Công trình “mọc” trên đất nông nghiệp: Ai chịu trách nhiệm?

Google News

Hàng loạt công trình xây dựng “mọc" trên đất nông nghiệp ở Phú Diễn, Tây Tựu thuộc quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) nhưng chưa thấy được xử lý dứt điểm, gây nhức nhối.

Công trình “mọc” tràn lan trên đất nông nghiệp
Trong bài viết trước, Báo Tri thức và Cuộc sống đã nêu thông tin phản ánh của người dân, tại khu vực đất nông nghiệp tiếp giáp đường Phú Diễn, gần với trụ sở UBND phường Phú Diễn (quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội) đang bị san lấp và xây dựng biến thành các nhà xưởng. Tại thửa đất nông nghiệp nằm đối diện ngõ 221 đường Phú Diễn còn “mọc” lên một công trình nhà ở cao 2 tầng (cách trụ sở UBND phường Phú Diễn khoảng hơn 100m).
Ngoài ra, cạnh phường Phú Diễn có một công trình “khủng” đã xây dựng phần móng cao khoảng 1m, bên ngoài che chắn tôn kín mít, cửa ra vào dựng 2 vòng.
Cong trinh “moc” tren dat nong nghiep: Ai chiu trach nhiem?
Khu đất nông nghiệp nằm đối diện ngõ 221 đường Phú Diễn “mọc” lên một công trình nhà ở cao 2 tầng. Các lô đất khác thì được san nền, đổ bê tông làm bãi xe ô tô.
Ngày 25/3, đại diện quản lý TTXD phường Phú Diễn, thừa nhận công trình nhà ở 2 tầng được phản ánh nêu trên là của một hộ dân xây trên đất nông nghiệp. Hiện phường đang chờ chỉ đạo của quận để xử lý. Về công trình đang xây móng, san lấp trên đất nông nghiệp, phường sẽ dán thông báo, lập biên bản và xử lý nghiêm.
Cong trinh “moc” tren dat nong nghiep: Ai chiu trach nhiem?-Hinh-2
Công trình đã xây dựng phần móng cao khoảng 1m, bên ngoài che chắn tôn kín mít, nằm giữa cánh đồng.
Không chỉ ở Phú Diễn, trên địa bàn phường Tây Tựu của quận Bắc Từ Liêm, cũng có nhiều công trình bị phản ánh xây dựng kiên cố trên đất nông nghiệp, ngang nhiên hoạt động, chưa được xử lý dứt điểm thì công trình mới đã “mọc” lên. Theo đó, các công trình vi phạm phản ánh xuất hiện chủ yếu khu vực đường Cầu Khoát; đường nối với DT70A; khu vực cống Cầu Đìa; hay phố Trung Kiên có công trình nghi xây trên đất nông nghiệp (diện tích khoảng 300m2) làm cửa hàng bách hóa tổng hợp, không đảm bảo PCCC và đang có dấu hiệu hợp thức hóa đất ở?
Tại ngõ 160/54 đường Tây Tựu, còn có nhà xưởng trái phép rộng hàng trăm m2, sử dụng làm kim khí tổng hợp, được cho là của người thân Phó Chủ tịch phường Tây Tựu Phan Thị Thu Giang. Theo ông Nguyễn Quang Thậm - Chủ tịch UBND phường Tây Tựu, công trình này vi phạm trước năm 2014, và đã được nêu tại Kết luận 246 năm 2019...
Cong trinh “moc” tren dat nong nghiep: Ai chiu trach nhiem?-Hinh-3
Khu đất có diện tích khoảng 300m2 là đất nông nghiệp, làm cửa hàng bách hóa tổng hợp.
Cần vào cuộc làm rõ trách nhiệm quản lý của UBND phường
Luật sư Hoàng Tùng (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết, theo Luật Đất đai, đất được phân loại thành 03 nhóm: Đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp và đất chưa sử dụng. Về nguyên tắc sử dụng đất phải đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng và đúng mục đích sử dụng đất.
Trước khi xây dựng nhà xưởng sản xuất, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân cần phải xác định rõ quy hoạch, kế hoạch và mục đích sử dụng đất của khu đất. Trường hợp khu đất là đất nông nghiệp hoặc các loại đất khác mà không phải đất được giao để làm cơ sở sản xuất phi nông nghiệp thì tổ chức, hộ gia đình, cá nhân này phải chuyển mục đích sử dụng đất cho phù hợp, sau đó mới được phép xây dựng nhà xưởng và hoạt động sản xuất.
