trong cộng đồng xã hội, khơi gợi những việc tốt đẹp còn lẩn khuất nhiều nơi trong cuộc sống.
Dù sau đó, mạng xã hội xuất hiện thêm những thông tin khuyến cáo của các chuyên gia y tế việc xử trí như vậy chưa đúng cách. Tuy nhiên cộng đồng mạng tiếp tục lên tiếng bênh vực hành động của đại úy Trần Đức Giảng. Bởi dù có không đúng cách nhưng trước tình huống khẩn cấp, họ đã hành động cứu được cháu bé kịp thời không để lại hậu quả xấu là việc nên làm chứ không phải là sự vô cảm, thờ ơ.
Xin mượn lời một độc giả để nói lên hành động của đại úy Trần Đức Giảng: “Thực sự đó là một hình ảnh đẹp về người chiến sĩ công an nhân dân, luôn có mặt ngay khi dân cần tới. Đây thực sự là khoảnh khắc đẹp, đẹp về hình ảnh người chiến sĩ công an và cũng đẹp về tình người trong xã hội".
Hình ảnh thứ 2 được cộng đồng mạng chia sẻ rộng rãi chính là câu chuyện đau thương mà cảm động cũng liên quan đến một cán bộ công an. Đó chính là sự hi sinh của Trưởng công an xã Nhi Sơn (huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa) – Thao Văn Súa khi di tản người dân vùng lũ ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Theo đó, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, trên địa bàn huyện Mường Lát đã xảy ra mưa to kéo dài gây ngập lụt và sạt lở trên 20 điểm. Trước tình hình phức tạp của mưa lũ, chính quyền và lực lượng chức năng huyện đã tổ chức di dời khẩn cấp nhiều hộ dân nằm trong khu vực nguy hiểm đến nơi tránh trú an toàn.
Tối ngày 3/8, Trưởng công an xã Nhi Sơn Thao Văn Súa đi nắm tình hình mưa lũ tại một số gia đình trong bản Pá Hộc để tổ chức di tản nhân dân ra khỏi khu vực nguy hiểm. Khi đến khu vực Trường tiểu học xã Nhi Sơn thì bị đất, đá sạt lở từ trên núi ầm ầm đổ xuống vùi lấp. Trưởng công an xã Nhi Sơn hi sinh để người vợ trẻ cùng 3 con nhỏ với hoàn cảnh vô cùng khó khăn khi mọi sinh hoạt, chi tiêu đều dựa vào đồng lương trưởng công an xã của anh Súa.
Những hình ảnh đẹp đẽ nhân văn dù trong đó là sự đánh đổi, hi sinh của những người có tấm lòng lương thiện, không quản ngại khó khăn gian khổ, thậm chí hi sinh tính mạng để giúp đỡ người khác được lan truyền trên mạng xã hội cho thấy, cộng đồng mạng luôn thấu hiểu, sẵn sàng lan tỏa những tấm gương người tốt việc tốt, nhân lên tinh thần nhân ái chứ không chỉ toàn tin “nóng” fake news hay giật gân.
Thời gian qua, nói đến mạng xã hội, nhiều người nghĩ rằng nơi đây giống như một “nồi lẩu thập cẩm” những thông tin không kiểm chứng, tin giả gây hoang mang, bất ổn, thậm chí gây ra những phản ứng bất bình.
Đa số những tồn tại hạn chế trên mạng xã hội xuất phát từ những thông tin thiếu kiểm chứng. Tiếp nhận những thông tin đó, nhiều người chưa cần tìm hiểu thực hư đã vào bình luận, thể hiện quan điểm, ném đá, chửi ngay, thậm chí khi có ai đó vào tranh luận lập tức phản ứng theo kiểu “nghĩ gì nói đó” dẫn đến bức tranh u ám trên mạng xã hội. Dù biết rằng, con người có quyền nói lên quan điểm, suy nghĩ, có quyền phản bác trước sự việc, hiện tượng nhưng khi tiếp nhận thông tin phải đối chiếu, kiểm chứng, lựa chọn những thông tin đúng sai để phản ứng.
Vụ việc mạng xã hội lan tỏa những hình ảnh tốt đẹp trên cho thấy, khi thông tin được kiểm chứng, cộng đồng mạng sẽ sẵn sàng đón nhận và lan tỏa sẽ giúp giảm đi những fake news hay tin giật gân sai sự thật trên mạng xã hội, thay vào đó là những thông tin đúng đắn, giúp ích cho xã hội, tạo nên sự hữu ích của mạng xã hội trong thời kỳ cách mạng 4.0.
Thiên Nga