Sáng 29/9, trong khuôn khổ sự kiện “Kết nối cung - cầu công nghệ, đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2023”, Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng 2023 đã diễn ra tại Cung Quy hoạch, hội chợ và triển lãm tỉnh Quảng Ninh. 400 người tham gia diễn đàn gồm đại biểu, lãnh đạo bộ ngành, nhà khoa học, doanh nghiệp và cộng đồng quan tâm đến công nghệ năng lượng.
Tại diễn đàn, các chuyên gia bàn thảo về xu hướng công nghệ mới, hiện đại trong nước và quốc tế, làm rõ về các chính sách hỗ trợ của Việt Nam trong nghiên cứu ứng dụng công nghệ năng lượng.
Phát triển kinh tế tuần hoàn, đạt mục tiêu tăng trưởng từ nâu sang xanh
Phát biểu khai mạc sự kiện, Quyền chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy cho biết, hiện nay nước ta đang hướng đến mục tiêu trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045, dự báo về điện và năng lượng của Việt Nam trong những năm tới sẽ tăng rất nhanh.
Quảng Ninh là địa phương có nhiều tiềm năng về năng lượng và là một khu công nghiệp khai thác mỏ đầu tiên của Việt Nam. Vào thế kỷ XIX, Quảng Ninh là một địa điểm khai thác than và đến nay sản lượng khai thác than chiếm khoảng từ 90 đến 95% sản lượng của cả nước. Từ ngành than, Quảng Ninh phát triển ra rất nhiều các ngành khác, đặc biệt là sản xuất điện với 7 nhà máy Nhiệt điện, chiếm 17% tổng lượng điện sản xuất của toàn quốc.
Theo ông Cao Tường Huy, tỉnh đang tập trung chỉ đạo chuyển mô hình từ nâu sang xanh để phát huy nội lực, phát triển công nghiệp xanh, sạch, tăng nhanh tỷ lệ công nghiệp chế biến chế tạo. Quảng Ninh đang nâng dần tỷ lệ tiên tiến trong công nghiệp chế biến chế tạo trong GDP từ 9,8% năm 2020 lên đến 12% năm 2022, tốc độ tăng trưởng của ngành này bình quân tăng 24%/năm.
Ông Huy cho biết, riêng ngành công nghiệp đóng góp lớn vào sự tăng trưởng của tỉnh chiếm từ 49 đến 50%, tập trung vào các ngành chính như công nghiệp khai thác than, sản xuất điện và công nghiệp chế biến, chế tạo. Hiện Quảng Ninh thu hút FDI tập trung vào công nghiệp chế biến chế tạo có giá trị gia tăng cao, công nghệ cao, sử dụng ít nguồn tài nguyên khoáng sản. Năm nay, Quảng Ninh đặt mục tiêu thu hút 1 tỷ USD trong lĩnh vực FDI, hiện 8 tháng đã thu hút 850 triệu USD.
|
Quyền chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy |
Ngành năng lượng và công nghiệp đóng góp vào sự tăng trưởng của Quảng Ninh rất lớn. Năm nay dự báo tăng trưởng GDP trên 10%, trong 7 năm liên tiếp tăng trưởng 2 con số. Quy mô kinh tế ngày càng nâng cao, dự kiến 2023 đạt con số gần 300.000 tỷ đồng.
Quyền chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh kỳ vọng các giải pháp được giới thiệu tại sự kiện hỗ trợ địa phương "phát triển kinh tế tuần hoàn, đạt mục tiêu tăng trưởng từ nâu sang xanh".
Phát triển công nghệ tích trữ năng lượng nhìn từ VinES
Tại phiên tham luận "Xu hướng công nghệ mới và giải pháp, công nghệ nhằm góp phần bảo đảm an ninh năng lượng và phát triển bền vững trong bối cảnh mới", ông Nguyễn Đình Thứ, Trưởng bộ phận chiến lược và hợp tác của VinES (Tập đoàn Vingroup) đã có bài tham luận về cách Tập đoàn Vingroup phát triển công nghệ tích trữ năng lượng và giải pháp chuyển đổi xanh.
