Xe máy - phương tiện nguy hiểm
Sau vụ tai nạn thảm khốc - xe container đâm hàng loạt xe máy dừng đèn đỏ ở Long An làm 4 người chết và 18 người bị thương gây xôn xao dư luận.
Tiến sĩ Lương Hoài Nam (tiến sĩ kinh tế hàng không, nguyên Tổng giám đốc hãng hàng không Jetstar Pacific Airlines, nguyên giám đốc điều hành Air Mekong) lại một lần nữa lên tiếng bày tỏ về góc nhìn cá nhân đối với xe máy.
Theo Ts. Lương Hoài Nam, xe máy là phương tiện nguy hiểm, nên có lộ trình hạn chế, giảm dần xe máy rồi tiến đến loại bỏ xe máy nhằm giảm thiểu thiệt hại về người trong những vụ tai nạn giao thông. Bởi so với ô tô hay các loại hình giao thông khác, xe máy là phương tiện không an toàn, nguy hiểm hơn khi người dân sử dụng.
"Vì đề xuất hạn chế tiến tới loại bỏ xe máy mà tôi đã phải hứng chịu bao nhiêu là 'gạch đ' trên mạng xã hội do có quan điểm đối với giao thông xe máy. Nhưng hôm nay, khi nhiều người đi xe máy đã phải bỏ mạng trong 2 vụ tai nạn ở Long An và Lâm Đồng. Tôi tiếp tục khẳng định xe máy không phải và không thể dùng làm phương tiện giao thông chủ lực của người dân. Người dân cần sợ nó kể cả khi buộc phải dùng” - Tiến sĩ Lương Hoài Nam cho biết.
|
Hiện trường vụ container đâm hàng loạt xe máy ở Long An. |
Theo Ts.Lương Hoài Nam, nhà nước cần có lộ trình giảm dần rồi loại bỏ nó, thay thế bằng những phương tiện giao thông công cộng an toàn, tiện nghi.
“Việc thay thế xe máy bằng những phương tiện giao thông công cộng vừa tiết kiệm chi phí hơn so với việc người dân phải bỏ tiền mua và nuôi xe máy, phó mặc sức khoẻ cho mưa nắng, phó mặc tính mạng cho rủi ro tại nạn giao thông” - Ts. Lương Hoài Nam nói.
Tiến sĩ Lương Hoài Nam chấp nhận bị “ném đá” với đề xuất trên. Ông viết trên mạng xã hội: “Ai ném đá tôi thì ném đi, tôi nhận”.
Mời quý vị xem toàn cảnh vụ tai nạn xe container đâm hàng loạt xe máy dừng đèn đỏ ở Long An:
Trước đó, vào năm 2013, Tiến sĩ Lương Hoài Nam đã từng có bài viết đăng tải trên báo chí về đề xuất cần có lộ trình loại bỏ xe máy ở những đô thị lớn.
Khi đó, Tiến sĩ Lương Hoài Nam cho rằng, việc các cơ quan nhà nước còn né tránh xem xét vấn đề này chỉ kéo dài thêm sự lạc hậu và nguy hiểm của nền giao thông đô thị Việt Nam, kéo dài thêm sự nghèo nàn, lạc hậu của bản thân các đô thị và cư dân đô thị và, nói rộng ra, của cả đất nước.
“Các phương tiện giao thông công cộng hiện đại (tàu điện ngầm và tàu điện trên cao, xe buýt) và ô-tô cá nhân đại diện cho sự văn minh mà các đô thị và cư dân hướng tới ở bất kỳ nơi nào. Điều này không có gì phải tranh cãi. Loài người đến nay chưa nghĩ ra được phương tiện đi lại nào hiện đại, văn minh hơn chúng.
Máy bay chỉ phục vụ cho việc đi lại với khoảng cách xa hàng trăm cây số, không ai lại dùng máy bay để đi lại trong thành phố. Cũng không ai nói rằng xe máy hiện đại, văn minh hơn các phương tiện giao thông đô thị nêu trên.
Những người phản đối ý tưởng cấm xe máy (trong tương lai) phần lớn có quan điểm là hãy phát triển các phương tiện giao thông công cộng cho thật tốt, thật tiện đi, hãy giảm giá ô-tô xuống nhiều đi rồi số lượng xe máy mặc nhiên sẽ giảm. Điều đó không sai về lý thuyết, nhưng kém khả thi trên thực tế.
Cần nhìn nhận một sự thật là kể cả ở các quốc gia nghèo hơn Việt Nam, không đâu có "nền giao thông xe máy" với mật độ, tỷ lệ xe máy cao như Việt Nam cả” - Tiến sĩ Lương Hoài Nam nêu quan điểm trong bài viết.
“Thật tủi thân khi nghĩ rằng thế hệ chúng tôi có thể chưa có hạnh phúc nhìn thấy một đô thị Việt Nam phát triển, với các phương tiện giao thông công cộng văn minh, hiện đại, an toàn, không có xe máy. Thật đau khổ khi thấy mỗi ngày trên dưới 30 người Việt Nam bị chết vì tai nạn giao thông, trong đó khoảng 70% có sự tham gia của xe máy” - trong bài viết tiếp theo tiến sĩ Lương Hoài Nam cũng nêu rõ quan điểm.
