Liên tiếp gây hấn trên biển Đông, Trung Quốc thừa nước đục “COVID-19”…làm càn
Trong thời gian bùng phát đại dịch toàn cầu COVID-19, Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới đang phải căng mình đối mặt, Trung Quốc “thừa nước đục, làm càn” khi liên tiếp gây ra hàng loạt hành động phi pháp tại biển Đông, xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa mà Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo này.
Mới đây nhất, vào 3h sáng ngày 2/4, tàu hải cảnh của Trung Quốc đã đâm chìm tàu cá Quảng Ngãi mang số hiệu QNg 90617 TS công suất 420CV do ông Trần Hồng Thọ (SN 1987 ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) làm thuyền trưởng, trên tàu có 8 thuyền viên khi đang hoạt động tại vùng biển Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Trước hành vi ngang ngược phi pháp trên của tàu Trung Quốc, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết, hành động trên của tàu công vụ Trung Quốc đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, gây thiệt hại về tài sản, đe doạ an toàn tính mạng và lợi ích hợp pháp của ngư dân Việt Nam, đi ngược lại nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai nước về việc đối xử nhân đạo với ngư dân và Thoả thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc, trái với tinh thần Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).
|
Tàu cá Quảng Ngãi bị tàu Trung Quốc đâm chìm. Ảnh: Ngư dân cung cấp trên báo Thanh Niên. |
Đồng thời hành vi trên đã gây phức tạp tình hình và không có lợi cho quan hệ hai nước cũng như việc duy trì hoà bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông.
Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã giao thiệp với đại diện Đại sứ quán Trung Quốc và trao công hàm phản đối, yêu cầu phía Trung Quốc điều tra làm rõ, xử lý nghiêm đối với nhân viên công vụ và tàu Hải cảnh Trung Quốc nêu trên, không để tái diễn những hành động tương tự, đồng thời bồi thường thoả đáng các thiệt hại cho ngư dân Việt Nam.
Đáng chú ý, từ thời điểm bùng phát dịch COVID-19 đến nay, ngoài việc tàu công vụ của Trung Quốc đâm chìm tàu cá của Việt Nam, Bắc Kinh cũng đồng thời công bố “các trạm nghiên cứu” mới trên những căn cứ quân sự mà nước này xây dựng ở Đá Chữ Thập và Đá Xubi (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam), đồng thời cho hạ cánh máy bay quân sự đặc chủng xuống Đá Chữ Thập. Trung Quốc cũng tiếp tục triển khai lực lượng dân quân trên biển xung quanh quần đảo Spratly (thuộc quần đảo Trường Sa).
Thâm chí, ngày 23/3, Trung Quốc gửi công hàm lên Liên hợp quốc phản hồi tài liệu của Philippines, cho rằng Trung Quốc “có chủ quyền với quần đảo Nam Sa và vùng biển gần kề”, “có quyền chủ quyền và quyền tài phán với các vùng biển liên quan, với đáy biển và lòng đất”. Bắc Kinh cũng cho rằng mình “có quyền lịch sử" ở Biển Đông, dựa trên "bằng chứng lịch sử và pháp lý”.
Trong công hàm phản hồi tài liệu của Malaysia ngày 12/12/2019, Trung Quốc cho biết, nước này có chủ quyền với quần đảo ở Biển Đông, bao gồm quần đảo Đông Sa, Tây Sa (tức quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam), Trung Sa và Nam Sa (tức quần đảo Trường Sa của Việt Nam). Trung Quốc cho rằng chủ quyền với các quần đảo này là “quyền lịch sử” với vùng nước khai thác.
Trước sự việc trên, Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc chính thức gửi công hàm lên Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres phản đối lập trường của Trung Quốc về vấn đề Biển Đông. Đồng thời, Việt Nam bày tỏ lập trường nhất quán về vấn đề Biển Đông.
Việt Nam phản đối các yêu sách của Trung Quốc tại các Công hàm trên. Các yêu sách này vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam tại Biển Đông.
Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế.