Ông Nguyễn Đình Thứ cho biết, không chỉ ở Việt Nam, hiện nhiều quốc gia khác trên thế giới đều đang nỗ lực chuyển đổi sang năng lượng xanh để góp phần giảm phát thải hướng đến phát thải ròng trong những năm tiếp theo. Vingroup cũng không năm ngoài xu hướng đó. Tập đoàn đã có những hành động quyết liệt và sâu rộng ở tất cả các công ty thành viên, góp phần tạo nền móng phát triển bền vững trong bối cảnh mới.
Đối với VinES, một trong những đơn vị tiên phong trong phát triển các công nghệ liên quan tới pin và cung cấp các giải pháp liên quan pin lưu trữ năng lượng, dùng cho nhiều quy mô từ hộ gia đình đến thương mại công nghiệp và những cơ sở vận hành quản lý hạ tầng điện.
Ông Thứ chia sẻ, VinES được thành lập tháng 8/2021, chỉ trong 4 tháng đã đưa ra những sản phẩm dùng cho mẫu xe điện đầu tiên của thị trường Việt Nam. Tháng 10/2021, công ty đã động thổ và khởi công nhà máy sản xuất và đóng gói pack pin Hà Tĩnh; tháng 4/2022 SOP Pack pin LFP cho xe máy điện; hoàn thành thí điểm dây chuyền sản xuất thử nghiệm pin trụ và khai trương Trung tâm Kiểm thử. Tháng 6/2022 hoàn thành vận hành nhà máy; mới đây nhất hồi tháng 5, công ty đã động thổ và khởi công Nhà máy Sản xuất Pin trụ NMC tại Hải Phòng.
|
Ông Nguyễn Đình Thứ, Trưởng bộ phận chiến lược và hợp tác của VinES (Tập đoàn Vingroup) |
Ông Nguyễn Đình Thứ khẳng định, với những thành tựu trên, VinES tự hào là đơn vị tiên phong khu vực Đông Nam Á có công nghệ từ Cell đến hệ thống/Pack toàn diện.
Ông Thứ khẳng định, sau khi có cơ sở sản xuất, đội ngũ xuất sắc, mạng lưới quan hệ hợp tác toàn cầu, VinES đã tạo ra nhiều sản phẩm từ cell pin. Hiện, đơn vị có hai loại pin tiên tiến nhất thế giới. Bên cạnh đó, công ty cũng phát triển công nghệ quản lý pin, lưu trữ năng lượng. Nhờ đó, sản phẩm của VinES áp dụng được cho nhiều dòng phương tiện ôtô khác nhau như xe máy điện, buýt điện và hướng tới ứng dụng cho cả xe tải.
Việc triển khai hệ thống tin lưu trữ năng lượng VinES có thể hỗ trợ nhu cầu trong hoạt động kinh doanh hàng này. Doanh nghiệp có thể tiết kiệm điện trong giờ cao điểm; tích hợp năng lượng tái tạo; tạo nguồn điện dự phòng.
Thời gian tới, VinES dự kiến tăng tốc chuyển đổi sử dụng năng lượng sạch bằng cách triển khai điện mặt trời, BESS cho trạm sạc Vinfast; cơ sở sản xuất điện mặt trời, BESS; sạc di động; phát triển hệ thống pack pin dành cho các dòng xe E4W; Vinfast...
Thách thức biến rác thải thành năng lượng
Trình bày tham luận về chủ đề "Công nghệ điện rác, cơ hội và thách thức", ông Nguyễn Đình Trọng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn công nghệ T-Tech Việt Nam cho biết, chúng ta đặt ra mục tiêu biến rác thải thành năng lượng. Tuy nhiên, câu chuyện xử lý được rác đã khó, chúng ta đã loay hoay nhiều năm, huy động nhiều nguồn vốn từ ODA, doanh nghiệp, nhiều nhà khoa học đã tham gia nhưng vẫn còn nhiều thách thức.
Theo ông Trọng, công nghệ điện rác đang là xu hướng tiềm năng. Việt Nam định vị rác là tiềm năng nhưng có thực sự là tiềm năng hay không, thì phải nhờ công nghệ. Việt Nam đã áp dụng nhiều công nghệ tiên tiến trên thế giới như: công nghệ plasma, công nghệ khí hóa tổng hợp...tuy nhiên nhiều công nghệ đã thất bại.
Mỗi ngày, Việt Nam thải ra 60.000 tấn rác, rác thải sinh hoạt đô thị khoảng 35.000 tấn. Nhu cầu vốn đầu tư cho đốt rác phát điện khoảng 3,5 USD trong vòng 5 năm tới. Đơn giá phát điện rác được Chính phủ ưu tiên mua với giá cao, khoảng 10,05 Cent/kWh.
