Vừa qua, lực lượng chức năng tại Hà Nội phát hiện tình trạng mua bán giấy đi đường, giấy xét nghiệm COVID-19 giả hay việc cấp giấy đi đường “khống” để cho một số người có thể qua chốt một cách dễ dàng.
Chiêu trò "giấy đi đường"
Ngày 19/8, tổ công tác phòng chống dịch số 3, phố Trần Duy Hưng (quận Cầu Giấy) đã phát hiện và lập biên bản với lái xe Nguyễn Công H. ra đường không có lý do chính đáng, vi phạm Chỉ thị 16 của Chính phủ. Nội dung giữa giấy đi đường và người này cung cấp cho cơ quan công an cũng có nhiều điểm mâu thuẫn.
Cụ thể, trường hợp này dù mới được nhận vào làm việc tại một công ty giao, vận chuyển hàng hoá 3 ngày nhưng giấy đi đường đã được cấp từ ngày 8/8.
Tại chốt kiểm soát số 7 trên đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân) cũng đã phát hiện trường hợp Phạm Văn T. mới vào công ty làm việc được 5 ngày (ngày 17/8) nhưng giấy đi đường đã được viết từ ngày 30/7.
Một trường hợp khác dù có giấy đi đường nhưng lại không biết gì về đơn vị mà mình đang công tác. Người này cho biết đã nhờ vợ xin giấy đi đường để ra ngoài đi giao hàng.
|
Việc sử dụng giấy đi đường giả có thể bị truy cứu trác nhiệm hình sự. |
Trước đó, tổ công tác cũng đã phát hiện Nguyễn Hữu N. xuất trình nhiều giấy tờ tùy thân trong đó có giấy đi đường do một công ty cấp. Tuy nhiên, N. không phải là nhân viên của công ty trên mà do N. tự làm giả dùng vào việc đi đường.
Tại chốt phòng dịch COVID-19 trên đường Hồ Chí Minh qua xã Trần Phú, huyện Chương Mỹ, Hà Nội, lực lượng chức năng đã kiểm tra hai thanh niên có dấu hiệu sử dụng giấy tờ giả. Nam thanh niên xuất trình cho tổ công tác 2 CMND, 2 giấy xét nghiệm nhanh COVID-19 mang tên Ngô Văn Kh. và Bùi Thị V. kèm theo một giấy đi đường cấp cho Ngô Văn Kh.
Theo tường trình ban đầu, anh Kh. đang chở chị V. từ Hoà Bình về công ty để làm việc. Tuy vậy, qua kiểm tra, tổ công tác phát hiện giấy đi đường cấp cho anh Kh. có dấu hiệu giả mạo. Khai thác tại chỗ, anh Kh. cho biết đang chở chị V. từ Công ty Samsung DSV ở xã Yên Trung, huyện Yên Phong, Bắc Ninh về Kim Bôi, Hoà Bình để chị V. thăm bà nội chồng đang bị ốm nặng với giá 500.000 đồng. Giấy đi đường anh Kh. xin được từ một người “anh xã hội” rồi tự điền tên tuổi vào.
Ngoài ra, lực lượng chức năng còn phát hiện nhiều trường hợp sử dụng giấy đi đường làm giả, được mua từ hiệu cầm đồ, nhân viên của công ty...
Có thể truy cứu trách nhiệm hình sự
Luật sư Đặng Văn Cường – Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, hiện nay, tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp nên cơ quan chức năng áp dụng một số biện pháp như hạn chế đi lại của người dân vì lợi ích chung là phòng, chống dịch COVID-19.
Tuy nhiên, có một số người sử dụng giấy tờ không đúng quy định, giấy tờ giả nhằm hợp thức hoá thủ tục để được qua chốt kiểm soát dịch vì lợi ích cá nhân. Rõ ràng, lợi ích thì chưa thấy đâu nhưng hậu quả thì đã nhìn thấy là ngoài việc bị xử phạt hành chính thì họ còn có thể bị xử lý hình sự về hành vi vi phạm của mình. Ngoài ra, bản thân họ cũng có nguy cơ bị mắc bệnh cũng như làm lây cho người thân.
