Cả nước có hơn 2 triệu công nhân làm việc trong gần 300 khu công nghiệp. Tuy nhiên, chỉ một phần trong số này có nhà ở, số còn lại đều phải thuê trọ trong những căn phòng nóng bức, ẩm thấp nhưng giá tiền lại cao.
Tiền nhà mất 1/3 tiền lương
Khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Hà Nội) vào chính vụ hè nắng như đổ lửa. Cái nắng, cái nóng thêm con gió tạt vào mặt người bỏng rát. Làm trong xưởng đã vất vả thế nhưng, trở về nhà trọ, nhiều lao động còn mệt mỏi, khốn khổ hơn.
Chị Nguyễn Thị Tâm (quê Thanh Hoá) làm công nhân vắt đế tại Công ty giày Hàn Quốc (Khu công nghiệp Bắc Thăng Long) cho biết, vợ chồng chị làm công nhân đã gần chục năm. Yêu nhau được 3 năm thì cưới và anh chị cũng đã có một cô con gái 2 tuổi. Cuộc sống khó khăn, sinh con xong, chị ở nhà nuôi con được 10 tháng thì gửi con cho ông bà nội rồi tiếp tục đi làm. “Lương tháng 2 vợ chồng em chỉ được hơn chục triệu đồng, phải chắt bóp lắm mới đủ tiền sinh hoạt, nuôi con” – chị Tâm tâm sự.
|
Công nhân ở TP.HCM sống trong những căn phòng chưa đầy 8m2. ảnh: Minh Nguyệt |
Trước đây, hai vợ chồng chị chỉ thuê một phòng trọ 8m2, lợp fibro xi măng giá 800.000 đồng/tháng. Thế nhưng, mấy ngày nay hè tới, không gian chật chội, nóng bức, chị phải thuê phòng khác rộng hơn. Mặc dù phòng mới chỉ rộng hơn 2m2, nhưng giá tiền tăng gần gấp đôi.
Chị Tâm nhẩm tính với phóng viên, tiền nhà mất 1,2 triệu đồng, thêm tiền điện, tiền nước, tiền mạng 400.000 đồng nữa là mất 1,6 triệu/tháng, mất đứt 1/3 tiền lương hàng tháng của chị. Tiền ăn hai vợ chồng một tháng mất 2,5 triệu đồng, tiền nuôi con 3,5 triệu đồng. Tiền đình đám, mua sắm… tính ra có tháng chị còn… âm. Do vậy, mong mỏi mua nhà an cư của gia đình chị thật sự là một giấc mơ rất xa vời.
Trước đó, trong một lần đi thực tế tại Khu công nghiệp Tam Phước (TP.Biên Hoà, Đồng Nai) phóng viên đã tận mắt thấy đời sống vất vả, khổ cực của công nhân lao động ở đây. Vợ chồng anh Sơn Mon và chị Nguyễn Thị Mơ (huyện Hòa Bình, Bạc Liêu) lên Đồng Nai làm công nhân đã được 12 năm, sau đó kéo cả anh em, họ hàng đến Đồng Nai lập nghiệp. Anh chị thuê 3 phòng trọ cạnh Khu công nghiệp Tam Phước (TP.Biên Hòa, Đồng Nai) cho vợ chồng, con cháu ở để đi làm. Mỗi căn phòng rộng chừng 10m2, đều cũ nát, ẩm mốc, bao gồm cả chỗ ngủ, bếp, nhà vệ sinh.
“Dù mỗi tháng hai vợ chồng thu nhập 15-16 triệu đồng, so với dân quê thì cao nhưng phải thuê nhà, chi tiêu đắt đỏ nên vẫn phải chắt bóp, ăn uống kham khổ mới để dành được chút ít” - anh Mon nói.
Nỗi lo lắng lớn nhất của anh Mon và chị Mơ lúc này chính là nhà ở. Mới đây con gái út (12 tuổi) của anh vừa ở quê ra sống cùng bố mẹ nhưng nhà quá chật chội. “Xa con thì nhớ mà cho cháu ra đây học thì không biết có xin học được không. Nhà không có, chỗ ở chật chội, không khí ẩm mốc thế này tôi lo cháu cũng phát ốm” - chị Mơ lo lắng.
Dự án “đắp chiếu” 14 năm
Trong khi hàng triệu công nhân đang khát khao có một mái nhà để che nắng che mưa, tại Đà Nẵng, dự án xây
nhà ở giá rẻ cho công nhân đã “đắp chiếu” 15 năm nay.
Cũng tính là đi làm tích cóp ít vốn sau này về quê làm ăn chứ ở đây sống cảnh thuê trọ mãi thế này chán lắm. Nhà cửa không đủ tiền mua, ở trọ chật trội có muốn cho con ra ngoài này cũng khó bởi chẳng biết gửi con ở đâu vì nhà trẻ không có, trường mầm non công lập thì không gửi được vì không có hộ khẩu”.
Chị Nguyễn Thị Tâm
Số liệu của Liên đoàn Lao động TP.Đà Nẵng cho thấy, toàn thành phố hiện thu hút 74.000 công nhân làm việc tại các khu công nghiệp, với hơn 40% lao động ngoại tỉnh. Trong đó có gần 30.000 công nhân có nhu cầu rất lớn về nhà ở.
Tính riêng quận Liên Chiểu (Đà Nẵng) đã có tới hơn 50.000 công nhân làm việc tại các khu công nghiệp Hòa Khánh (chiếm hơn 50% số lượng công nhân trên toàn thành phố), phần đông trong đó là lao động ngoại tỉnh.
Ông Lê Trọng Nguyên - Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận Liên Chiểu cho biết, nhu cầu về nhà ở hiện nay đang là vấn đề bức thiết của rất nhiều công nhân trên địa bàn. Tuy nhiên, dự án nhà ở cho công nhân tại Khu đô thị công nghiệp Hòa Khánh (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu) triển khai từ năm 2003 đến nay, vẫn dở dang sau nhiều lần thi công.
Theo tìm hiểu, dự án được triển khai gồm 6 khối nhà và các công trình phụ trợ trên diện tích xây dựng 3,58ha. Tuy nhiên, công trình này chỉ dừng lại ở... phần cột móng, sàn bê tông rồi bỏ hoang vì thiếu vốn.
Ông Nguyễn Hồng Thanh - Phó Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng và công nghiệp dân dụng Đà Nẵng giãi bày: Công trình ký túc xá tập trung phía Tây mở rộng, trước đây là công trình nhà ở cho công nhân được nhiều công ty đầu tư, xây dựng. Tuy nhiên, sau khi khởi công xây dựng được một số hạng mục thì dừng. Sau đó, UBND thành phố thu hồi công trình nhà ở công nhân và bàn giao cho đơn vị để xây ký túc xá sinh viên từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Tuy nhiên, từ năm 2013 đến nay nguồn vốn trái phiếu Chính phủ không còn bố trí cho dự án nên hiện dự án đang tiếp tục tạm dừng.
“Vừa qua, để tiếp tục tìm nguồn vốn triển khai hoàn thành dự án trên, UBND TP.Đà Nẵng đã có công văn đề nghị Chính phủ cho phép chuyển đổi công năng 2 khu ký túc xá sinh viên thành nhà ở cho công nhân bằng các nguồn vốn xã hội hóa…” - ông Thanh cho biết thêm.
Theo ông Thanh, trước mắt dự án cũng chưa thể hoàn thành vì… nhiều lý do.
Theo Minh Nguyệt - Kim Oanh/Dân Việt