Chiều 20/7, Báo Pháp Luật TP.HCM đã tổ chức buổi giao lưu trực tuyến “Tiếp cận thông tin - Góc nhìn của cộng đồng xã hội” với sự tham gia của các khách mời: GS-TS Nguyễn Đăng Dung (khoa Luật ĐHQG Hà Nội), thành viên ban soạn thảo dự luật Tiếp cận thông tin; ông Đặng Tâm Chánh, chuyên gia nghiên cứu về quyền tiếp cận thông tin của báo chí; bà Ngô Thu Hà, Nhóm công tác vì sự tham gia của người dân - PPWG…
Không được xâm hại quyền riêng tư
Hàng trăm câu hỏi đã được các bạn đọc gửi tới buổi giao lưu. Trong đó nổi bật lên là những câu hỏi xoay quanh bí mật cá nhân của các lãnh đạo cấp nhà nước, quyền tiếp cận thông tin của người yếu thế…
Theo dự thảo Luật Tiếp cận thông tin thì bí mật cá nhân như bệnh tật, sức khỏe lãnh đạo cấp nhà nước thuộc diện hạn chế cung cấp cho cộng đồng. “Tuy nhiên, trong trường hợp cung cấp thông tin ra có lợi hơn thì cơ quan nắm giữ thông tin có nên cung cấp hay không? Và tình hình sức khỏe, bệnh tật có phải thông tin bí mật không? Khi nào thì Nhà nước nên cung cấp thì có lợi hơn?” - nhiều bạn đọc hỏi.
Trả lời câu hỏi này, GS-TS Nguyễn Đăng Dung cho biết tình hình sức khỏe, bệnh tật của một số nhân vật quan trọng là bí mật. Do đây là bí mật liên quan đến việc công, cơ quan nắm giữ bí mật cần phải cân nhắc nếu việc cung cấp thông tin có lợi hơn là không cung cấp thì phải xem xét cung cấp công khai.
|
GS-TS Nguyễn Đăng Dung (bìa phải), thành viên ban soạn thảo dự luật Tiếp cận thông tin trả lời câu hỏi của bạn đọc tại buổi giao lưu trực tuyến. Ảnh: Lâm Thông
|
Ông Đặng Tâm Chánh cho rằng trong trường hợp thông tin về sức khỏe của một cá nhân, chẳng hạn, thông tin về một trường hợp bị dịch bệnh nguy hiểm có khả năng ảnh hưởng tới cộng đồng, Nhà nước có thể xem xét công bố thông tin dựa trên cân nhắc về mức độ lợi hại của nó. “Nhiều nước quy định khá chặt chẽ quy trình và thủ tục công bố thông tin dạng này. Trong trường hợp thông tin sức khỏe của một chính khách, một bộ trưởng… có ảnh hưởng đến hoạt động của khu vực công, thường người ta phải công khai với dân chúng. Tất nhiên việc công bố phải bảo đảm một trình tự nghiêm túc, không xâm hại đến quyền riêng tư của công dân nói chung” - ông Chánh lý giải.
Cung cấp thông tin là trách nhiệm của cán bộ
Một vấn đề khác được nhiều bạn đọc rất quan tâm đó là trách nhiệm của cơ quan phát ngôn sẽ thế nào khi Luật Tiếp cận thông tin ra đời? GS-TS Nguyễn Đăng Dung cho rằng hiện nay việc cung cấp thông tin chưa phải là trách nhiệm bắt buộc của cán bộ hoặc cơ quan công quyền. Mặt khác, vì các cơ quan và cán bộ này lại phải thực hiện trách nhiệm rất lớn trong nhiệm vụ bảo vệ bí mật nên có thái độ cẩn trọng là tất yếu.
“Luật Tiếp cận thông tin ra đời sẽ chấm dứt tình trạng trên. Khi đó cung cấp thông tin trở thành trách nhiệm bắt buộc của cơ quan công quyền, cán bộ, công chức. Nếu họ không thực hiện nghiêm túc việc này thì có thể sẽ bị pháp luật chế tài” - ông Dung cho hay.
Nhà báo Nguyễn Đức Hiển, Tổng Thư ký tòa soạn báo Pháp Luật TP.HCM, nói thêm trong trường hợp bị thoái thác cung cấp thông tin một cách trái pháp luật thì phải dùng những quyền năng đã được pháp luật quy định để đòi hỏi, khiếu nại, phê phán những người đã thoái thác. Nhà báo phải sử dụng quyền chất vấn, yêu cầu cung cấp thông tin chứ không chỉ năn nỉ, xin xỏ hoặc tìm cách có được thông tin bằng các mối quan hệ thân thiết.
“Và để làm được điều đó thì phải minh bạch mục đích cung cấp thông tin cũng như công khai tên tuổi của những người đã từ chối nhu cầu cung cấp thông tin chính đáng của công chúng. Đó là cách “đặt trách nhiệm” vào tay các cơ quan công quyền” - nhà báo Đức Hiển nói.
Theo Tá Lâm/Pháp luật TPHCM