Luật sư Cường phân tích, trong trường hợp lực lượng chức năng xác định các cơ quan, tổ chức cấp giấy đi đường cho người không làm việc tại đơn vị có thể bị xử lý hình sự về hành vi giả mạo trong công tác theo quy định tại Điều 359 Bộ luật Hình sự 2015.
"Mặc dù con dấu trên giấy là đúng, nhưng lại sai về mặt nội dung, do người được cấp giấy không làm việc tại cơ quan, tổ chức đó và cũng không thực hiện nhiệm vụ được ghi ở trên giấy. Bởi vậy, trong trường hợp này giấy tờ được cấp sẽ được xác định là giấy tờ giả và người cấp giấy tờ giả sẽ bị xử lý hình sự về tội giả mạo trong công tác” - luật sư Cường cho biết.
Đối với người sử dụng giấy đi đường, họ biết đây là giấy không đúng nhưng vẫn dùng để thực hiện hành vi trái pháp luật thì cũng có thể bị xử lý hình sự về hành vi sử dụng giấy tờ giả của cơ quan tổ chức theo Điều 341 Bộ luật hình sự năm 2015.
Theo luật sư Cường, trong trường hợp những người sử dụng giấy đi đường, giấy xét nghiệm COVID-19 giả thì cả người mua và người làm ra giấy này sẽ bị xử lý hình sự về tội làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan tổ chức.
“Cụ thể, ở đây người mua đã cung cấp thông tin cá nhân cho các đối tượng thì có thể bị xử lý về hành vi giúp sức trong việc làm giả, vì nếu không có thông tin của họ thì không có giấy tờ giả đó. Còn nếu người mua là người đặt vấn đề, khởi xướng việc làm giả giấy tờ thì sẽ bị xử lý là chủ mưu” – luật sư Cường nhận định.
Cũng theo luật sư Cường, trong trường hợp người dân mua giấy tờ giả về tự điền thông tin cá nhân của mình vào nhằm mục đích thực hiện hành vi vi phạm thì cũng có thể bị xử lý về hành vi làm giả giấy tờ của cơ quan, tổ chức.
“Hành vi làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan, tổ chức, cụ thể là từ 6 giấy đi đường hoặc giấy xét nghiệm COVID-19 trở lên sẽ bị xử lý hình sự theo điều 341 Bộ luật Hình sự 2015 và có thể bị xử phạt lên tới 7 năm tù” – luật sư Cường thông tin.
Luật sư Cường khuyến cáo, đừng vì thiếu hiểu biết, cẩu thả hay coi thường pháp luật để đi mua giấy tờ giả rồi khi bị phát hiện thì nhận hậu quả rất nặng, có thể bị phạt tù chứ không chỉ là phạt hành chính. Đối với các cơ quan, tổ chức vì lợi nhuận mà cung cấp, bán giấy tờ không đúng đối tượng thì đây là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng và chắc chắn sẽ bị xử lý hình sự.
Luật sư Đinh Thị Nguyên, Đoàn luật sư TP Hà Nội cũng kiến nghị, cơ quan chức năng cần tập trung thực hiện số hóa kết quả xét nghiệm thông qua việc quét QR để có thể kiểm tra ngay trên điện thoại, thiết bị di động và có số điện thoại cán bộ xét nghiệm, kỹ thuật viên làm công tác xét nghiệm trên chính giấy xét nghiệm được cấp, để tổ kiểm dịch, tổ công tác làm công tác đối chiếu, xem xét những đối tượng tình nghi sử dụng giấy tờ giả để đi lại.
Đồng thời, áp dụng chế tài xử phạt nghiêm khắc về mặt hành chính và hình sự đối với các cá nhân, tổ chức vi phạm; bởi chính những hành vi và thủ đoạn làm giả, mua bán, xin cho, cấp giấy sai đối tượng đã “gián tiếp làm phát sinh dịch bệnh, làm lây lan dịch bệnh trong cộng đồng” khiến Nhà nước và các địa phương khó kiểm soát tình hình dịch bệnh hơn.
Hiểu Lam