Vừa mới đây, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã chỉ đạo bỏ dự thảo quy định cấm công chức mặc quần jean, áo thun đi làm.
Chỉ đạo này đã tạm khép lại một cuộc tranh luận dài từ khi dự thảo quy định này được đưa ra, rằng công chức khi đi làm có được mặc kiểu trang phục như vậy không, rằng có nhất định phải đưa vào điều cấm không...
Rất nhiều người quan tâm tranh luận. Bởi đó không chỉ là chuyện cái quần, cái áo. Đối với cán bộ, công chức, đó là sự thoải mái hơn. Đối với người dân, trang phục của công chức thể hiện phần nào bộ mặt của công quyền khi tiếp xúc với họ.
Điều thú vị là hầu hết các ý kiến phản biện, cho rằng "thái độ, hiệu quả phục vụ của công chức là quan trọng, chứ không phải là bộ trang phục", phần lớn lại không phải là cán bộ, công chức.
Như vậy, người dân cũng không khắt khe tới nỗi bắt buộc công chức phải mặc trang phục gì. Việc đưa ra quy định trên là sự tự ý thức, nỗ lực của cơ quan công quyền để tự mình trở nên ngày càng chuẩn mực, chuyên nghiệp, làm hài lòng người dân hơn.
Khi bản tin đầu tiên về dự thảo quy định cấm mặc quần jean, áo thun đi làm đăng lên báo, một anh bạn là công chức ở TP.HCM nhắn tin cho tôi giãi bày: "Tôi thấy cán bộ công chức mà ăn mặc không văn minh, lịch sự là khó chịu liền".
Anh nói làm công chức là nghề đặc biệt mà. Trước khi chọn nghề này, anh đã suy nghĩ kỹ lắm. Mình không chuẩn mực thì còn nói được ai?
Tìm hiểu nội quy riêng của từng sở, ngành ở TP.HCM thấy nhiều nơi đã đưa nội dung này vào từ lâu.
Chẳng hạn, có sở quy định cụ thể cán bộ, công chức không được mặc quần jean, áo thun, áo trễ cổ, váy quá ngắn... trong giờ làm việc. Nhưng mấy năm nay, chưa ai vi phạm để bị nhắc nhở vì bản thân mỗi công chức đều đã tự ý thức.
Không cấm quần jean áo thun, nhưng quy định của chính quyền TP.HCM vẫn nêu rõ trang phục làm việc của nam là quần tây, áo sơmi; nữ quần tây, váy dài tối thiểu ngang gối, áo sơmi có tay... Như vậy là đã đủ để thực hiện rồi.
Sắp tới đây, TP.HCM thực hiện cơ chế chính sách đặc thù, tăng thu nhập cho cán bộ công chức, yêu cầu lớn nhất là năng suất, chất lượng công việc. Khi đó, với mỗi công chức sẽ là một cuộc đua với chính bản thân mình để tự làm mình trở nên chuẩn mực và xứng đáng hơn. Việc lựa chọn trang phục phù hợp chắc không cần ai nhắc.
Ông bà ta có câu lạt mềm buộc chặt. Câu thành ngữ ấy không chỉ đúng trong chuyện tình cảm. Trong quản lý nhà nước, đôi khi chẳng cần cấm đoán. Chỉ cần người ta tự ý thức được những điều được - mất sẽ tự nguyện đi ngay hàng thẳng lối.
Theo MAI HOA/Tuổi trẻ