Thậm chí, tiến sĩ Lương Hoài Nam còn viết rằng: “Chừng nào vẫn còn những cái chết thương tâm vì nạn nhân đi xe máy, chúng ta đang có tội rất lớn với họ.Thật bất an khi thấy các đô thị nước ta ngày càng bị ô nhiễm vì khí thải xe máy và rác thải có liên quan khăng khít đến cuộc sống với những chiếc xe máy. Thật buồn lòng khi thấy văn hoá giao thông xe máy đã và đang ảnh hưởng tiêu cực đến văn hoá con người Việt Nam”.
Cùng chung quan điểm, ông Đỗ Hoàng Việt - Kiến trúc sư; Phó Giám đốc Công ty đầu tư BĐS Vân Đồn cho rằng: "Nên cấm xe máy ngay và luôn. Nói gì thì nói phương tiện xe máy là loại phương tiện nguy hiểm. Mỗi năm, Việt Nam có hàng vạn người chết vì tai nạn giao thông mà chủ yếu là xe máy. Đó là chưa kể số người bị thương, tật, tàn phế và trở thành gánh nặng của cả xã hội.
Loại phương tiện này không đủ an toàn cho con người, nhưng cơ quan quản lý không dám mạnh dạn cấm xe máy để thay bằng phương tiện công cộng khác. Họ sợ phản ứng gay gắt từ dư luận và chấp nhận để người dân hàng ngày vẫn phải lưu thông trên đường và có thể chết bất cứ lúc nào."
Ông Việt cho rằng, tính mạng con người là quan trọng nhất, còn người còn của, cấm xe thì phương tiện công cộng mới có đường có không gian mà phát triển. Nếu cấm xe máy thì người dân phải dậy sớm hơn để đi bộ ra xe buýt, về nhà muộn hơn nhưng như thế còn hơn việc đánh đổi tính mạng trên đường.
"Trong vụ xe container đâm hàng loạt xe máy dừng đèn đỏ ở Long An, nếu đám đông dừng đèn đỏ đó là ô tô thì thiệt hại chết người sẽ là rất ít" - ông Việt nói.
Ông Việt so sánh: "Thượng Hải, Quảng Châu, Băng Cốc.... cấm xe máy cỡ 15-20 năm rồi, giờ đường sá sạch bách xe máy nên ô tô đi toàn 60-70km/h trong phố, rất nhanh chóng. Như Yangon, thủ đô Myanmar, họ cũng đã cấm xe máy được hơn 10 năm và đương nhiên tỷ lệ người chết vì tai nạn giao thông họ ít hơn ta nhiều. Vậy nên bỏ ngay cách nghĩ là ta chưa đủ điều kiện về hạ tầng nên chưa thể cấm xe máy, sai luôn, cung ắt có cầu, phương tiện công cộng sẽ phải phát triển để đáp ứng. Nghèo như Myanmar còn làm được, tại sao ta không làm được?
Theo tôi là người dân nên bỏ ngay suy nghĩ không nên cấm đi xe máy và cái ý thích đi xe máy cho tiện của đi. Đây là câu chuyện tính mạng. Chẳng nước nào lấy xe máy là phương tiện giao thông chính như ở Việt Nam cả."
Hạn chế xe máy ở thời điểm nào là phù hợp
Tuy nhiên, khi trao đổi về quan điểm hạn chế xe máy tiến tới cấm xe máy, chuyên gia giao thông Bùi Danh Liên cho rằng, việc hạn chế hay tiến tới loại bỏ phương tiện xe máy ở thời điểm này chưa phù hợp.
“Xe máy hiện là phương tiện mà người dân có nhu cầu đi lại lớn, góp phần phát triển kinh tế xã hội. Không thể nói là cấm xe máy hay hạn chết phương tiện này mà vấn đề là ở chỗ quy định của pháp luật về quản lý giao thông vận tải phải được thực hiện nghiêm túc. Như vụ tai nạn ở Long An, lái xe container khi khám dương tính với ma túy và nồng độ cồn. Vấn đề là trách nhiệm của doanh nghiệp và lái xe container phải làm. Chừng nào trách nhiệm mà cá nhân, doanh nghiệp vận tải không làm đến nơi đến chốn thì những vụ tai nạn thương tâm vẫn xảy ra.
Phải có một chuyên đề kiểm tra, quản lý lái xe và doanh nghiệp vận tải có xe container. Bởi trong thời gian vừa qua đã xảy ra rất nhiều vụ tai nạn giao thông đều liên quan đến loại hình, phương tiện vận tải này mà nguyên nhân chính đều do ý thức lái xe khi tuân thủ luật an toàn giao thông đường bộ quá kém, trong khi chủ doanh nghiệp vận tải buông lỏng trách nhiệm quản lý”, ông Bùi Danh Liên nói.
Hải Ninh