Liên quan đến vụ sự kiện bà Nguyễn Phương Hằng cùng hacker N.H.K (sinh năm 1987, trú tại TPHCM, người được bà Hằng bỏ 1 tỷ thuê tìm ra người đứng sau tài khoản nói xấu nữ doanh nhân) livestream bóc phốt nhiều nghệ sĩ và đấu tố Võ Hoàng Yên, nhiều ý kiến băn khoăn với hành vi hack tài khoản mạng xã hội của người khác do hacker N.H.K tại sao chưa bị cơ quan chức năng "sờ gáy"?
"Mình phạm pháp thì mình đã chuẩn bị tâm lý bất cứ lúc nào về mặt dân sự cũng như hình sự. Mình không cần ai tụ họp lại ủng hộ hay phản đối gì hết. Nhà nước sẽ có cách giải quyết hợp lý, mọi người không cần lo. Còn ai hỏi mình vì ủng hộ cô Hằng mà bị như thế có đáng không thì mình xin khẳng định nếu cho mình làm lại thì mình vẫn làm như vậy" - hacker N.H.K chia sẻ với Báo Pháp luật TP.HCM.
|
Hacker N.H.K khẳng định mình đã hack tài khoản của Hoài Linh và nhiều nghệ sĩ và ý thức được việc có thể sẽ phải đối diện với pháp luật về hành vi của mình. |
Việc hacker N.H.K chưa bị xử lý khiến dư luận đặt ra vấn đề rằng: Liệu việc này có tạo thành tiền lệ xấu?
Anh Nguyễn Văn Tùng (Gia Lâm, Hà Nội) bày tỏ: "Việc làm của hacker N.H.K là thách thức pháp luật, cần phải bị xử lý nghiêm. Không lẽ giờ cứ có tiền thuê hacker là có thể đột nhập được tài khoản bất cứ ai rồi đánh cắp thông tin lên mạng bóc phốt vô tư?"
Trả lời cho vấn đề này, một lãnh đạo Bộ Công an cho biết, đến nay cơ quan chức năng chưa nhận được đơn thư phản ánh, tố cáo của người bị hại về việc bị xâm hại quyền lợi, danh dự, nhân phẩm liên quan đến vụ việc trên. Những điều mà hacker tuyên bố trên mạng xã hội, hay những người livestream trên mạng cho đến nay vẫn chỉ là việc lời qua tiếng lại, bêu xấu hạ bệ, tố cáo nhau... khi chưa có đơn của bị hại thì cơ quan chức năng chưa thể xem xét để vào cuộc xác minh, điều tra, xử lý theo quy định.
Hacker có dấu hiệu phạm tội
Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho biết thêm, quyền bí mật đời tư, bảo vệ quyền bí mật đời tư, thư tín, điện thoại, điện tín,… là một trong những quyền cơ bản của con người được quy định tại Hiến pháp, Bộ luật dân sự và các văn bản khác có liên quan trong Điều 21 Hiến pháp 2013 quy định.
Dù với bất kỳ mục đích, động cơ nào thì hành vì cố tình xâm nhập trái phép vào tài khoản cá nhân của người khác trên không gian mạng là hành vi vi phạm pháp luật, bị nghiêm cấm. Chính vì thế, hành vi của hacker có dấu hiệu vi phạm vào Điều 8, Luật An ninh mạng 2018.
Cụ thể, Luật An ninh mạng 2018 quy định nghiêm cấm hành vi xâm phạm bí mật cá nhân và đời sống riêng tư trên không gian mạng, bao gồm: Chiếm đoạt, mua bán, thu giữ, cố ý làm lộ thông tin bí mật cá nhân và đời sống riêng tư gây ảnh hưởng đến danh dự, uy tín, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; Cố ý xóa, làm hư hỏng, thất lạc, thay đổi thông tin thuộc bí mật cá nhân và đời sống riêng tư được truyền đưa, lưu trữ trên không gian mạng; Cố ý thay đổi, hủy bỏ hoặc làm vô hiệu hóa biện pháp kỹ thuật được xây dựng, áp dụng để bảo vệ thông tin thuộc bí mật cá nhân và đời sống riêng tư; Hành vi khác cố ý xâm phạm bí mật cá nhân và đời sống riêng tư; Đưa lên không gian mạng những thông tin thuộc bí mật cá nhân và đời sống riêng tư trái quy định của pháp luật;…
Hành vi truy cập trái phép vào Facebook của người khác là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy vào tính chất mức độ của hành vi, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà người vi phạm có thể bị phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Trước hành động này, luật sư cho rằng, hacker N.H.K. có thể sẽ phải nhận mức phạt về tội Xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác theo Điều 159 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017.
Cụ thể, nếu được xác định hành vi phạm tội, N.H.K có thể bị phạt tiền từ 20-50 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm. Ngoài ra, nếu phạm tội có tổ chức; tiết lộ các thông tin đã chiếm đoạt, làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác hoặc khiến nạn nhân bị thương tổn sẽ bị phạt tù từ 1-3 năm.