Hiện Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức như công nghệ không phù hợp với rác tại Việt Nam; suất đầu tư quá lớn, trong khi đơn giá xử lý rác thấp; thiết kế quy hoạch nhà máy rác không khoa học, layout không tốt, dẫn đến lãng phí đầu tư, chi phí vận hành tốn kém; năng lực quản trị vận hành yếu, do không có kinh nghiệm; các doanh nghiệp không làm chủ công nghệ, không có đối tác chung tay, không tự sửa chữa, không tự nâng cấp, trong khi xử lý rác thải sinh hoạt đòi hỏi thường xuyên liên tục.
T-Tech là doanh nghiệp có 21 năm kinh nghiệm, là hãng sản xuất lò đốt rác trong nước và khu vực. Doanh nghiệp tư vấn giải pháp cho khoảng 30 tỉnh, thành. Theo vị đại diện doanh nghiệp, vấn đề xử lý rác cần sự đồng hành của ít nhất 3 "nhà": Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Lợi ích và mô hình sản xuất xanh đem lại cho doanh nghiệp
Trong khuôn khổ diễn đàn, tại tọa đàm tìm kiếm các giải pháp thúc đẩy công nghệ năng lượng, ông Nguyễn Quang Mâu - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổ hợp Công ty Cổ phần Gốm Đất Việt đã thông tin về lợi ích và mô hình sản xuất xanh đem lại cho doanh nghiệp.
Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổ hợp Công ty Cổ phần Gốm Đất Việt cho biết, Gốm Đất Việt hơn 10 năm tuổi, hiện có 2 công ty sản xuất và kinh doanh được công nhận nhà máy xanh, sản phẩm thân thiện môi trường.
|
Ông Nguyễn Quang Mâu |
Ông Mâu cho biết, để đạt các tiêu chí xanh cần ý chí, sự quyết tâm. Là công ty tư nhân, ngay những ngày đầu thành lập công ty có khát vọng "phải tự hào về đất sét nung Việt Nam", do đó, ông đã đưa ra chiến lược và quy hoạch hành động bản bản. Cụ thể, công ty dành 40% quỹ đất mặt bằng làm hồ điều hòa, đường nội bộ xanh, tiểu cảnh, vườn hoa trong lòng nhà máy. Có nền tảng hạ tầng, công ty phải tính mức đầu tư dù chi phí cao vẫn phải đáp ứng mục tiêu sản xuất xanh. Cuối cùng là phải bảo hộ lâu dài, sao cho doanh nghiệp luôn tươi mới.
Về nguồn nhân lực, doanh nghiệp tập trung đào tạo theo hướng chất lượng cao."Chúng tôi tự đào tạo, học tập trao đổi lẫn nhau và đi đây đó để tìm ra công nghệ máy móc thiết bị cao. Vượt qua những khó khăn trên nên khi đi vào sản xuất khá thuận lợi vì ekip đồng bộ, thống nhất và hiện trở thành doanh nghiệp có nhà máy xanh, sản phẩm xanh. Ngoài ra, công ty hiện sở hữu công nghệ nghiền khô siêu mịn, tăng áp lực, tạo năng suất tăng hơn 2 lần", ông Mâu thông tin.
Nói về động lực thúc đẩy đầu tư công nghệ năng lượng, ông Nguyễn Văn An - Tổng giám đốc Công ty cổ phần tập đoàn An Hà Phương cho biết, hiện số lượng doanh nghiệp trọng điểm của Việt Nam là hơn 3.000 doanh nghiệp. Đây là những cơ sở tiêu thụ lượng điện lớn, tiêu thụ bình quân là 80 tỷ kWh mỗi năm.
“Nếu các doanh nghiệp này thực hành tiết kiệm tối thiểu 2% điện năng tiêu thụ/năm, bình quân mỗi năm, cả nước tiết kiệm được khoảng 1,6 tỷ kWh, tương ứng với tiết kiệm được hơn 3.200 tỷ đồng tiền điện”, ông An nói và cho biết, đây là động lực lớn nhất để tiết kiệm chi phí.
>>> Mời độc giả xem thêm video GS.TSKH.NGND. Nguyễn Thiện Phúc chia sẻ về khoa học và công nghệ
Hải Ninh