Công trình 7 tầng Mã Pì Lèng Panorama: Mã Pì Lèng được phép phát triển du lịch như nào?

Google News

(Kiến Thức) - Mã Pì Lèng (thuộc hẻm vực Tu Sản) được phân khu để phát triển du lịch thể thao mạo hiểm. Tuy nhiên, theo quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt, nêu rõ, hạn chế xây dựng mới, tôn tạo các công trình văn hóa, lịch sử hiện có, đảm bảo không gây ảnh hưởng tiêu cực tới cảnh quan môi trường tự nhiên.

Thời gian qua, thông tin về một công trình đồ sộ 7 tầng gồm hệ thống nhà hang, nhà nghỉ Panorama của một hộ gia đình ở TP Hà Giang mọc lên tại khu vực đèo Mã Pì Lèng (huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) đang khiến dư luận bức xúc và lo lắng về việc cảnh quan khu vực trên sẽ bị phá vỡ.
Bởi công trình nhà hàng, nhà nghỉ Panorama có đến 7 tầng nằm ngay trên hẻm vực Tu Sản được xây dựng từ năm 2018, hoàn thành, đưa vào sử dụng từ đầu năm 2019 nhưng đến nay chưa được cấp phép xây dựng vì xây dựng trên đất nông nghiệp chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng, chưa có giấy chứng nhận đầu tư, chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Dù nằm ngoài vùng bảo vệ II của danh thắng Mã Pì Lèng, nhưng theo Luật Di sản văn hoá, công trình ảnh hưởng xấu đến cảnh quan và môi trường thì phải có ý kiến thẩm định của cơ quan quản lý văn hoá.
Bởi việc xây dựng công trình ở đèo Mã Pì Lèng phải đảm bảo nguyên tắc không làm ảnh hưởng đến danh thắng quốc gia và tuân thủ Luật Di sản văn hoá.
Cong trinh 7 tang Ma Pi Leng Panorama: Ma Pi Leng duoc phep phat trien du lich nhu nao?
 Công trình 7 tầng Mã Pì Lèng Panorama. Ảnh: NLĐ
Hơn nữa, theo ông Nguyễn Thanh Giang, Phó trưởng Ban quản lý Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, cũng xác nhận đèo Mã Pì Lèng thuộc khu vực công viên đang quản lý.
Trong khi đó, ông Trương Văn Quảng, Phó Tổng thư ký Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam khi trao đổi với báo chí cho rằng, ngoài việc được công nhận là di tích danh lam thắng cảnh quốc gia thì khu vực Mã Pí Lèng còn nằm trong Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, được UNESCO trao danh hiệu vào năm 2016. Vì vậy, nơi đây phải tuân thủ theo quy định của quốc tế để bảo vệ giá trị cảnh quan của cao nguyên đá mang tính toàn cầu.
Đáng chú ý, theo ông Quảng, Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định phê duyệt quy hoạch tổng thể về phát triển du lịch, khai thác giá trị.
Do đó, tất cả những công trình xây dựng trong khu vực này phải căn cứ vào quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Trong khi đó, quy hoạch nơi đây không cho phép xây dựng tại đèo Mã Pí Lèng mà chủ yếu khai thác cảnh quan kết hợp du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm…
Theo tìm hiểu của PV Kiến Thức, ngày 21/12/2017, Thủ tướng Chính phủ có quyết định 2057 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Khu du lịch quốc gia Cao nguyên đá Đồng Văn (sau đây viết tắt là Khu DLQG Cao nguyên đá Đồng Văn), tỉnh Hà Giang đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Theo quyết định này, Khu DLQG Cao nguyên đá Đồng Văn là toàn bộ Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn, gồm 04 huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh và Quản Bạ của tỉnh Hà Giang với quy mô diện tích lên đến 232.606 ha, trong đó khu vực tập trung phát triển các dịch vụ du lịch rộng khoảng 2.000 ha.
Quyết định cũng nêu rõ quan điểm phát triển du lịch Khu DLQG Cao nguyên đá Đồng Văn phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; các Chiến lược, Quy hoạch phát triển du lịch của Việt Nam và vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ; các quy hoạch về bảo tồn, quy hoạch xây dựng Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn đã được phê duyệt; yêu cầu và tiêu chí của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đối với Công viên địa chất toàn cầu.
Đồng thời, phải gắn với danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO, chủ yếu dưới hình thức bảo tồn, phát huy giá trị tổng thể các loại hình di sản, khai thác hiệu quả giá trị tài nguyên du lịch, trong đó các di sản địa chất đóng vai trò chủ đạo, các di sản văn hóa dân tộc là bản sắc, chú trọng bảo tồn, đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, giảm nhẹ thiên tai và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu…
Đáng chú ý, theo quyết định này, Mã Pì Lèng (thuộc hẻm vực Tu Sản) được phân khu để phát triển du lịch thể thao mạo hiểm.
Tại quyết định 438 ngày 7/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch xây dựng Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, đến năm 2030 cũng nêu rõ về vùng bảo vệ cảnh quan, danh lam thắng cảnh, trong đó, khu bảo vệ cảnh quan Mã Pì Lèng, diện tích 796,3 ha gồm phạm vi Khu di tích quốc gia danh lam thắng cảnh Mã Pì Lèng và khu vực phụ cận. Bảo tồn, phát huy giá trị của di tích danh lam thắng cảnh Mã Pì Lèng, sông Nho Quế...
“Tại các khu vực nêu trên, hạn chế xây dựng mới, tôn tạo các công trình văn hóa, lịch sử hiện có. Nâng cấp, cải tạo hạ tầng các điểm dân cư nông thôn gắn với các hoạt động sản xuất, phát triển du lịch sinh thái, homestay, đảm bảo không gây ảnh hưởng tiêu cực tới cảnh quan môi trường tự nhiên”, quyết định nêu rõ.
Tâm Đức