Hơn nữa, Luật Đất đai cũng quy định về nghĩa vụ của người sử dụng đất có nêu rõ: Phải sử dụng đất đúng mục đích, đúng ranh giới thửa đất...
Trường hợp chủ sử dụng đất không đúng mục đích đã được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất; xây dựng nhà cửa, công trình kiên cố trên đất nông nghiệp mà không chuyển đổi mục đích là trái với quy định pháp luật.
“Hành vi xây dựng trên đất nông nghiệp không chỉ là vi phạm về xây dựng đơn thuần mà còn làm biến đổi đất, vi phạm quy hoạch, vi phạm Luật Đất đai, môi trường…”, luật sư Hoàng Tùng nhấn mạnh.
Cong trinh “moc” tren dat nong nghiep: Ai chiu trach nhiem?-Hinh-4
Luật sư Hoàng Tùng (Đoàn luật sư TP Hà Nội). 
Đối với sự việc xây dựng trên đất nông nghiệp ở Phú Diễn, Tây Tựu của quận Bắc Từ Liêm, bên cạnh việc xử lý với chủ đất vi phạm, ông Tùng cho rằng, cơ quan chức năng TP Hà Nội cần vào cuộc làm rõ trách nhiệm quản lý của UBND phường Phú Diễn, UBND phường Tây Tựu khi không kịp thời phát hiện, xử lý dứt điểm vi phạm.
Bởi nhiều năm qua, công tác quản lý đất đai nói chung và công tác xử lý các vi phạm trong quản lý, sử dụng đất nông nghiệp tại các quận, huyện, thị xã đã được Thành ủy, UBND TP Hà Nội quan tâm chỉ đạo; tổ chức thanh tra, kiểm tra, kết luận, thu được nhiều kết quả tích cực. Bên cạnh đó, trách nhiệm của các tập thể, cá nhân cũng được chỉ rõ và xử lý nghiêm. Chẳng hạn gần đây, Công an TP Hà Nội đã bắt giữ 06 đối tượng để điều tra về hành vi nhận hối lộ của một số cá nhân nhằm bỏ qua các sai phạm trong quá trình thi công xây dựng tại quận Hoàng Mai (Hà Nội). Trong đó có 2 Chủ tịch, 1 Phó Chủ tịch phường cùng một số cán bộ quận này.
Thực tế, trước việc các công trình “mọc” nhan nhản trên đất nông nghiệp, vi phạm trật tự xây dựng diễn ra trên địa bàn phường Tây Tựu, Phú Diễn của quận Bắc Từ Liêm, đang phần nào phản ánh về năng lực quản lý của cán bộ và địa phương. Điều này rất khó chấp nhận. 
Do vậy, luật sư Hoàng Tùng kiến nghị UBND TP Hà Nội cần chỉ đạo Công an Hà Nội vào cuộc điều tra, làm rõ có hay không việc cố tình vi phạm trật tự xây dựng, xây dựng trên đất nông nghiệp, có sự bao che, hay buông lỏng quản lý đất đai không, để từ đó xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật?

Trước đó, ngày 26/3, Đảng ủy UBND TP Hà Nội ban hành Nghị quyết số 11-NQ/ĐU, nhấn mạnh việc tăng cường quản lý đất đai, đầu tư công, trật tự xây dựng, quản lý đô thị, đồng thời đảm bảo an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô. Trong đó yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã tập trung chỉ đạo thực hiện tốt công tác quản lý đất đai, đầu tư công, trật tự xây dựng trên địa bàn...

Siết chặt kỷ cương, kỷ luật và nâng cao hiệu quả công tác quản lý đô thị, thực hiện nghiêm các quy định để đảm bảo trật tự, văn minh đô thị. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý đất đai, đầu tư công, trật tự xây dựng trên địa bàn; kiên quyết, kịp thời ngăn chặn xử lý các vi phạm, không để tình trạng lợi dụng thời điểm triển khai các Kết luận của Trung ương về sắp xếp bộ máy, đơn vị hành chính để thực hiện hành vi vi phạm.

Các sở, ngành và địa phương cũng được yêu cầu đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, đảm bảo công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, tái định cư, đồng thời giải quyết nhanh chóng thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp...

Nhóm PV