Việt Nam khẳng định Công ước của Liên hợp quốc về luật Biển 1982 (Công ước) là cơ sở pháp lý duy nhất, quy định toàn diện và triệt để về phạm vi quyền được hưởng vùng biển giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Theo đó, vùng biển của các cấu trúc luôn nổi tại quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa phải được xác định phù hợp với Điều 121 (3) của Công ước. Các nhóm đảo tại Biển Đông, bao gồm quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, không có đường cơ sở được vẽ bằng cách nối liền các điểm ngoài cùng của các cấu trúc xa nhất. Các bãi ngầm, hoặc cấu trúc lúc chìm lúc nổi không phải là đối tượng thụ đắc lãnh thổ và không có vùng biển riêng.
Việt Nam phản đối các yêu sách ở Biển Đông vượt quá những giới hạn được quy định tại Công ước, trong đó có yêu sách quyền lịch sử, các yêu sách này đều không có giá trị pháp lý. Lập trường nhất quán của Việt Nam về các vấn đề nêu trên đã được khẳng định trong nhiều văn bản lưu hành tại Liên hợp quốc và các đệ trình, tuyên bố gửi các cơ quan quốc tế liên quan.
Hành động phi pháp ngang ngược và vô nhân đạo
PV Kiến Thức đã có cuộc phỏng vấn Đại biểu Phạm Văn Hòa, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.
- Trong khi cả thế giới đang căng mình chống đại dịch COVID-19, Trung Quốc liên tục gây ra những hành vi gây hấn ở biển Đông mà mới đây nhất là việc đâm chìm tàu đánh cá của Việt Nam trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam, ông đánh giá sao về hành vi này?
Những hành vi của Trung Quốc gây hấn trên biển Đông trong đợt dịch COVID-19 đã lan rộng ra toàn cầu trở thành đại dịch, gây thiệt hại về người và tài sản của nhiều quốc gia trên thế giới nhất lớn, người dân toàn thế giới rất hoang mang, lo sợ.
Trong khi đó, Trung Quốc cũng là nơi khởi điểm dịch bệnh này sau đó lan ra nhiều quốc gia khác. Lẽ ra Chính phủ và nhân dân Trung Quốc nên tập trung lo cùng với thế giới để đẩy lùi đại dịch.
Tuy nhiên, Trung Quốc lại gây ra hàng loạt những hành động ngang ngược, phi pháp trên biển Đông xâm phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam.
Mới đây việc tàu hải cảnh của Trung Quốc đâm chìm tàu cá Quảng Ngãi (Việt Nam) đã xâm phạm vùng trời, vùng biển, biên giới, hải đảo của Việt Nam. Hành vi tàu Trung Quốc đâm tàu cá của Việt Nam đã gây thiệt hại về tài sản. Đây là một hành động phi pháp, vô nhân đạo. Hành vi ấy có xứng đáng với một quốc gia tự xem là lớn như Trung Quốc hay không, xứng đáng là một quốc gia láng giềng hay không?
Không chỉ sự việc trên, Trung Quốc nhiều lần có hành vi nhòm ngó, xâm phạm, ức hiếp những nước nhỏ hơn, trong đó có Việt Nam. Đây không phải một lần mà đã rất nhiều lần những tàu hải cảnh, tàu công vụ của Trung Quốc đâm chìm tàu cá của Việt Nam. Những tàu đánh cá của Việt Nam có công suất nhỏ, không có tải trọng lớn như tàu của Trung Quốc nên họ ăn hiếp chúng ta.
Một quan hệ, một đối tác, một đất nước láng giềng gần gũi, tình hữu nghị, hòa hảo gắn kết, chia sẻ giữa Việt Nam và Trung Quốc có từ rất lâu đời. Nhưng Trung Quốc đã bất chấp gây ra những hành vi hết sức ngang ngược, phi pháp, vô đạo đức, cần có sự lên án không những của Việt Nam mà cả thế giới về những hành vi bạo ngược của Trung Quốc.
|
Đại biểu Phạm Văn Hòa. |
- Trước hành vi ngang ngược, bất chấp luật pháp quốc tế “thừa nước đục làm càn” như Trung Quốc thời gian qua, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã có công hàm phản đối kịch liệt hành vi xâm phạm ngang ngược của Trung Quốc và Hội nghề cá mới đây đã lên án hành động này, ông đánh giá thế nào về sự phản ứng của Việt Nam?
Trước sự việc tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu cá Quảng Ngãi tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa, Việt Nam đã có công hàm phản đối kịch liệt hành vi xâm phạm ngang ngược của Trung Quốc, yêu cầu phía Trung Quốc điều tra làm rõ, xử lý nghiêm đối với nhân viên công vụ và tàu Hải cảnh Trung Quốc nêu trên, không để tái diễn những hành động tương tự, đồng thời bồi thường thoả đáng các thiệt hại cho ngư dân Việt Nam.
Cùng với đó, Hội nghề cá Việt Nam cũng kịch liệt lên án và phản đối hành động vô nhân đạo nói trên của phía Trung Quốc đã gây nguy hiểm đến tính mạng, thiệt hại tài sản của ngư dân Việt Nam khi đang khai thác hải sản trên vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Đồng thời, đề nghị các cơ quan chức năng của Việt Nam phản đối với phía Trung Quốc yêu cầu chấm dứt ngay những hành động cản trở, tấn công, đâm chìm tàu cá ngư dân Việt Nam khi đang hoạt động trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam.
Tôi đánh giá đây là những hành động rất cần thiết để đấu tranh kiên quyết với hành động ngang ngược và phi lý của Trung Quốc vi phạm chủ quyền vùng biển Việt Nam.
Tôi cho rằng giữa hai Chính phủ, Đảng hai nước cũng phải có trao đổi với nhau để thể hiện 16 chữ vàng. Thực tế suốt thời gian qua, chúng ta thực hiện 16 chữ vàng nhưng Trung Quốc lại không thực hiện, nói một đằng, làm một nẻo. Đó là hành vi ngang ngược.
Thực tế chúng ta đã phải chịu nhiều lép vế, những hành động, những vi phạm xảy ra đều xuất phát từ phía Trung Quốc. Việt Nam lúc nào cũng thiệt thòi khi liền biển, liền đất, liền núi với Trung Quốc dù quan hệ lâu đời với nhau.
Trung Quốc là nước lớn, có đủ tiềm lực hơn chúng ta rất nhiều. Phần khác, chúng ta phải lệ thuộc một phần về kinh tế khi phần lớn nông sản đều xuất sang Trung Quốc, đồng thời chúng ta là quốc gia cuối nguồn của dòng sông Mê Kông. Nhiều thứ để chúng ta bị lép vế và chúng ta đã chấp nhận đến mức như vậy.
Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn cứ từ chỗ chúng ta im lặng, không thực sự quyết liệt, họ lân la lấn tới. Từ chiếm đảo, xây dựng đảo, xây dựng căn cứ quân sự, quân sự hóa, tàu hải cảnh đâm chìm tàu Việt Nam, tàu đánh cá của họ xua đuổi tàu Việt Nam. Những hành vi như vậy thể hiện sự bạo ngược. Trung Quốc luôn nuôi giấc mộng bá quyền tại biển Đông và không từ bỏ dã tâm đó.
- Mới đây, Bộ Ngoại giao Mỹ đã ra tuyên bố lên án hành động của Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam trên Biển Đông, ngoài Mỹ, cần nhiều quốc gia khác, đặc biệt là khối ASEAN cần lên tiếng phản ứng trước hành vi ngang ngược trên của Trung Quốc, ông nghĩ sao về điều này?
Đây là phản ứng của những quốc gia trên thế giới. Ngoài việc gửi công hàm phản đối hành vi của Trung Quốc, Việt Nam cũng tranh thủ vận động các nước trên thế giới để lên án, phản đối hành vi bạo ngược, xâm chiếm, xâm phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam của Trung Quốc.
Bộ Ngoại giao Mỹ đã lên tiếng nhưng tôi nghĩ cần thêm sự lên tiếng, sự phản ứng của các quốc gia có tiềm lực như Pháp, Nga, Anh và quan trọng nữa là các nước ASEAN.
Bởi tiếng nói của các nước ASEAN mới là quan trọng tuy nhiên phải nói thẳng là mối gắn kết, sự e dè, sợ sệt, có thể bị Trung Quốc mua chuộc…khiến một số quốc gia ASEAN không dám lên tiếng bênh vực Việt Nam.
Đây là vấn đề cần giải pháp hữu hiệu nhất để các nước này đồng lòng, chung sức, chung lòng để chống lại thế lực có mưu đồ bành chướng, bá quyền trên biển Đông như Trung Quốc.
Xin cảm ơn Đại biểu Phạm Văn Hòa về cuộc trao đổi trên!
>>> Mời độc giả xem video Hình ảnh chân thực nhất về Đảo Trường Sa
Tâm Đức